Vào tháng 8, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM đã lấy bốn mẫu mì căn, hủ tiếu khô, mì sợi khô kinh doanh trên địa bàn thành phố gửi đến công ty cổ phần dịch vụ Khoa học Công nghệ Sắc ký Hải Đăng (TP.HCM) để phân tích. Kết quả cả bốn mẫu đều chứa acid oxalic, chất có nguy cơ gây sỏi thận, không được dùng trong thực phẩm.
Để có cơ sở pháp lý, Chi cục ATVSTP TP.HCM trực tiếp đến bốn cơ sở (Phong Ký (phường 8, quận 6), Đinh Thanh Lẹ (quốc lộ 22, khu phố 6, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi), Phạm Văn Năng (ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) và một hộ kinh doanh ở TP.HCM) lấy mẫu gửi đi xét nghiệm lần hai. Kết quả hàm lượng acid oxalic trong mì căn là 40,1 mg/kg, trong hủ tiếu khô là 142 mg/kg, trong mì sợi khô và sản phẩm còn lại khá cao.
Làm việc với Chi cục ATVSTP TP.HCM, các chủ cơ sở Phong Ký, Đinh Thanh Lẹ và Phạm Văn Năng thống nhất kết quả kiểm định lần hai. Riêng chủ cơ sở còn lại vẫn chưa đến Chi cục ATVSTP TP.HCM.
Mì sợi khô, mì căn, hủ tiếu khô chứa acid oxalic nghi ngờ có trong bột mì, bột năng. |
Tương tự, bà Trần Thị Hoa, chủ cơ sở Đinh Thanh Lẹ cho biết, mì căn của cơ sở bà được sản xuất từ bột mì và muối. Bột mì được mua tại công ty G. trên đường Vĩnh Viễn, quận 10. “Từ trước tới nay tôi mua bột mì các loại của công ty G. để làm mì căn. Sau khi Chi cục ATVSTP TP.HCM thông báo mẫu mì căn của cơ sở tôi có chứa acid oxalic, tôi đã lấy bốn mẫu bột mì của công ty G. gửi đến công ty cổ phần dịch vụ Khoa học Công nghệ Sắc ký Hải Đăng kiểm định. Kết quả cả bốn mẫu đều chứa acid oxalic với hàm lượng 157-198 mg/kg. Trình bày vụ việc với chủ công ty G. thì họ hứa sẽ khắc phục lập tức”, bà Hoa kể.
Bà Hoa còn đưa cho chúng tôi xem kết quả phân tích bốn mẫu bột mì nói trên và cho biết hiện cơ sở của bà không còn mua nguyên liệu bột mì của công ty G. nữa. “Mỗi ngày tôi sản xuất 30-40 kg mì căn, ngày rằm thì tăng gấp đôi”, bà Hoa cho biết thêm.
Đưa chúng tôi xem bịch hủ tiếu khô, chủ cơ sở Phạm Văn Năng giãi bày: “Hủ tiếu khô tôi làm từ gạo và bột năng. Gạo chúng tôi ngâm rồi xay, còn bột năng mua từ một công ty ở Tây Ninh. Gạo thì chắc chắn không chứa acid oxalic, còn bột năng có acid oxalic hay không thì tôi không thể biết. Nhưng hiện nay tôi không còn dùng bột năng để sản xuất hủ tiếu khô nữa”. Chủ cơ sở này còn cho biết thực tình ông không biết acid oxalic là chất gì, tác hại ra sao. Mỗi ngày cơ sở ông sản xuất khoảng 70 kg hủ tiếu khô, bán cho các mối quen ở chợ và những người bán hủ tiếu.
Nói về tác hại của acid oxalic (còn gọi oxalat), TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa công nghệ thực phẩm (đại học Nông Lâm TP.HCM), cho rằng acid oxalic kết hợp với sắt, canxi, natri, kali… trong cơ thể sẽ kích thích ruột và gan. Acid oxalic liên kết với canxi, do đó nếu sử dụng thực phẩm chứa acid oxalic trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu hụt chất khoáng, hụt chất dinh dưỡng. “Người có các rối loạn liên quan tới thận, thấp khớp, bệnh gút… không nên dùng thực phẩm chứa acid oxalic. Người có tiền căn sỏi thận nếu dùng thức ăn chứa acid oxalic dễ có nguy cơ sỏi thận, làm nghẽn đường tiết niệu”, TS Đồng cảnh báo.