Những ngày này, không khí ảm đạm phủ trùm lên những rẫy mía đang phơi mình dưới nắng nóng gay gắt ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) - nơi có diện tích mía lớn nhất miền Tây. Nhiều nông dân đứng ngồi không yên vì mía chết từng ngày, mời thương lái vào đến rẫy để bán với giá rẻ như cho nhưng họ lắc đầu bỏ đi.
Út Quân cho biết: "Mía chết trắng rẫy khiến hi vọng cả năm của nông dân vụt tắt, nhiều người gặp cảnh nợ nần". Ảnh: Việt Tường. |
Mía không còn ngọt
Bước ra từ rẫy mía, người nông dân có khuôn mặt sạm nắng, quệt mồ hôi đầy trán nói với phóng viên: "Nắng quá nóng, nước quá mặn như thế này thì làm sao cây mía sống được. Mía chết hết rồi, cho cũng không ai lấy vì họ đốn sẽ lỗ tiền công".
Ông là nông dân Võ Văn Quân (Út Quân, 58 tuổi) ở ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung. Từ Tết Nguyên đán Bính Thân đến nay, vợ chồng ông bỏ ăn, bỏ ngủ, chạy khắp nơi tìm người để bán mía, mong thu lại ít vốn nhưng không ai chịu mua.
"Thương lái chặt mía ăn thử, họ nói mặn chát, chữ đường không còn bao nhiêu. Một vụ mía kéo dài cả năm, chúng chết hết thế này khiến nông dân cùng cực", ông Út Quân nói như khóc. Gia đình nông dân này có 0,5 ha mía, mỗi năm thu hoạch được 40 tấn sản phẩm. Năm nào mía giá cao (1.000 đồng/kg) ông bán được khoảng 40 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 10 triệu.
Theo nông dân, mỗi vụ mía kéo dài một năm thì bình quân một tháng gia đình ông chỉ có 833.000 đồng, chia đều cho 6 nhân khẩu, mỗi người được gần 139.000 đồng. Nếu giá mía thấp hơn, con số này sẽ giảm đi gần 1/3.
Ông Út Quân cho biết, thời tiết thay đổi bất thường khiến nông dân xứ cù lao gặp nhiều khó khăn trong việc trồng mía, bắp. Đây là cây trồng đặc thù của Cù Lao Dung. Ông Quân đã có gần 30 năm gắn bó với cây mía nhưng không năm nào gặp cảnh khốn khó như năm nay.
"Tôi xuống giống đến 3 lần mới có được rẫy mía này. Trồng được 10 tháng, mía đang xanh tốt, chữ đường tăng từng ngày thì nước mặn ngập rẫy. Cứ tưởng vài ngày nước rút, ngọt trở lại nhưng mặn càng tăng nên mía vàng lá, chết rụi dần", nông dân tóc hoa râm kể.
Một trong những rẫy mía thiệt hại hoàn toàn ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: Việt Tường. |
Ông Quân cho biết, mía gần đủ 12 tháng thân sẽ cao từ 2,5-3 m. Còn mía của nông dân này chỉ cao khoảng 2 m, có nơi chỉ 1,5 m vì ảnh hưởng nắng hạn và xâm nhập mặn.
Không bán được mía, gia đình nông dân Út Quân lỗ khoảng 35 triệu đồng và mất thu nhập nên hai con của ông đã đi Bình Dương tìm việc làm thuê. Kế hoạch thay lá mái nhà và những chiếc cột gỗ bị mối, mọt đục khoét rỗng ruột trước mùa mưa phải hoãn lại vì trong nhà không còn một đồng.
"Vợ chồng tôi tính vụ mía này có lãi nên mượn tiền hàng xóm mua gạo ăn từ trước Tết. Giờ gặp cảnh khốn khó thế này, phải chờ con trai đi làm thuê kiếm tiền gửi về trả nợ, chưa kể mấy chục triệu vay của ngân hàng", ông Quân nói sau tiếng thở dài.
Nhìn quanh nhà gia đình này, phóng viên không thấy vật gì quý ngoài chiếc xe máy cũ và tivi màn hình phẳng được mua sau vụ mía trúng mùa hai năm trước. Ông bảo, nếu vụ này trúng giá, trúng mùa sẽ mua bếp gas cho vợ nhưng mía chết khô trên đồng nên sẽ tiếp tục duy trì hai chiếc lò củi.
"Hai tháng nay tôi lấy cớ sợ tiểu đường nên ăn ít lại, nhường cơm cho các cháu. Thức ăn thì xuống mương bắt được con gì ăn con đó, lâu ngày mới được bà con khá giả cho mượn tiền mua miếng thịt để cải thiện bữa cơm của tụi nhỏ", ông chia sẻ.
Gần nhà nông dân Quân, bà Trần Thị Khanh có 18 công đất (18.000 m2) nhưng bỏ hoang đến 17 công vì mía xuống giống bao nhiêu đều chết hết. Một công còn lại bà xuống giống đến lần thứ 3 nhưng năng suất giảm khoảng 30% vì ảnh hưởng xâm nhập mặn.
"Trồng mía lỗ thế này nên hai đứa cháu ở chung với tôi đã bỏ đi làm mướn. Tôi cũng làm thuê gần nhà, làm cỏ, đánh lá cho những rẫy mía nhiễm mặn ít. Ngày nào có việc thì được 100.000 đồng, sống tạm qua ngày", bà Khanh nói.
Một mùa "mía đắng" của nông dân Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường. |
Cùng xóm với bà Khanh, vợ chồng anh Trần Minh Tấn có 5.000 m2 mía bị chết. Thấy mía khó hồi phục vì nền đất quá ẩm ướt do nước mặn ngập sâu, anh Tấn cùng vợ đi Đồng Nai kiếm việc làm thuê, bỏ rẫy mía chết khô.
"Không riêng gì xóm này, cả xã Đại Ân 1 có hàng trăm hecta mía chết. Thiệt hại thế này nông dân chúng tôi sẽ cùng cực kéo dài nhiều năm vì đất nhiễm mặn, mía những vụ sau khó phát triển. Vậy là mía không còn ngọt mà trở thành mía đắng", ông Út Quân nói khi tiễn khách rời cánh đồng mía chết bạt ngàn nằm cuối nguồn sông Hậu.
Càng cầu trời lúa càng chết
Thẫn thờ bên 7 công ruộng cháy khô, phần trổ bông thì không ngậm được sữa, coi như mất trắng, ông Võ Văn Bé (58 tuổi) và vợ Nguyễn Thị Út (ở ấp 7 xã Thị Thành, Thủ Thừa, Long An) rớt nước mắt đi theo Hội nông dân xã để thống kê thiệt hại.
"7 công lúa xuống giống mất hết gần 14 triệu đồng, mọi năm xong vụ thu hoạch mỗi công cũng được gần 5 triệu. Mùa trước đã đổ được phần móng và trụ, dự định mùa này dự định thu hoạch xong xây cái nhà. Vậy mà xuống giống thì thiếu nước, mặn xâm nhập coi như hết vốn chú ơi", ông Bé than thở.
Nông dân này cho biết đây là vụ chính trong năm. Hồi mới xuống giống thiếu nước, mọi người hùn tiền mua dầu chạy máy bơm từ sông Cầu Ván vào kênh nội đồng. Nhưng sau đó, nước sông nhiễm mặn, không thể nuôi sống lúa nữa.
"Thấy lúa cháy, một số hộ dân xót của tiếp tục bơm nước vào ruộng. Tuy nhiên, mới bơm vào thì hôm sau lúa đã cháy đỏ vì nhiễm mặn. Giờ chỉ biết cầu trời, nhưng càng cầu thì trời càng hạn, lúa càng chết", ông Bé than.
Nông dân Long An kiểm tra ruộng bị nhiễm mặn. Ảnh: Huỳnh Hải |
Ngồi nhìn ra cánh đồng khô cháy đỏ trong nắng, ông Bé cho biết gia đình thuần nông. Hơn 40 năm bám đồng ruộng này chưa bao giờ thấy thiên tai như năm nay. Ruộng đồng cháy đỏ, đất đai nứt nẻ.
"Ruộng lúa của tôi thiệt hại gần 90%, theo thông tin thì được nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Coi như mất trắng, nhưng cũng phải ăn mới sống, nhà có 6 người đều trông cả vào mấy công ruộng. Đất ở đây ngoài lúa chúng tôi chẳng biết trồng cây gì.
Mấy hôm trước có người quen giới thiệu đi làm phụ hồ bên khu công nghiệp Long Hậu, vợ đi chăm sóc cây cảnh nhưng được mấy hôm cũng hết việc. Giờ ngồi chờ ai kêu gì làm đó", nông dân 58 tuổi cho biết.
Ông Lê Văn Kiệt - Chủ tịch Hội nông dân xã Nhị Thành, cho biết ấp 7 có gần 39 ha xuống giống vụ này và có gần 90% diện tích thiệt hại vì thiên tai. Hầu như gia đình nào cũng có ảnh hưởng.
"Nhìn ruộng lúa trổ bông nhưng thiếu nước nên không ngậm sữa, chỉ thu được cỡ 10% thôi. Ruộng giờ khô nứt nhưng Hội nông dân khuyến cáo người dân không được bơm nước vào nữa, vì càng bơm lúa càng chết", ông Kiệt cho hay.
Cán bộ phòng Nông Nghiệp huyện Thủ Thừa cho biết, vụ mùa năm nay toàn huyện xuống giống 615 ha, thống kê sơ bộ hiện có 60% diện tích bị thiệt hại do thiên tai. Các xã thiệt hại nặng nhất là xã Nhị Thành, Bình Thạnh, Bình An.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cù Lao Dung, toàn huyện này trồng 6.631 ha mía. Hiện có trên 213 ha chết hoàn toàn, 600 ha thiệt hại 50-70%, thiệt hại 30-50% chiếm 1.538 ha và 4.278 ha thiệt hại dưới 30%.