Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Merkel đối mặt thử thách nghiêm trọng nhất sau 12 năm cầm quyền

Thất bại của cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền không đe dọa vị trí thủ tướng của Angela Merkel nhưng sẽ làm suy giảm nghiêm trọng quyền lực của bà trong quốc hội.

Cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền tại Đức đã bất ngờ sụp đổ vào nửa đêm 19, rạng sáng 20/11. Thủ tướng Angela Merkel đối diện với cuộc khủng hoảng quyền lực nghiêm trọng nhất trong 12 năm cầm quyền và nước Đức đứng trước cuộc bầu cử sớm vào đầu năm tới, dù cuộc bầu cử gần nhất chỉ mới diễn ra hồi tháng 9.

Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) gọi thất bại này là "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 12 năm cầm quyền của bà Merkel".

Thu tuong Angela Merkel anh 1
Thủ tướng Merkel ra về sau cuộc gặp với Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, vài tiếng sau khi cuộc thương lượng thành lập liên minh cầm quyền sụp đổ. Ảnh: AFP.

Sự sụp đổ 'chưa từng có tiền lệ'

Washington Post cho biết cuộc đàm phán đổ vỡ bất ngờ sẽ kéo theo một loạt các hệ có quả có thể đoán được như khiến thị trường chứng khoán lao đao và làm dấy thêm nghi ngờ về khả năng tại nhiệm của bà Merkel.

Sau cuộc họp ngày 20/11 với Thủ tướng Merkel, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier cố gắng làm dịu tình hình bằng việc kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán, vượt qua cách biệt và tiến tới thành lập liên minh cầm quyền. "Trách nhiệm được giao phó cho các đảng vẫn còn đây", ông nói và lưu ý rằng thất bại hôm 19/11 là chưa có tiền lệ trong lịch sử nước Đức thời hậu chiến.

"Người ta không thể trả trách nhiệm lại cho cử tri", ông ám chỉ một cuộc bầu cử sớm cần tránh.

Merkel không tự tin như vậy. Trong cuộc phỏng vấn với đài ZDF vào tối 20/11, bà thừa nhận một cuộc bầu cử là chuyện ngày càng rõ ràng.

Thủ tướng Đức khẳng định bà sẽ không từ chức nhưng cho rằng một cuộc bầu cử mới sẽ "dễ thở" hơn là điều hành một chính phủ không có thế đa số trong quốc hội và phải chống chọi từng lá phiếu để chính sách của họ được tồn tại.

"Đức cần một chính phủ ổn định", bà Merkel nói.

Những người cực hữu ở Đức đã đón nhận tin tức này với sự hào hứng trong khi những phần khác của châu Âu, vốn xem nước Đức là "hòn đá tảng" cho sự ổn định, rơi vào trạng thái bất an.

"Sau Brexit và (sự đắc cử của) Trump, giờ đến nước Đức đang đối mặt với nguy cơ của một điều bất thường xảy ra tại đất nước họ", Washington Post dẫn lời Sudha David-Wilp, Phó giám đốc Văn phòng Berlin của Quỹ German Marshall. "Điều gì đó vượt khỏi biên giới đã trở thành điều mà họ phải đối mặt bây giờ".

Thu tuong Angela Merkel anh 2
Một cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền sụp đổ là điều chưa từng xảy ra đối với một đất nước coi trọng sự ổn định như Đức. Ảnh: AFP.

Trước khi cuộc đàm phán thành lập liên minh sụp đổ, đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Merkel cùng đảng "chị em" Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo Bayern dự kiến sẽ liên minh với đảng Dân chủ Tự do và đảng Xanh để trở thành "Liên minh Jamaica". Sau khi "Giấc mơ Jamaica" sụp đổ, Merkel đứng trước nguy cơ phải điều hành một chính phủ thiểu số.

Đảng Dân chủ Xã hội, đảng chiếm nhiều ghế thứ 2 trong quốc hội, luôn nhất quán rằng họ sẽ không cùng CDU điều hành chính phủ như nhiệm kỳ trước. Đảng lớn thứ 3 trong quốc hội là đảng cực hữu Lựa chọn khác cho nước Đức (AfD), cũng là đảng đã tuyên bố sẽ thách thức Merkel trong quốc hội.

"Merkel đã thất bại", nghị sĩ Beatrix von Storch của AfD viết trên Twitter. "Một thành công cho AfD".

Đảng Dân chủ Xã hội cũng chào đón một cuộc bầu cử sớm.

Điểm yếu của Merkel

Sau 3 nhiệm kỳ, 4 năm tới sẽ là lúc Angela Merkel bồi đắp cho di sản của mình tại Đức. Thế nhưng, ngay lúc này đây, khả năng bà có thể nắm quyền lại đang gặp nguy hiểm. 

Cuộc đàm phán thành lập liên minh sụp đổ không lâu trước nửa đêm ngày 19/11, khi lãnh đạo Christian Linder của đảng Dân chủ Tự do bước ra khỏi phòng hợp và tuyên bố "các bên không tìm thấy tầm nhìn chung về sự hiện đại hóa nước Đức".

Thu tuong Angela Merkel anh 3
Sự ra đi của đảng Dân chủ Tự do đã khiến viễn cảnh "Liên minh Jamaica" lâm vào bế tắc. Ảnh: AFP.

Những người cùng đảng của Merkel và đảng Xanh đều đổ lỗi cho Lindner, cho rằng ông đã phá hỏng mọi chuyện trong khi các bên khác đã tìm thấy nền tảng chung để làm việc. Dù vậy, Guardian cho rằng rồi đây truyền thông Đức sẽ phải dành nhiều thời gian để xem xét đó là trách nhiệm của ai, dù là đảng Dân chủ Tự do có khuynh hướng thân doanh nghiệp hay chính Thủ tướng Merkel đã không còn năng lực thuyết phục các đảng khác hợp tác cùng bà.

Sự bỏ đi của đảng Dân chủ Tự do ngay đêm thương lượng và quyết tâm của đảng Dân chủ Xã hội khước từ Merkel từ đầu đều được trỏ về chính thủ tướng. Cả 2 đảng đều từng lao đao sau khi liên minh thành lập chính phủ với đảng của Merkel trong quá khứ. Về phần Merkel, bà từng nổi tiếng là người có khả năng dung hòa các chính sách chính của những đảng khác biệt.

"Trong vài tuần gần đây, Merkel đã cư xử như thể bà là một tấm bản lề của một cánh cửa có thể mở về cả 2 phía của các quan điểm chính trị", Guardian dẫn lời Gero Neugebauer, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Tự do Berlin. "Nhưng chiến lược đó không hiệu quả. Và cuộc tranh luận về sự bội phản của Lindner đã biến thành cuộc tranh luận về thất bại của Merkel".

Thu tuong Angela Merkel anh 4
Bốn năm tiếp theo trong quốc hội sẽ đầy khó khăn với Merkel. Ảnh: AFP.

Ngoài ra, nhiều người lưu ý rằng, "Liên minh Jamaica", dù có thể thành hình, cũng sẽ luôn bất ổn, ngập tràn sự bất tín và có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào. Nếu đảng Dân chủ Tự do không trở lại bàn đàm phán, Thủ tướng Merkel có thể xem xét cùng đảng Xanh thành lập liên minh cầm quyền thiểu số trong quốc hội.

Thủ tướng Đức không đứng trước nguy cơ phải ra đi, dù với viễn cảnh một liên minh thiểu số hay cuộc bầu cử sớm. Quyền lực của bà trong quốc hội sẽ bị thử thách đáng kể ở bất cứ kịch bản nào.

Thách thức hậu bầu cử của bà Merkel Tỷ lệ ủng hộ thấp hơn dự tính, đảng cực hữu AfD đang lên có thể gây ra mối lo về chủ nghĩa phát xít được coi là thách thức lớn của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong nhiệm kỳ này.

Đàm phán liên minh đổ vỡ, Đức rơi vào khủng hoảng chính trị

Các cuộc đàm phán để thành lập chính phủ liên minh đã đổ vỡ khiến Đức rơi vào khủng hoảng chính trị và có thể phải tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Bà Merkel thắng nhiệm kỳ 4: Vị đắng tân phát xít

Bà Angela Merkel sẽ làm thủ tướng trong nhiệm kỳ thứ tư nhưng đảng cực hữu Con đường khác cho nước Đức cũng đang ăn mừng chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử ngày 24/9.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm