Ngày tôi bảo mẹ tôi sẽ lấy vợ. Mẹ ừ, không buồn, không vui.
Cũng như những lần báo tin trước đây, như khi đỗ cấp ba, đại học cũng vậy. Mẹ cũng ừ thế. Nhưng đằng sau sự ừ tưởng đơn giản thế là bao tính toán, lo toan bắt đầu khởi lên.
Như khi đỗ cấp ba, mẹ dành dụm để mua cho tôi chiếc xe đạp để đạp đi đạp về mỗi sáng mỗi chiều. Con đường từ nhà đến trường hơn hai cây số. Tôi bảo với mẹ: “Có đoạn đường, xa gì, mẹ cứ để con đi bộ cho khỏe”. Mẹ chẳng nghe: “Ngày nắng thì không nói. Nhưng còn ngày mưa gió...”. Cái lí mẹ nói đến thế đành chịu.
Hoặc như ngày báo tin đỗ đại học, mẹ cũng ừ, chẳng hỏi thêm khoa tôi thi là khoa gì, trường tôi đỗ là trường nào. Tôi tủi thân muốn khóc, công sức bỏ ra nào có ít, cũng ôn luyện miệt mài, cũng phấn đấu. Rồi đêm ngủ, chợt thức giấc, nghe mẹ rì rầm bàn với bố nhận thêm đất sau nhà trồng rau muống, rau đay, rau ngót... Quây chuồng để nuôi thêm đàn gà, đàn vịt lấy thịt, lấy trứng vừa bán vừa gửi lên trường cho tôi ăn đồ ăn sạch.
Tranh minh họa: Mẹ và con của Lê Phổ. |
Bán lứa lợn cũ đi mua thêm lứa lợn mới gối vào. Tiền bán lợn mẹ đưa tôi bảo lên trường cần gì thì sắm cho bằng bạn bằng bè. Tiền đi đường nhớ cất cẩn thận, để ở ngoài đủ tiền xe, tiền uống nước thôi... Lúc ấy tôi mới hiểu, muốn khóc mà nước mắt rủ nhau đi trốn đâu hết.
Lần này tôi báo lấy vợ. Mẹ tất tả đi sang hàng xóm hỏi đoàn đi nói chuyện mở đầu với nhà gái cần có ai đi cùng. Lễ ăn hỏi thường phải có những gì, bao nhiêu mâm, tiền đặt lễ là bao nhiêu? Rồi lễ cưới cỗ bàn ăn thường có món gì. Phải làm sao cho người làng, người xóm họ không khinh được. Ừ, cái không khinh được, cái sống cho ra người ấy mẹ thực hiện trong bao năm nay. Giờ nhớ lại mới thấy đời mẹ là những chuỗi khổ kéo dài nhưng mẹ chẳng bao giờ than vãn lấy một lời.
…
Mẹ lấy bố tôi là đời chồng thứ hai, chồng thứ nhất của mẹ hi sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam vào đầu năm 78. Đời chồng thứ nhất của mẹ chẳng có con cái gì, mẹ lấy bố tôi, bố tôi đã có một người vợ trước và một người con. Bố tôi và người vợ ấy vẫn yêu nhau, ngày ra tòa cả hai vẫn lai nhau đi, vẫn vào quán ăn cùng bữa cơm trưa, vẫn nói chuyện về ngày mai nếu bố tôi đồng ý vào Nam thì sẽ về lại với nhau.
Nhưng bố tôi chẳng bao giờ vào Nam, chẳng bao giờ bỏ được bà nội ở lại, bỏ được đất Bắc nơi chôn nhau cắt rốn. Cái ngày mai mà bố và người kia chờ chẳng bao giờ đến. Và phải mất đến mười năm nữa, những lá thư bay đi bay về nhiều lần thì cả hai mới quyết định đi thêm bước nữa lấy nơi nương tựa về già.
Người bố tôi lấy là mẹ tôi bây giờ. Trước khi cưới mẹ bảo bố lấy mẹ phải lo thêm nhà chồng cũ của mẹ, có công có việc thì về, coi anh em bên ấy như anh em mình, bố mẹ bên ấy như bố mẹ mình. Bố đồng ý, tôi có thêm ông bà, chú thím và các em đến giờ. Mỗi hè về chơi nhà ngoại là tôi sang thêm cả nhà nội bên kia chơi, họ cũng coi tôi như con cháu.
Còn về phần vợ cũ của bố mẹ bắt bố gửi tiền vào nuôi con. Bố ừ hữ nhưng để đấy, vì nhà nghèo quá, còn thêm tôi mới đẻ. Bao năm rồi mà mẹ vẫn nhớ như in lá thư người anh cùng cha khác mẹ của tôi gửi ra cho bố.
Bố Hùng thương!
Đã lâu con không nhận được thư của bố viết cho mẹ con, con và mẹ vẫn bình thường, bố có được khỏe không? Bố đã có em bé chưa sao không cho con với mẹ hay? Bố đã lấy vợ chưa mà sao không gửi thư cho mẹ và con? Từ nay đến hè con sẽ ra ngoài bắc thăm bố
Con Tuấn.
Mẹ không trách bố, chỉ thương anh Tuấn trong kia.
Ngày anh cùng mẹ ra Bắc nhận họ hàng mẹ gọi điện báo tôi bằng được phải về. Mẹ lo cơm canh tươm tất. Trong bữa ăn tôi thấy mẹ gắp thức ăn cho vợ cũ của bố, cho anh Tuấn, cho bố, cho tôi, còn bát mẹ cả bữa vẫn sạch bóng. Thi thoảng mẹ lại lau nước mắt.
Ăn gần xong mẹ nói: “Giờ chúng ta già hết rồi, chỉ mong hai cháu nhớ nhau để có anh có em. Với chị, em cũng xin lỗi chị, bao năm rồi mà anh ấy chẳng quan tâm được chị và cháu trong kia. Cũng tại nhà nghèo quá, em có cấm đoán gì, còn dành dụm bảo anh ấy gửi tiền, gửi thuốc men vào cho cháu.
Nhưng anh ấy cũng thương thằng cháu ngoài này. Biết xa mặt cách lòng đấy mà chẳng làm sao được chị ơi, nhiều lúc nghĩ mà em khóc...”. Không khí bữa ăn đột nhiêu chùng xuống, mọi người nhìn nhau len lén lau nước mắt.
Giờ tôi báo mẹ lấy vợ, tức là tôi sẽ có một tổ ấm thứ hai. Mẹ tất tả đi hỏi han, lo toan mọi thứ cho ngày vui của tôi được trọn vẹn. Xong, hai vợ chồng tôi về ở với mẹ được một thời gian ngắn lại đi. Mẹ không buồn, chỉ ừ, bảo có cháu đem về mẹ nuôi.
Tranh minh họa: Tình mẫu tử của Lê Phổ. |
Rồi chúng tôi có con, mẹ có cháu. Nhưng nào gửi cháu về mẹ nuôi được, giờ vợ tôi cũng là mẹ, mẹ nào mà lỡ xa con. Thỉnh thoảng đưa cả nhà về, mẹ bế cháu ra chợ mua cho cháu hết cái này đến cái kia. Nhiều khi vợ tôi cáu bảo sao bà chiều cháu thế, nó đòi cái gì cũng được đâm hư. Mẹ ừ.
Nhưng tôi biết mẹ buồn, mẹ có mình tôi là con chứ nhiều nhặn gì. Cháu thì giờ mới là cháu đầu mẹ chẳng chiều cháu thì chiều ai. Đến ngày đi, mẹ gói cho nào trứng, nào thịt, nào rau. Mẹ nghĩ chúng tôi về phố là về miền đói kém, lừa lọc lắm. Khi mà ti vi đưa tin đầy rẫy thực phẩm bẩn, ôi thiu, nhiễm vô vàn thứ chất độc.
Vợ tôi có ý chẳng vừa lòng, thức ăn trên phố thiếu gì, chợ lại ở sát nhà, thích gì thì xuống mua. Nhưng tôi gạt đi, cho hết tất cả vào túi mang ra xe. Vì những thứ ấy không đơn giản là đồ ăn đồ uống nữa mà là tình cảm. Tôi mang tình cảm của mẹ đi. Cùng lời hứa sẽ về thăm bố mẹ sớm nhất có thể.
Mẹ nhìn theo bóng xe, chỉ ừ...