Remontada (lội ngược dòng) là một từ tiếng Tây Ban Nha, từng tràn ngập trên các mặt báo thể thao xứ bò tót sau chiến thắng 6-1 của Barca trước Paris Saint-Germain ngày 8/3/2017. Remontada sau này nổi tiếng đến mức được đưa vào từ điển tiếng Pháp Larousse.
Tròn 4 năm sau, lịch sử đã không lập lại. Barca bước vào trận đấu lượt về với nhiều cảm hứng từ trận khó tin 4 năm trước, nhưng chỉ cảm hứng thôi là không đủ để Barca làm nên kỳ tích.
Sự tiếc nuối của Barca
Với một chữ nếu, người ta có thể nhét cả Paris vào chiếc cổ chai. Với một chữ nếu, Messi có thể trở thành niềm cảm hứng lớn giúp Barca chơi trận đấu để đời trước PSG.
Và tất nhiên, khi người ta phải nhắc đến chữ nếu, đã không có màn lội ngược dòng thần thánh nào xảy ra nữa.
Messi và các đồng đội đã có 45 phút đầu tiên chơi tốt trước PSG. Ảnh: Getty. |
45 phút đầu tiên của trận đấu lượt về với PSG, Barca chơi thứ bóng đá nhiệt huyết và giàu năng lượng. Đội bóng của HLV Ronald Koeman dồn lên pressing, gây sức ép với PSG ngay từ phần sân đối phương.
Sơ đồ 3-4-3 cùng chiến thuật mới của Koeman phát huy tác dụng. Frankie De Jong được kéo xuống chơi ở vị trí trung vệ để tận dụng khả năng đi bóng và thoát pressing. Jordi Alba và Dest tạo thành cặp tiền vệ cánh chơi dâng cao, hỗ trợ cho bộ ba Griezmann - Messi - Dembele.
Barca có lẽ thiếu một chút may mắn khi Clement Lenglet bị thổi phạt đền sau tình huống giẫm chân Mauro Icardi. Đó là pha bóng dường như vô tình của trung vệ người Pháp, nhưng sự có mặt của VAR khiến mọi thứ trở nên khắc nghiệt.
Bàn thắng của Kylian Mbappe trên chấm 11 m khiến mọi thứ với Barca khó hơn. Họ phải ghi ít nhất 4 bàn thắng để nuôi hy vọng đi tiếp. Mọi chuyện tưởng như bất khả thi cho đến khi Messi tự mình đi bóng rồi tung cú sút ở khoảng cách 30 m ghi bàn.
Bàn thắng đẹp của Messi không khác gì liều thuốc tinh thần giúp dàn cầu thủ trẻ Barca lấy lại tinh thần. Hệ thống pressing của HLV Koeman phát huy tác dụng, khi chia cắt Icardi và Mbappe với tuyến tiền vệ PSG. Một mình Verratti không đủ giúp PSG thoát pressing khi anh thường xuyên bị quây bởi các tiền vệ Barca.
Chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG - Expected goals) của Barca trong hiệp một là 2,031 (so với 0,89 của PSG - bao gồm cả quả phạt đền). Nếu tận dụng tốt các cơ hội, Barca có thể ít nhất 2 đến 3 bàn thắng vào lưới PSG.
Hậu vệ người Mỹ Sergino Dest sút trúng xà ngang. Dembele bỏ lỡ vài cơ hội ngon ăn, điều người ta không còn lạ với cầu thủ này ở sân chơi Champions League. Sức ép nghẹt thở mà Barca dành cho PSG không được cụ thể hóa thành bàn thắng.
Và tất nhiên, Messi chính là cái tên gây thất vọng tiếp theo trong nỗ lực lội ngược dòng của Barca. Nếu siêu sao người Argentina thực hiện thành công quả phạt đền cuối hiệp 1, mọi thứ có thể đã khác.
Messi sút hỏng phạt đền là bước ngoặt của trận đấu. Ảnh: Getty. |
Kỷ niệm buồn của Messi
Nhược điểm tâm lý của Leo tiếp tục được thể hiện, trong màn lội ngược dòng bất thành của Barca trước PSG. Bàn thắng gỡ hòa đẹp mắt từ Messi đã xốc lại tinh thần của đồng đội.
Tuy nhiên, quả phạt đền hỏng ăn sau đó khiến tinh thần của chân sút người Argentina đi xuống trong giai đoạn còn lại của trận đấu.
Tình huống cản phạt đền thành công của Keylor Navas giống như gáo nước lạnh dội vào khí thế hừng hực của Barca.
Một lần nữa, Messi không thể vượt qua ám ảnh đá phạt đền ở những thời khắc quyết định. Năm 2012, Messi từng sút hỏng phạt đền trong trận bán kết lượt về Champions League gặp Chelsea. Nếu ngày đó Leo thành công, Chelsea có thể không giành được chiến thắng lịch sử tại Camp Nou.
4 năm sau, Messi khóc như mưa sau khi sút hỏng phạt đền ở chung kết Copa America, khiến Argentina thua Chile. Chu kỳ 4 năm đá hỏng một quả phạt đền quan trọng với Messi đã trở lại.
Thay vì tình huống bình tĩnh quan sát, rồi sút đánh lừa thủ môn đối phương, Messi căng thẳng đến mức tung cú sút thật mạnh về hướng Navas đã đổ trước. Messi không cho thấy độ lạnh lùng và bình tĩnh như Kylian Mbappe, người thực hiện thành công quả phạt đền trước đó.
Pha đá 11 m hỏng ăn của Messi tác động lớn đến tinh thần thi đấu đang hừng hực của Barca. Bản thân Messi cũng không giấu sự thất vọng.
Nếu ở hiệp 1, siêu sao người Argentina chơi hay bao nhiêu, sang hiệp 2 anh sa sút bấy nhiêu. Messi bỏ lỡ một cơ hội ngon ăn trong hiệp 2, khi nhận bóng trong tư thế đối mặt với Navas ở cự ly gần.
Với đẳng cấp vốn có của mình, việc Messi bỏ lỡ cơ hội đó dường như phản ánh tâm lý thi đấu bất ổn của Leo.
Màn trình diễn của Messi ở hiệp 2 cũng là đại diện tiêu biểu cho Barca. Sau 45 phút đầu tiên pressing quyết liệt, đội bóng của HLV Koeman “hết pin” và gần như bất lực trong việc ghi bàn vào lưới PSG.
HLV Mauricio Pochettino có lẽ cảm thấy may mắn sau tình huống đá hỏng phạt đền của Messi. Nhìn từ những màn lội ngược dòng kinh điển trong lịch sử Champions League, khoảng cách 2 bàn còn lại của PSG nếu Messi nâng tỷ số lên 2-1 không phải là an toàn.
Messi thất bại, và Barca một lần nữa bị tạm biệt giấc mơ vô địch Champions League. Không có đêm “remontada” như ở Camp Nou 4 năm trước. Leo một lần nữa không thể sắm vai thủ lĩnh kéo đội bóng vượt núi.
4 năm trước, Messi còn có Luis Suarez, Andres Iniesta và đặc biệt là Neymar, người đóng vai trò lớn giúp Barca lội ngược dòng. Đêm Paris vừa qua, Neymar ngồi trên khán đài nhìn đội bóng cũ bị loại.
Người ta lại có lý do để so sánh Messi với Diego Maradona. Messi đã ở đâu trong đêm thảm họa tại Rome và Liverpool? Anh có thể là cầu thủ siêu giỏi, nhưng chưa bao giờ là một thủ lĩnh hàng đầu.
Tất nhiên Messi không đáng phải một mình gánh chịu tội lỗi khi Barca tiếp tục bị loại khỏi Champions League. Ngoại trừ quả phạt đền hỏng ăn, Messi vẫn là một trong những cầu thủ chơi hay nhất của Barca trước PSG.
Anh ghi bàn, đi bóng qua người, chuyền bóng và tạo khoảng trống. Messi cần thêm những người đồng đội giỏi. Dembele tiếp tục khiến người ta thất vọng. Griezmann nhạt nhòa và chỉ nổi bật ở khâu phòng ngự.
Lần đầu tiên sau 14 năm, Barca mới lại bị loại ở vòng 16 đội Champions League. Đội bóng xứ Catalonia xứng đáng bị loại trước PSG mạnh và đẳng cấp hơn.
Để vô địch Champions League, Barca không thể trông chờ một mình Messi, nhất là khi bản thân siêu sao này cũng không thể vượt qua nổi chính mình.