Trưởng ban thể thao Ian Herbert của báo Independent hồi tháng 3 đúc kết Messi chỉ là nạn nhân của vụ "Hồ sơ Panama" từng khiến giới chính trị gia và cả những ngôi sao bóng đá hoang mang. Nhưng từ rắc rối Messi gặp phải, Herbert đặt ra câu hỏi: Đã tới lúc một số điều khoản trong các hợp đồng của cầu thủ cần được minh bạch, đặc biệt tiền bản quyền hình ảnh.
Đầu năm 2016, Báo Đức Spiegel tiếp cận được một trong những nhân vật bí ẩn được coi là thuộc nhóm “đầu lĩnh” của Football Leaks, trang web bất ngờ vạch trần một số chi tiết mờ ám trong các hợp đồng được CLB ký kết với cầu thủ. Theo đó, sứ mệnh của Football Leaks là đưa ra ánh sáng những bí mật ghê gớm của thế giới bóng đá bấy lâu nay bị che giấu.
Ronaldo đang bị cáo buộc trốn thuế bằng cách bí mật chuyển tiền vào những công ty "ma". |
Đội ngũ Football Leaks có lý do riêng khi dũng cảm chống lại nhiều thế lực được cho rằng đang thao túng bóng đá và trục lợi bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Lúc này, tiền bản quyền hình ảnh cầu thủ được Herbert mô tả như một thế giới âm u và cần được kiểm soát chặt chẽ. Vậy tiền bản quyền hình ảnh là gì?
Đó là giải pháp để bảo vệ thu nhập cầu thủ từ những hình ảnh độc quyền, đồng thời trở thành nguồn thu lợi nhuận hấp dẫn cho họ vì những ai muốn sử dụng đều cần xin phép. Khi một CLB thanh toán tiền lương cho cầu thủ, khoảng 15% hoặc hơn trên tổng thu nhập sẽ được dành cho tiền bản quyền hình ảnh và số còn lại được thanh toán bằng tiền lương.
Như vậy, cầu thủ sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân rất cao dựa trên khoản lương không bao gồm tiền bản quyền hình ảnh. Trong khi đó, tiền bản quyền hình ảnh được bán cho công ty quản lý hoặc đại diện của cầu thủ đó, và đặc biệt không bị áp khung thuế cao.
Chính điều này khởi nguồn cho những thủ đoạn trốn thuế. Vì vậy, câu hỏi liên quan đến tiền bản quyền hình ảnh luôn được đề cập tới hàng đầu trong tiến trình đàm phán hợp đồng giữa CLB và cầu thủ. Trong quá khứ, David Platt và Dennis Bergkamp từng bị cáo buộc đi tiên phong trong việc mượn tiền bản quyền hình ảnh làm công cụ trốn thuế.
Hè qua, Messi cũng lao đao vì chuyện thuế má. |
Họ chuyển 70% tiền lương qua bản quyền hình ảnh, theo đó, tiết kiệm được hàng triệu bảng do giảm bớt một khoản thuế phải đóng. Tại Anh, một người phải trả thuế thu nhập cá nhân lên tới 45% trên tổng mức lương. Nhưng nếu mượn bức bình phong là chuyển tiền vào công ty "ma" hay đầu tư nào đó, mức thuế chỉ còn ở mức 20%.
Mãi sau này cục Thuế nước Anh mới thực hiện chính sách thay đổi và siết chặt lại việc đóng thuế. Những quốc gia khác biết mánh khóe của các cầu thủ, thế nhưng lại không thể ngăn chặn hay kiểm soát vì tiền bản quyền hình ảnh luôn rất mập mờ.
Với trường hợp của Messi, số 10 người Argentina và gia đình liên tục phủ nhận cáo buộc thành lập công ty "ma" ở nước ngoài để trốn thuế và đòi thưa kiện. Song, tất cả đều biết rằng phần lớn những thu nhập của Messi đều được chuyển ra nước ngoài và bằng cách nào đó hợp pháp hóa.
Thậm chí, báo chí Tây Ban Nha từng vạch trần mánh khóe chính các CLB tự lập ra công ty "ma" để trả tiền bản quyền hình ảnh cho cầu thủ.
Giới cầu thủ nổi tiếng đang dính vào những scandal trốn thuế gần đây. |
Từ thực tế đó, Herbert ngán ngẩm. Ông cho rằng vấn đề tiền bản quyền hình ảnh cần được kiểm soát chặt chẽ. Song, điều đó lại khó có thể xảy ra. Trong thời buổi bóng đá hiện đại, mọi thứ đều được quyết định bằng tiền và giá trị tiền bạc ảnh hưởng lớn đến thành công của một đội bóng trên nhiều phương diện, bao gồm cả chiêu mộ cầu thủ.
Nếu không dùng các điều khoản hấp dẫn để lôi kéo các mục tiêu, một CLB dễ dàng bị đánh bại bởi đối thủ khác. Lúc này, họ phải dùng thủ đoạn tinh vi bằng cách trốn thuế và tiền bản quyền hình ảnh thường trở thành công cụ dễ thực hiện nhất. Lý do vì song phương đều có lợi.