Barca gặp Napoli không đơn thuần là trận lượt đi tại vòng 1/8 Champions League. Đó là ngày Messi đặt chân tới thánh địa của “Cậu bé vàng”, người El Pulga vẫn mải miết bám đuổi về tầm ảnh hưởng cũng như cảm hứng.
Những người dân thành phố Naples không bao giờ quên thời khắc Maradona tới với họ. Đó là ngày 5/7/1984, Maradona bước từ một chiếc trực thăng xuống sân San Paolo khi đó được lấp kín bởi 70.000 khán giả. Tất cả đều chấp nhận bỏ 1.000 lire (khoản tiền rất lớn ngày đó) để được tận mắt thấy Maradona.
Một con phố được vẽ hình Maradona tại Naples. Ảnh: El Pais. |
Diego Maradona - huyền thoại của Naples
Kế hoạch để mang Maradona về từ Barca thực tế bắt đầu từ trước. Mối quan hệ ngày ấy giữa cầu thủ người Argentina và Barca sụp đổ sau khi anh dính hàng loạt chấn thương nặng tại Tây Ban Nha, và đỉnh điểm là màn xô xát trong trận chung kết Copa del Rey với Athletic Bilbao.
Vua Juan Carlos có mặt trên khán đài và hàng triệu CĐV qua màn ảnh nhỏ đã thấy Maradona đấm vào mặt đối thủ, kéo theo đó là cuộc ẩu đả chưa từng có tiền lệ. Không còn cách nào khác, Maradona buộc phải ra đi.
Chia sẻ với El Pais, Gennaro Montuori, một CĐV trung thành của Napoli không bao giờ quên việc tất cả đã cùng nhau lên kế hoạch mang Maradona về sân San Paolo ngày đó. Người đại diện của Maradona khi ấy, Jorge Cyterszpiler, tới gặp và nhờ cậy Montouri: “Maradona muốn đến Napoli nhưng chúng tôi cần sự hỗ trợ của cậu. Cậu hãy tạo ra sự hỗn loạn".
Chủ tịch Napoli, Corrado Ferlaino, cũng nhớ lại bối cảnh của vụ chuyển nhượng: “Cyterszpiler xác nhận rằng mối quan hệ giữa Barca và Maradona đã đổ bể và chúng tôi tiến hành kế hoạch chiêu mộ cậu ấy”.
Thông tin này sau đó rò rỉ ra ngoài, và đường phố Naples nhanh chóng trở nên hỗn loạn. Montuori gọi cho 7-8 cộng sự. Tất cả đi đến nhà của Ferlaino và đậu xe giữa quảng trường Martiri để gây áp lực. Hàng nghìn chiếc xe đậu giữa quảng trường và bóp còi inh ỏi. “Chúng tôi đốt pháo sáng và hát Diegooo…”, Montuori tường thuật lại với El Pais.
Ngày Maradona ra mắt Napoli. Ảnh: TOTB. |
TOTB khẳng định có nhiều CĐV đã tuyệt thực, thậm chí tự trói mình vào hàng rào sân San Paolo để đòi CLB mua Maradona.
Sức ép này sau cùng được BLĐ Napoli cụ thể hóa, mà hợp đồng đắt nhất lịch sử khi ấy là thành quả. Dẫu vậy, mọi thứ không dễ dàng với Maradona.
Maradona khi ấy chỉ nhìn nhận Napoli như một CLB ở Serie B. Anh không hề biết đội bóng này chưa từng giành chức vô địch quốc gia và có nguy cơ rớt hạng khi ký hợp đồng. Sau 13 trận đầu mùa, Napoli của Maradona chỉ có 9 điểm (khi ấy một chiến thắng tính 2 điểm).
Về Argentina nghỉ đông, Maradona xấu hổ đến mức “không dám nói về đội bóng của mình”. Mùa giải đầu tiên của Maradona trên đất Italy kết thúc với 14 bàn thắng, chỉ kém Alessandro Altobelli (Inter, 18 bàn) và Michel Platini (Juventus, 17 bàn). Con số ấy không tồi, nhưng Napoli chỉ đứng thứ 8 chung cuộc.
“Mua 3-4 cầu thủ đi, và bán những người bị khán giả la ó”, Maradona nói thẳng vào mặt Chủ tịch Ferlaino. “Đó nên là thước đo của ông. Nếu không hãy bán tôi đi. Tôi không thể ở lại đây mãi như thế này”.
Maradona có được điều mình muốn. Lực lượng của Napoli được tăng cường, nổi bật là trung phong Bruno Giordano từ Lazio, người sau này sẽ cùng Maradona tạo ra bộ ba Ma-Gio-Ca (Maradona-Giordano-Careca) khuynh đảo cầu trường Italy.
Napoli cũng đưa Ottavio Bianchi lên làm HLV trưởng. Napoli về đích thứ 3 trong mùa giải thứ 2 của Maradona trên đất Italy, kém đội vô địch Juventus 6 điểm. Maradona có 11 bàn cả mùa.
Khi ấy, Maradona không chỉ là ngôi sao số một đội bóng, mà còn là linh hồn của cả thành phố. TMR quả quyết tình yêu của người dân Naples dành cho Maradona “không thể mô tả bằng lời cho những người ngoài cuộc”.
John Foot trong cuốn Calcio: A History of Italian Football (Calcio: Một lịch sử bóng đá Italy) nhấn mạnh 86% các khán giả ở San Paolo là những người mua vé cả mùa khi Maradona chơi bóng ở đó. 25% những đứa trẻ mới sinh được đặt tên là “Diego”.
“Tôi không thể đi mua dù chỉ một đôi giày vì chỉ 5 phút sau, cửa sổ của cửa hàng đó sẽ bị đập vỡ và hàng nghìn người sẽ tràn vào”, Maradona viết trong cuốn tự truyện “Yo soy el Diego (Tôi là Diego).
Niềm cảm hứng từ Maradona giúp Napoli làm nên lịch sử ở mùa giải 1986/87. Song “lịch sử” vẫn là không đủ để chỉ lại khoảnh khắc then chốt của mùa giải đã mang tới những ảnh hưởng như thế nào.
Ngày 10/5/1987, Napoli cần thêm 1 điểm trước Fiorentina ở San Paolo để có Scudetto đầu tiên trong lịch sử. Không khí tại Naples gần như đặc quánh. Thật kỳ diệu, Napoli hòa đúng 1-1 để vừa đủ lên ngôi vô địch Italy lần đầu tiên trong lịch sử.
Cả thành phố vỡ òa vì sung sướng. Những CĐV công kênh Chủ tịch Ferlaino “như một vị vua”. Maradona sau trận xuất hiện trên truyền hình với độc chiếc quần lót vì bộ đồ của anh bị CĐV xé nát thành từng mảnh nhỏ.
Maradona cùng Napoli giành 2 Scudetto, 1 cúp UEFA. Ảnh: Getty. |
Các CĐV ở Naples đổ ra đường trong niềm vui. David Goldblatt, trong cuốn The Ball is Round: A Global History of Football (Quả bóng tròn: Lịch sử bóng đá toàn cầu) viết: “Vô số bữa tiệc và lễ hội đường phố đã diễn ra khắp thành phố trong hơn một tuần”.
Xe buýt ngừng chạy. Những tang lễ giả cho Juventus và Milan được tổ chức, có cả quan tài. John Foot gọi đó là “lễ ăn mừng lớn nhất trong lịch sử bóng đá Italy”. Trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra sau đó, 20.000 cử tri đã viết “Maradona muôn năm” (Viva Diego) lên lá phiếu, khiến phiếu không hợp lệ.
Một trăm con lừa đã được chuyển tới từ Sardinia để chuẩn bị cho bữa tiệc lớn và trên những bức tường của nghĩa trang thành phố, người ta sơn lên dòng chữ: “Các người không biết mình đã bỏ lỡ điều gì đâu!”.
Chính Maradona miêu tả chức vô địch World Cup 1986 “cũng không thể sánh được” với Scudetto năm đó. “Chúng tôi đã xây dựng Napoli từ hoang tàn”, anh viết. “Scudetto thuộc về cả thành phố, và mọi người bắt đầu nhận ra không có gì phải sợ hãi, rằng những kẻ có tiền không thắng mãi, mà những ai chiến đấu, khát khao nhất sẽ chiến thắng. Tôi là thuyền trưởng của con tàu đó, là ngọn cờ. Đơn giản vậy thôi. Tôi coi mình là một người con của Naples”.
Diego vĩ đại
Sau này, khi Maradona buộc phải rời Napoli vì những hệ quả của việc sử dụng ma túy và chất cấm, anh vẫn là người hùng, niềm cảm hứng và huyền thoại số một trong lịch sử đội bóng miền nam Italy.
Ngày 17/3/1991, sau trận đấu Napoli đánh bại Bari 1-0 trên sân nhà, Maradona bị gọi đi thử doping. Ngoài ra còn có Gianfranco Zola và Florin Raducioiu. Sáng hôm sau, báo chí Italy loan tin Diego bị cấm thi đấu 15 tháng.
Nhiều người coi đó là hành động trả thù của LĐBĐ Italy với Maradona sau khi anh cùng ĐT Argentina đánh bại Azzurri tại bán kết World Cup 1990. Bản thân Maradona dường như cũng tin điều đó khi khăng khăng nói mình vô tội.
Một ngôi miếu trong rất nhiều ngôi miếu lưu trữ lại tóc, giày, áo đấu hay bất kỳ kỷ vật nào của Maradona: Ảnh: El Pais. |
“Sau trận Italy gặp Argentina, Antonio Matarrese, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Italy, dân Bari, không nhìn tôi cay đắng hay giận dữ”, Maradona viết. “Ông ta chỉ ghim ánh mắt vào người tôi như một tay mafia và tôi nghĩ: Rồi sẽ khó sống đây”.
“Ông ấy không bao giờ làm tổn thương bất kỳ ai, chỉ làm điều đó với chính mình, và họ dựa vào đó để hạ gục Maradona”, Massimo Filardi, đồng đội cũ của Maradona tại Napoli, chia sẻ với El Pais về đoạn kết của “Cậu bé vàng” tại Napoli cách đây 29 năm.
Fernando Signorini, HLV thể lực của Napoli tự hào: “Tôi nói với Maradona rằng cậu ấy giống như Jesse James (sát thủ nổi tiếng của miền Tây nước Mỹ - PV), không ai có thể đấu súng thắng cậu ấy. Nhưng một ngày nọ, cậu ấy để súng lên bàn, nằm trên ghế sofa và có kẻ hèn hạ lẻn ra sau lưng để bắn hạ cậu ấy”.
Di sản Maradona để lại Napoli không bao giờ bị lãng quên. Những ngôi miếu tại Naples vẫn tồn tại chỉ để lưu lại vài lọn tóc của Maradona. Những bức tranh vẽ “Cậu bé vàng” tồn tại khắp các con phố.
Năm 2000, Napoli treo vĩnh viễn chiếc áo số 10. TOTB miêu tả “Maradona đã làm được những điều người Naples chưa bao giờ được thấy, giúp CLB giành những danh hiệu chưa bao giờ được có”.
“Nhưng trên tất cả, tôi mang tới cho họ lòng kiêu hãnh”, Maradona viết.
“Lòng kiêu hãnh, vì trước tôi, không ai muốn tới Naples, họ đều sợ hãi. Tôi đã tới với tình yêu khu vịnh tuyệt đẹp nhìn ra Địa Trung Hải và chỉ có vậy. Tuy nhiên, tôi chiến thắng vì tôi đã đối mặt với tất cả. Đó là lý do tại sao ngày nay, người Naples nào cũng có thể nói với bạn: Những đội bóng đó không phải do các giám đốc xây dựng lên. Đó là những đội bóng của Maradona”.