Các tin tức không tốt về bộ phận điện thoại của Microsoft nhiều lên từng ngày. Trước thông tin về đợt “tinh giản” lớn với 1.850 nhân viên bị sa thải, “ông trùm phần mềm” ngay lập tức phải gửi một thông báo nội bộ tới các đối tác của công ty để làm dịu đi tình hình. Thứ 4 vừa qua, hãng đã chính thức công bố kế hoạch tái cơ cấu bộ phận smartphone, với chi phí lên tới 950 triệu USD.
Trong số gần 2000 người bị cắt giảm trong đợt tái cấu trúc nhân sự này có đến 1.350 nhân viên ở Phần Lan - nơi có tập đoàn điện thoại Nokia được Microsoft mua lại, số còn lại làm việc tại các khu vực khác. Satya Nadella - Giám đốc điều hành cùng Trưởng bộ phận Thiết bị Windows - Terry Myerson của Microsoft phải đích thân lên tiếng để xốc lại tinh thần cũng như trấn an các đối tác và nhân viên của công ty.
Dường như những nỗ lực trên vẫn chưa đủ, ngày hôm qua, đại diện hãng công nghệ của Mỹ tiếp tục gửi email tới các nhà đầu tư để đưa ra định hướng phát triển và kế hoạch kinh doanh điện thoại thông minh trong tương lai.
Danh sách các công ty hợp tác với “gã nhà giàu” công nghệ. |
Trong thư, Microsoft nhấn mạnh về việc lựa chọn đối tượng khách hàng và nêu tầm quan trọng của việc tìm kiếm “những thị trường tiềm năng” phân phối và quảng bá các sản phẩm của hãng.
Thay vì đầu tư dàn trải bộ phận với ba phân khúc sản phẩm: điện thoại tầm trung, điện thoại cao cấp và các sản phẩm cho khách hàng doanh nghiệp. Hiện nay Microsoft tập trung hoàn toàn vào đối tượng là các công ty, doanh nghiệp. Các dịch vụ hỗ trợ sẽ tập trung vào các vấn đề về bảo mật, quản lý và Continuum – thiết bị cơ động giúp biến điện thoại thành máy tính cá nhân.
Các thị trường tiềm năng hiện nay của Microsoft bao gồm Mỹ, Australia, và các nước Tây Âu.
Trớ trêu thay, trong khi Apple cố gắng thâm nhập vào thị trường Ấn Độ, thì Microsoft lại có dấu hiệu rút lui. Bằng chứng là việc giảm giá hàng loạt các thiết bị Lumia tầm trung tại đất nước này. Ông lớn vùng Redmond đang ấp ủ giấc mơ phát triển dòng smartphone cao cấp dành cho doanh nghiệp– Surface.
Ngoài ra, công ty vẫn hỗ trợ các OEM trong khu vực xây dựng các thiết bị Windows Phone. Bởi những nhà sản xuất này nắm rõ hơn ai hết thói quen của người dùng tại thị trường của từng quốc gia. Microsoft sẵn sàng hợp tác để mang tới người dùng những trải nghiệm độc đáo trong hệ sinh thái Windows.
Sự kiện ra mắt smartphone chạy Windows 10 tại Nhật Bản. |
Tuy nhiên, người dùng không còn mấy hứng thú với các sản phẩm chạy hệ điều hành này. Họ có xu hướng tìm đến một hệ điều hành mở, đa dạng và nhiều lựa chọn về thiết bị Android. Trước thực trạng này, hãng phần mềm lớn nhất thế giới vẫn tự tin khẳng định:
“Không có bất cứ rủi ro nào khi đầu tư cho Windows Phone. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật và hỗ trợ các thiết bị Lumia cũng như smartphone sản xuất từ các đối tác khác như Acer, Alcatel, HP, Trinity hay VAIO; và không quên ra mắt các thiết bị mới. Microsoft chú trọng tới các vấn đề về bảo mật, quản lý đồng thời tăng hiệu năng của làm việc của Continuum.”
Việc hoàn toàn phó mặc số phận của Windows Phone vào tay các nhà sản xuất phần cứng khiến Microsoft mất dần sự ủng hộ từ phía người dùng. Hậu quả là sự sụt giảm thị phần toàn cầu, báo hiệu tương lai sụp đổ của một hệ điều hành tiềm năng.
Phó chủ tịch Panos Panay giới thiệu Lumia 950 và Lumia 950 XL . |
Câu hỏi muôn thủa của người dùng với hệ điều hành này là kho ứng dụng. Tham vọng của Microsoft vấp phải sự thiếu vắng trầm trọng các ứng dụng cần thiết. Nếu vấn đề này không được giải quyết thỏa đáng, các nhà sản xuất điện thoại sẽ sớm quay lưng lại với ông chủ Windows. Bởi một thiết bị an toàn, dễ quản lý sẽ trở nên vô nghĩa khi không thể sử dụng các dịch vụ cơ bản như PayPal , Facebook Live, Lyft, hay Snapchat.