Tổng thống John F. Kennedy là người có công lớn nhất trong việc giải quyết khủng hoảng tên lửa Cuba. Ảnh: AFP |
Ngày 28/10/1962, giữa lúc khủng hoảng tên lửa Cuba lên tới đỉnh điểm, cựu tổng thống John F. Kennedy đã nhận bài học vô giá sau khi chứng kiến một chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ vô tình xâm nhập không phận của Liên Xô ở khu vực Alaska.
Nhiều người quan ngại rằng lãnh đạo Liên bang Xô viết khi đó, Nikita Khrushchev, có thể sẽ cho rằng đây là hành động gây hấn có chủ ý của Washington. Nếu không được xử lý kịp thời, sự hiểu nhầm này sẽ nhanh chóng bị biến thành một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc số một thế giới.
Để hạ nhiệt căng thẳng, Kennedy đã tìm mọi cách thuyết phục người Liên Xô rằng đó chỉ là một vụ tai nạn. Về viên phi công người Mỹ, tổng thống không bình luận nhiều ngoài việc khẳng định "luôn có những kẻ không nên được đưa tới thế giới này".
Chiếc Boeing 777 gặp nạn hôm qua không phải là U-2 của ngày nào. Các xung đột quốc tế hiện tại cũng không giống cuộc khủng hoảng tên lửa xưa kia. Tuy nhiên, từ những năm 60 của thế kỷ trước, Kennedy đã nhìn ra tính nghiêm trọng của một sự kiện nhỏ khi leo thang thành xung đột lớn. Nỗi ám ảnh ấy tồn tại trong Kennedy từ khi ông được thông báo rằng, Khrushchev đã bí mật đưa tên lửa hạt nhân tới Cuba, với mục tiêu không đâu khác ngoài Mỹ.
Suốt 13 ngày định mệnh của cuộc khủng hoảng tên lửa ấy, ông và em trai Robert Kennedy, Bộ trưởng Tư pháp, phải luôn thận trọng trước mọi tuyên bố và hành động từ nhỏ tới lớn, để tránh gửi một thông điệp sai lệch tới Khrushchev, rằng nước Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến nhằm vào Liên Xô.
Là một sinh viên ngành lịch sử, một chính trị gia thông thái, Kennedy luôn hết mình giải quyết các tranh chấp, để ngăn chúng biến thành một thảm họa không ai muốn. Ngay từ khi còn là một ứng viên tổng thống hồi năm 1960, Kennedy đã chứng kiến việc một chiếc U-2 bị bắn hạ trên bầu trời Liên Xô. Sự kiện ấy đã phá hủy hoàn toàn những nỗ lực kết thúc Chiến tranh Lạnh của Khrushchev và cựu tổng thống Mỹ Eisenhower.
Trong Mayday, một tác phẩm của sử gia Michael Beschloss, trường hợp của máy bay U-2 hồi năm 1960 giống như một "mũi hỏa tiễn", được bắn vào "khu rừng khô hạn chứa đầy sự hoài nghi và hiểu nhầm", góp phần đào sâu mối ngăn cách giữa hai khối Đông - Tây.
Giới phân tích hy vọng rằng giới cầm quyền của thời đại ngày nay, thời đại mà truyền thông xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng khác có thể nhanh chóng khiến các hành động leo thang trở nên khó kiểm soát hơn nhiều lần, sẽ cùng chia sẻ tầm nhìn và quyết tâm mà Kennedy từng có, để ngăn tranh chấp biến thành thảm kịch.