Không có phóng viên theo trinh sát
Để kiểm chứng nội dung câu chuyện, chúng tôi lần lượt kiểm tra thông tin theo đúng lộ trình của tác giả kể. Trung tá Nguyễn Lê Hùng, đội trưởng đội hình sự đặc nhiệm - đơn vị chuyên trách về công tác phòng chống cướp, cướp giật và tội phạm trên tuyến giao thông thuộc phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) công an thành phố, khẳng định: “Thời gian qua không có phóng viên nào đi chung với các trinh sát của đội. Không thể có chuyện trinh sát hình sự đặc nhiệm đi làm nhiệm vụ lại chở phóng viên ngồi sau xe mà truy đuổi cướp trên đường phố như lời kể được, làm vậy hết sức nguy hiểm, không ai cho phép. Chúng tôi cũng không nghe báo cáo về vụ việc truy đuổi, bắt cướp rồi phát hiện ra nồi hủ tiếu nấu bằng thịt chuột”.
"Vợ chồng tui bỏ quê vào đây để mần ăn kiếm tiền nuôi con, nếu làm bậy thì công an bắt đi, nếu chúng tôi đàng hoàng thì phải minh oan cho tui chứ? Nhưng biết tìm ai để minh oan bây giờ”, bà Trần Thị Đào (50 tuổi, bán hủ tiếu gõ trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5) nói.
Tác giả bài viết khẳng định theo chân trinh sát của PC45 đi tuần tra, truy đuổi cướp và có mặt công an địa phương khi phát hiện “xâu chuột cống” trong nồi nước lèo. Tất cả các đơn vị được tác giả đề cập đã khẳng định không có vụ việc như tác giả kể.
Ông Lương Tấn Túc (53 tuổi, quê Quảng Ngãi) bỏ than vào lò đốt để giữ nóng cho nồi nước lèo, phía sau là dãy bàn ghế vắng khách. |
Quá nhiều lời đồn quanh tô hủ tiếu
Như thường lệ, sáng sớm 26/10 vợ chồng ông Ba (quê Quảng Ngãi, trú tại quận 2) ra chợ Thảo Điền chọn mua mấy ký xương heo, một số loại rau gồm xà lách, rau thơm... để chuẩn bị cho buổi bán hủ tiếu bắt đầu từquaanh kéo dài đến 22h ở góc đường Nguyễn Bá Lân (phường Thảo Điền, quận 2). Thực khách tìm đến ăn hủ tiếu ngoài anh xe ôm, tài xế taxi, nhân viên văn phòng... còn có cả các vị khách người nước ngoài. “Đó là những khách quen lâu năm”, ông Ba nói.
Ông Ba cho biết năm 1994, khi cậu con trai lớn đậu vào đại học Bách khoa TP.HCM cũng là lúc ông Ba cùng vợ dắt díu nhau vào Sài Gòn bán hủ tiếu gõ nuôi con ăn học. Và cũng từ xe hủ tiếu gõ ấy, lần lượt ba đứa con kế tiếp cũng vào đại học và ra trường có việc làm ổn định. Gần 20 năm gắn bó với nghề bán hủ tiếu gõ, ông Ba coi chiếc xe đẩy như là một người bạn tri kỷ. “Nó là cần câu cơm của cả gia đình, nhờ nó mà vợ tôi chăm lo được cuộc sống hằng ngày và con cái học hành tử tế”, chỉ tay vào xe bán hủ tiếu, ông Ba tâm sự.
Thông tin về “nước lèo hủ tiếu gõ nấu bằng chuột cống” tuy không ảnh hưởng nhiều đến lượng thực khách đến ăn hủ tiếu của mình nhưng cũng khiến vợ chồng ông Ba hết sức bức xúc. “Không biết vì mục đích gì nhưng cách đây ít năm cũng có thông tin nấu nước lèo hủ tiếu bằng trùn chỉ, chuột... Cứ mỗi lần tin đồn tung lên là những người bán hủ tiếu gõ lại một phen khổ sở”, ông Ba nói. Vừa trò chuyện, ông Ba mở nắp nồi hầm xương đang sôi sùng sục, vớt xương và thịt ra chứng minh: “Để có được nồi nước lèo ngon, ngọt xương phải được hầm từ sáng sớm”, ông Ba giải thích.
Ăn hủ tiếu thay cơm
Chị Nguyễn Thị Quyên (40 tuổi, quê Vĩnh Long) bán hủ tiếu trên đường Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, quận 2) bức xúc: “Vừa rồi có vị khách đến ăn cũng kể về chuyện nước lèo hủ tiếu gõ nấu bằng chuột cống. Dù mình làm ăn đàng hoàng nhưng vẫn thấy chạnh lòng lắm”. Chị Quyên cho biết gia đình chỉ có hai mẹ con thuê phòng trọ nương tựa nhau và bán hủ tiếu trên đường Nguyễn Văn Hưởng kiếm kế mưu sinh được sáu năm nay. Trung bình mỗi ngày bán được 60 tô hủ tiếu, số tiền kiếm được đủ chi tiêu trong gia đình, lo tiền học cho con và thỉnh thoảng gửi về quê đỡ đần cha mẹ già.
Tại khu vực bến xe miền Đông, chúng tôi gặp chị Hà Thị Thu (quê Quảng Ngãi) ngồi bên chiếc xe hủ tiếu gõ, mặt buồn rầu. Cạnh đó, bốn chiếc bàn kê sát mép đường Đinh Bộ Lĩnh chỉ có một thực khách ngồi ăn. “Mấy ngày nay ai đến ăn hủ tiếu cũng e dè, dò hỏi về nước lèo. Dù mình làm ăn đàng hoàng nhưng khi nghe mọi người đồn thổi cũng bức xúc lắm”, chị Thu tâm sự. Theo chị Thu, ngày bình thường chị bán khoảng 50 tô, nhưng mấy ngày trở lại đây số lượng hủ tiếu bán ra giảm còn 35-40 tô.
Là người Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi, ông Trần Văn Thời và vợ là bà Nguyễn Thị Phấn (49 tuổi) rời quê vào Sài Gòn bán hủ tiếu ngót 20 năm. Từ khi có thông tin hủ tiếu nấu bằng chuột cống khiến xe hủ tiếu của ông bà đẩy từ hẻm nọ sang hẻm kia mà không bán được bao nhiêu. “Mấy bữa nay chỉ bán cho khách quen không hà, ế quá chừng luôn”. Do bán ế nên bữa trưa, bữa tối của cả gia đình bà đều là hủ tiếu. “Bán không được, nên vợ chồng con cái ăn thay cơm cho đỡ xót ruột”.
Cách chỗ vợ chồng bà Phấn đứng bán hủ tiếu không xa, trên vỉa hè số 283 Nguyễn Chí Thanh là xe hủ tiếu gõ của vợ chồng ông Lương Tấn Túc (cũng người Đức Phổ). Bày ra từ 12h nhưng đến 3h chiều ông Túc không bán được bao nhiêu: “Bình thường mỗi ngày (từ 12h đến 2h sáng hôm sau) bán được chừng 15kg cả hủ tiếu cả mì. Nhưng mấy bữa nay ế quá. Tui bưng đồ cho khách quen ăn người ta hỏi chọc, có bỏ thịt chuột vô không đấy. Tui nghe mà tức quá”. Ông Túc nói và lật chiếc vung nồi nước lèo đang nghi ngút khói để vớt những phần xương heo dưới đáy nồi lên phân bua: “Ngày nào cũng mua 12 ký xương heo kèm 6 ký thịt thăn, tui bán ở đây từ năm 1989 đến nay rồi, ba đứa con tôi lớn lên bằng xe hủ tiếu này, bữa trưa hay tối đều ăn hủ tiếu. Nước lèo dùng không hết để chan cơm ăn bữa sáng chứ đâu có làm ăn tầm bậy tầm bạ mà người ta nói như vậy”.