Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

MH370 ít có khả năng mất tích trên biển Việt Nam

Theo đại tá Vũ Thế Chiến, phó chánh Văn phòng UB Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, phía Malaysia chiều 12/3 đã chuyển khu vực tìm kiếm sang eo biển Malacca.

 

  • Thông tin mới nhất cho biết Việt Nam đã 2 lần gửi yêu cầu đề nghị Malaysia xác nhận tin tìm thấy dấu vết máy bay mất tích ở eo biển Malacca. Nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa nhận được trả lời cụ thể. Một lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định sẽ dừng ngay tìm kiếm nếu xác nhận được thông tin từ Malacca. Theo: Giao Thông Vận Tải.

  • Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố và các đơn vị chức năng của Cảng hàng không Nội Bài đã tăng cường lực lượng tuần tra đảm bảo an ninh tại Sân bay quốc tế Nội Bài và quanh khu vực sân bay.

    Các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố phối hợp chặt chẽ với Công an huyện Sóc Sơn, Đồn công an Sân bay quốc tế Nội Bài và lực lượng An ninh hàng không Sân bay quốc tế Nội Bài siết chặt công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực trong và ngoài sân bay; tiến hành tuần tra kiểm soát, khép kín các khu vực nội cảng, các vị trí lắp đặt hệ thống điện, nước cũng như các chuyến bay từ các nước trên thế giới đến Hà Nội và ngược lại. Theo: Tiền Phong.
  • Tại Sở chỉ huy tiền phương ở Phú Quốc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu vừa điện thoại báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Uỷ ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia về tình hình triển khai trong ngày tìm kiếm thứ 5.

    Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết, đến thời điểm này, Malaysia vẫn chưa trả lời chính thức về thông tin tìm thấy dấu vết máy bay Boeing 777 ở Malacca. Do vậy, phía Việt Nam vẫn chưa ngừng tìm kiếm. Tuy nhiên, tàu hải quân, cảnh sát biển và tàu tìm kiếm cứu nạn tạm dừng di chuyển, chờ thông tin báo về từ trực thăng, thủy phi cơ. 

    Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Phòng không không quân cho biết 2 chiếc trực thăng của không quân vẫn đang bám sát mặt biển tìm kiếm vật khả nghi. Theo: Giao Thông Vận Tải.

  • “8h40, Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia cho biết, sau khi có thông tin của hãng tin Reuters cho rằng vị trí tìm thấy tín hiệu cuối cùng của chiếc máy bay Boeing 777 cách rất xa vị trí nó liên lạc lần cuối với trạm kiểm soát không lưu dân sự ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Malaysia, cụ thể là ở eo biển Malacca, 19h ngày 11/3, Việt Nam đã yêu cầu Malaysia xác minh và thông tin chính xác để Việt Nam có kế hoạch tìm kiếm tiếp theo. Tuy nhiên đến sáng 12/3 phía bạn vẫn chưa có hồi âm. Vì vậy, trong sáng nay, kế hoạch tìm kiếm vẫn tiếp tục như dự kiến”, PV Lê Hiếu tường thuật.

  • "Vì vậy, trong sáng nay, kế hoạch tìm kiếm máy bay Boeing 777 vẫn tiếp tục như dự kiến. Không quân xây dựng kế hoạch sử dụng 4 máy bay (1 CASA, 1 AN-26, 2 trực thăng Mi-171) bay tìm kiếm tại khu vực phía bên phải và 3 máy bay (1 DHC6 của Hải quân, 1 trực thăng Mi-171, 1 CASA) bay khu vực phía bên trái như chương trình đã đề ra trước đó là mở rộng tìm kiếm", PV Lê Hiếu thông tin từ Văn phòng Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia.

  • Vào 0h sáng nay (12/3), những bức ảnh đầu tiên chụp vùng nghi vấn máy bay mất tích từ VNREDSat-1 đã được gửi về. Theo phân tích ban đầu, chưa có kết quả nghi vấn.

     

  • Các cán bộ của Đài Viễn thám đang phân tích những hình ảnh được gửi về từ VNREDSat-1. Sau khi có kết quả chính thức, đơn vị này sẽ công bố để các quốc gia cùng tham khảo. Thời gian để VNREDSat-1 trở lại chụp ảnh khu vực nghi vấn là 2 ngày.
  • Tư lệnh không quân hoàng gia Malaysia (RMAF), Tướng Tan Sri Rodzali Daud đêm 11/3 phủ nhận việc ông nói rằng radar quân sự dò được tín hiệu máy bay mất tích quay lại và bay về phía eo biển Malacca.

  • Mở rộng quy mô tìm kiếm máy bay mất tích

    “Kế hoạch tìm kiếm Boeing 777 của lực lượng Quân đội Nhân đân Việt Nam không thay đổi mà còn mở rộng ra về phía đông và đất liền. Tất cả các dấu hiệu trong 5 ngày qua chưa thể hiện máy bay mất tích nên chưa xác định được vị trí nên phải mở rộng, bằng chứng là Việt Nam đã đưa thêm tàu nghiên cứu biển vào tìm kiếm”, PV Nguyễn Vũ dẫn lời Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đang chỉ đạo cuộc tìm kiếm tại Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia.

  • Máy bay Malaysia chính thức chuyển sang giai đoạn mất tích

    "72 giờ trôi qua, máy bay chắc chắn đã hết nhiên liệu, khả năng Boeing 777 đáp xuống một sân bay khác không thể xảy ra. Máy bay đã chính thức chuyển sang giai đoạn mất tích. Máy bay Boeing 777 của Malaysia đã qua giai đoạn hồ nghi và đang được công bố là “mất tích”. Việc công bố này đã được phía Malaysia đưa ra vì đến nay chưa có bằng chứng cho thấy máy bay đã vào vùng FIR của Việt Nam”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay. 

    Việc công bố chuyển sang giai đoạn mất tích, theo Cục Hàng không Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi kế hoạch tìm kiếm, giai đoạn tìm kiếm cứu hộ khẩn cấp đã qua, các lực lượng chức năng sẽ phân bố khu vực để rà soát mở rộng.

  • PV Nguyễn Vũ thông tin: “Trung tướng Võ Văn Tuấn khẳng định Quân đội Nhân dân Việt Nam chưa dừng tham gia tìm kiếm". Hiện tàu hải quân HQ 888 Trần Đại Nghĩa vẫn di chuyển trên biển, máy bay sẽ di chuyển liên tục và tăng cường các phương tiện tìm kiếm và các nước vẫn tham gia tìm kiếm.

  • Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam trả lời báo chí sáng nay (12/3) tại Văn phòng Uỷ ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia. Ảnh: Lê Hiếu.

  • "Trong sáng nay 12/3, tùy viên Đại sứ quán Pháp đến Văn phòng Ủy ban tìm kiếm quốc gia. Phía Pháp có 4 công dân trên máy bay Boeing 777 mất tích nên quan tâm đến thông tin tìm kiếm máy mày, tuy nhiên, phía bạn không đề nghị tham gia tìm kiếm chung", PV Lê Hiếu điện về.

  • PV Đình Đình gọi điện từ Cà Mau: Lúc 9h30 sáng 12/3, ba máy bay trực thăng Mi171-02, 04 và 8431 vẫn trong tư thế sẵn sàng cất cánh tại sân bay Cà Mau nếu có lệnh tiếp tục tìm kiếm, cứu nạn. Trung tá Nguyễn Đức Tải - Trung đoàn không quân 917 (Sư đoàn 370) - khẳng định:  “Chúng tôi vẫn đang trong tư thế sẵn sàng cất cánh khi có lệnh”.

  • Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tham gia nhiều trường hợp tìm kiếm cứu nạn trong lĩnh hàng không nói chung và máy bay quân sự nói riêng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam tìm kiếm máy bay hàng không gặp nạn trên biển.

  • Thêm 1 tàu bay Trung Quốc đã vào Việt Nam.

    “Theo Cục Hàng không Việt Nam, ngày 11/3, Bộ Quốc phòng đã cấp phép cho 2 tàu bay IL-76 và TU-154 của Không quân Trung Quốc tham gia bay tìm kiếm tàu bay mất tích của Malaysia. Lúc 8h10 ngày 12/3, tàu bay IL-76 đã qua ranh giới FIR TP.HCM vào khu vực tìm kiếm. Trước đó, chiều 11/3, tàu bay TU-154 đã vào không phận Việt Nam. Ngoài ra, các tàu bay của Singapore cũng tiếp tục tìm kiếm tại khu vực FIR TP.HCM”, PV Nguyễn Vũ cung cấp thông tin.

  • Theo Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia, ngày hôm nay (12/3), có 31 tàu của 6 quốc gia và 22 máy bay của 4 quốc gia tham gia tìm kiếm máy bay Boeing 777 mất tích.

  •  

    Từ ngày 10/3, có hơn 100 PV từ báo đài, hãng truyền thông trong nước và quốc tế tập trung tại Sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc. Các PV bám trụ tại đây nhiều ngày để chờ đợi tin tức tìm kiếm chiếc máy bay mất tích từ các cuộc họp báo do Thứ trưởng GTVT Phạm Quý Tiêu chủ trì. Liên tục các đêm từ 10 - 11/3, PV nước ngoài liên tục đổ về Sở chỉ huy tiền phương, cao điểm có lúc gần 150 PV báo đài và hãng truyền thông lớn có mặt trong phòng họp khiến không khí rất "nóng". Nhiều PV nước ngoài bám trụ ở Sở chỉ huy từ sáng sớm đến tối mới trở về khách sạn nghỉ ngơi, rồi hôm sau có mặt sớm.

    Tuy nhiên, chiều tối 11/3, khi có tin phát hiện dấu hiệu máy bay mất tích tại eo biển Malacca, nhiều PV nước ngoài bắt đầu rời Phú Quốc. Sáng 12/3, phòng họp báo của Sở chỉ huy tiền phương không còn "nóng" như những ngày trước. Hiện tại đây chỉ còn khoảng 40 PV trong nước và quốc tế tác nghiệp. PV Trường Nguyên thông tin.

     

  • "Quân đội nhân dân Việt Nam chưa bao giờ dừng lại việc tìm kiếm”, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, khẳng định sáng 12/3.

    'Máy bay Việt Nam nối đuôi nhau liên tục khi trời sáng'

    "Quân đội nhân dân Việt Nam chưa bao giờ dừng lại việc tìm kiếm”, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, khẳng định sáng 12/3.

  • Thủy phi cơ DHC6 vẫn tiếp tục tìm kiếm máy bay mất tích. Ảnh: Hoàng Hà.

  • Nhật Bản sẽ chính thức tham gia tìm kiếm

    Hôm nay (12/3), Nhật Bản điều 4 máy bay của Lực lượng phòng vệ (SDF) tham gia hành động quốc tế tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines bị mất tích ngày 8/3. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói rằng bộ này sẽ điều 2 máy bay vận tải C-130 của Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) và 2 máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) tham gia cuộc tìm kiếm. Theo Giao thông vận tải.

     

  • Có lúc trực thăng hạ độ cao còn 100 mét so với mặt nước biển để tìm kiếm. Ảnh: Quân đội nhân dân.

     

  • Phóng viên Nguyễn Hoàn đưa tin từ Cục Hàng không Việt Nam: “Sáng nay, các tàu bay AN26 và CASA tiếp tục tìm kiếm mở rộng về phía Nam, Đông Nam mũi Cà Mau. Ngày 11/3, Bộ Quốc phòng đã cấp phép cho 2 tàu bay IL-76 và TU-154 của Không quân Trung Quốc tham gia tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia. Ngoài ra, các máy bay của Singapore cũng tiếp tục tìm kiếm tại khu vực FIR Hồ Chí Minh".

  • Tướng Tuấn khẳng định Việt Nam mở rộng phạm vi tìm kiếm.
  • "Được rồi! Chúc ngủ ngon" là những từ cuối cùng được đáp lại từ chiếc MH370 trước khi trạm điều khiển không lưu Malaysia thông báo với các phi công là chiếc máy bay sắp đi vào không phận Việt Nam. Trong ảnh là các binh sĩ Malaysia cầu nguyện cho hành khách trên chiếc máy bay. Theo Tuổi Trẻ

     

  • Tàu nghiên cứu biển hiện đại nhất Đông Nam Á của Việt Nam tham gia tìm kiếm cứu nạn từ vài ngày nay. 
  • Hình ảnh chụp từ vệ tinh tối 11/3 chưa cho thấy dấu hiệu khả quan, sáng mai, VNREDSat-1 có thể sẽ tiếp tục chụp phía đông đảo Thổ Chu.

    Sáng mai, VNREDSat-1 có thể chụp ảnh gần đảo Thổ Chu

    Ngày 13/3, dự báo quỹ đạo vệ tinh bay qua khu vực đông đảo Thổ Chu trong khoảng thời gian từ 9-12h. Sau 2 giờ sẽ có ảnh sản phẩm.

     

  • "Chiều 12/3, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đề nghị rút tàu nghiên cứu, khảo sát biển Trần Đại Nghĩa mang số hiệu 888 về căn cứ. Các tàu hải quân, tàu cảnh sát biển còn lại tùy trường hợp cơ động. Ngoài ra, Thượng tướng yêu cầu lực lượng các quân khu 7,9 cơ động tìm kiếm tại các vùng đất liền, cụ thể như U Minh Hạ, U minh Thượng", phóng viên Lê Hiếu gọi điện từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

  • Malaysia đang chuyển hướng tìm kiếm sang eo biển Malacca

    15h chiều 12/3, Đại tá Vũ Thế Chiến, phó chánh VP Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thông báo cho Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ việc kế hoạch của Malaysia chuyển hướng sang tìm kiếm trên bộ về phía eo biển Malacca và Sumatra, cách mũi Cà Mau khoảng 1.000km, phóng viên Lê Hiếu cho biết.

  • "Hiện tại, tham gia tìm kiếm cứu nạn có 14 máy bay và 22 tàu. Trong đó, sáng 12/3 có 6 chuyến bay (Trung Quốc 1 chuyến, Hoa Kỳ 1 chuyến, Singapore 2 chuyến và Malaysia 2 chuyến). Đến 12h35 ngày 12/3, 4 chuyến đã hạ cánh, trên bầu trời còn 2 máy bay", ông Chiến thông báo. Ảnh: Tướng Tỵ (thứ 3 từ trái sang) nghe báo cáo tại UB QG tìm kiếm cứu nạn. 



  • Ngày mai, 13/3, Việt Nam sẽ giảm tần suất các chuyến bay, chỉ còn 1 chuyến AN26 và 1 CASA, số máy bay còn lại túc trực ở các căn cứ để cơ động. Về tàu, ngày mai dự kiến sẽ dịch sang phía Đông tìm kiếm và mở rộng vùng tìm kiếm ra hai bên của hướng bay. Thông tin vừa được thượng tướng Đỗ Bá Tỵ thông báo. Phóng viên Lê Hiếu cho biết.

  • Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng PKKQ, khẳng định, chúng ta giảm tần suất chuyến bay, không phải coi nhẹ vụ tai nạn này, mà là chúng ta đã có kinh nghiệm tìm kiếm, có linh hoạt trong tìm kiếm và điêu luyện trong chỉ huy, phương tiện đã được tăng cường và hiện đại.

  • Đại tá Vũ Thế Chiến báo cáo với Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, toàn bộ cán bộ của trung tâm hàng không dân dụng thuộc Bộ GTVT tại Phú Quốc sáng hôm nay đã di chuyển vể Tân Sân Nhất, lực lượng quân đội chỉ còn ông Võ Hà Trung ở lại để phối hợp với các tàu, theo phóng viên Lê Hiếu.

  • Ít có khả năng máy bay gặp nạn trên vùng biển Việt Nam

    Theo Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, trong vài ngày qua, thời tiết tại khu vực tiến hành tìm kiếm máy bay mất tích Malaysia rất tốt và có thể nói là tầm quan sát xa nhất trên biển.

    Mặc dù chúng ta đã huy động rất nhiều các loại máy bay, tàu, với nhiều phương tiện hiện đại nhưng vẫn không tìm thấy dấu vết nào của chiếc máy bay mất tích. Thêm vào đó, trên khu vực vịnh Thái Lan và phía Nam Cà Mau, tàu cá chúng ta hoạt động rất nhiều cũng chưa phát hiện bất kỳ dấu vết gì. Như vậy có thể nói, ít có khả năng máy bay Malaysia gặp nạn trên vùng biển của chúng ta đảm nhiệm. Phóng viên Lê Hiếu thông tin từ UB QG tìm kiếm cứu nạn.

  • Malaysia đã chuyển hướng tìm kiếm sang eo biển Malacca. Video: Mạnh Thắng.

     

  • Trung tướng Trần Quang Khuê, phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đề nghị các bên của Việt Nam, đặc biệt là hàng không phối hợp với phía Malaysia để tập trung tìm kiếm. Trung tướng yêu cầu các báo trong và ngoài nước đưa tin kịp thời, chính xác để việc tìm kiếm nhanh hơn.

  • Trung tướng Trần Quang Khuê, phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, thứ 2 từ trái sang. Ảnh: Lê Hiếu.

     

  • Đại tá Vũ Thế Chiến đề xuất giảm tần suất bay vì các vùng nghi vấn đã được rà soát kỹ. Video: Mạnh Thắng
  • Vào lúc 15h30, thủy phi cơ DHC6 đã cất cánh từ sân bay Phú Quốc ra biển tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay mất tích. Nơi DHC6 thực hiện nhiệm vụ là vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Campuchia, cách đảo Phú Quốc khoảng 240km. PV Trường Nguyên cho biết.

     

  • Các giả thiết có thể xảy đến với máy bay MH370 theo phân tích của Trung tướng Phương Minh Hòa. Video: Mạnh Thắng
  • Tính đến nay đã có tổng cộng 39 máy bay và 42 tàu của các quốc gia tham gia chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 mất tích vào ngày 8/3 trên hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Có 239 người trên chuyến bay này.

  • "Văn phòng Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia cho biết, phía Malaysia đang chuyển hướng tìm kiếm sang eo biển Malacca. Trong khi đó, vào ngày 13/3, Việt Nam sẽ tổ chức 1 kíp trực 3 máy bay gồm 1 CASA, 2 AN-26 bay mở rộng ra phía nam khu vực DK1 và phía chồng lấn Việt Nam - Malaysia. Trên biển các tàu di chuyển về khu vực gần DK1", PV Lê Hiếu tường thuật.

  • Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, khẳng định Việt Nam vẫn duy trì lực lượng, phương tiện tìm kiếm máy bay của Malaysia mất tích. Theo đó, ngày mai sẽ mở rộng vùng tìm kiếm ở khu vực phía Nam TP.HCM và vẫn tiếp tục duy trì tàu HQ 888. 

 

Nhóm PV

Bạn có thể quan tâm