The Australian đưa tin, các nhà khoa học thuộc Bộ Quốc phòng Australia cho rằng trước khi đâm xuống Ấn Độ Dương vào ngày 8/3/2014, MH370 đã hết nhiên liệu, một trong hai động cơ bốc cháy trong vòng 15 phút, gây nên hiện tượng mất lực nâng. Vào thời điểm này, mũi máy bay chúi xuống và bắt đầu lao mạnh.
Nếu làm chủ được tốc độ, máy bay sẽ có lực nâng và bay lên cao. Nhưng khi mất tốc độ, máy bay sẽ lại lao xuống rất nhanh. Quy trình bổ nhào này lặp đi lặp lại trước khi máy bay đâm xuống mặt biển, tạo nên một cú va chạm rất mạnh.
Mảnh vỡ của MH370 trôi dạt vào khu vực đảo Reunion ở Ấn Độ Dương. Ảnh: AP |
Greg Hood, lãnh đạo Ủy ban An Toàn Giao thông Australia cho biết, các dữ liệu phân tích thể hiện không có phi công điều khiển trong những giây phút cuối của máy bay. Điều này trái ngược với phỏng đoán phi công đã điều khiển máy bay gặp nạn ngoài vùng tìm kiếm hiện tại.
So với những máy bay thông thường chỉ tiếp đất với vận tốc 600 m/phút thì MH370 có vận tốc lao xuống nằm trong khoảng 3.500 đến 6.000 m/phút.
Vị trí tìm thấy mảnh vỡ của máy bay và khu vực tìm kiếm gần Australia. Đồ họa: CNN |
Máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích hồi tháng 3/2014 với 239 người trên khoang, trong hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Vụ việc trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của hàng không thế giới.
Đây là giả thuyết mới nhất được đưa ra trong quá trình tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Trước đó, một cuộc tìm kiếm quy mô lớn do chính phủ Australia thực tiến hành chỉ tìm kiếm ở vùng bờ biển phía tây nước này do giả thuyết máy bay đã được đặt ở chế độ bay tự động trước khi mất kiểm soát và rơi xuống biển.
Tuy nhiên, vùng cần tìm kiếm có thể rộng hơn như thế nếu máy bay vẫn được điều khiển trước khi rơi, một nhân viên trong cuộc tìm kiếm cho biết.
Cuộc tìm kiếm máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia có thể sẽ phải kết thúc vào cuối năm nay nếu không tìm ra được manh mối mới.