Bộ phim truyền hình Ngày ấy mình đã yêu đang phát sóng trên VTV. Tác phẩm Gọi của Hữu Việt được chọn làm bài thơ chủ đề cho phim. Qua giọng đọc thơ của nhân vật Hạ (Nhã Phương đóng), bài thơ được yêu thích và lan truyền trên mạng xã hội. Tác giả Hữu Việt chia sẻ câu chuyện viết bài thơ Gọi, cũng như mối liên hệ giữa thi ca và điện ảnh.
Nhà thơ Hữu Việt - tác giả bài thơ Gọi. |
Gọi là khúc hoài niệm về tình đầu
- Bài thơ "Gọi" được anh sáng tác từ khi nào? Đâu là nguồn cảm hứng để anh viết bài thơ này?
- Quả thực tôi không nhớ chính xác mình viết bài thơ này khi nào, có lẽ vào khoảng giữa những năm 2000, và đăng lần đầu trên báo Tiền Phong Chủ Nhật số Tết, nơi khi ấy tôi đang làm thư ký toà soạn. Đó là vào dịp cuối năm, mọi người đều hối hả.
Với người làm báo, thời gian được tính theo từng số báo nên luôn trôi thật nhanh, số nọ nối tiếp số kia, mới đầu năm đấy mà đã hết năm rồi. Có biết bao điều ta đã bỏ qua, hoặc lãng quên hoặc khiến ta trở nên vô cảm? Liệu ta có còn nghe thấy tiếng gọi, vốn như bao tiếng gọi khác, nhưng với riêng ta từng vang lên da diết, ngọt ngào... Cứ nghĩ miên man như thế và bài thơ Gọi ra đời khá nhanh.
- Khi sáng tác, anh gửi thông điệp, ý nghĩa gì vào bài thơ?
- Bài thơ là một chiêm nghiệm tình yêu đầu đời, “hậu tan vỡ’, nhưng không hề chứa đựng hận thù mà đầy ắp những kỷ niệm cùng hoài niệm về quá khứ. Tình yêu ấy quá đẹp nhưng quá non nớt, vụng dại nên sự đổ vỡ khó tránh khỏi, nhưng dường như nhờ nó mà người ta trưởng thành hơn, vị tha và sâu sắc hơn trước cuộc đời. Tiếng gọi ấy ai ai cũng có khi nhớ đến mối tình đầu tiên.
- Theo anh, vì sao bài thơ được chọn chạy trong trailler phim "Ngày ấy mình đã yêu”?
- Câu trả lời, chắc phải hỏi tác giả kịch bản. Còn về lý do bài thơ xuất hiện trong bộ phim này thì tôi nhớ khoảng tháng 8 năm ngoái, chị Nguyễn Thuỷ công tác tại Hãng phim truyền hình VFC nhắn tin qua Facebook, nói chị đang viết kịch bản phim, trong đó nhân vật nữ hay đọc thơ. Vì chị thích bài thơ Gọi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên muốn xin phép tôi cho cô gái trẻ trong phim đọc bài thơ này bởi tình huống trong phim rất phù hợp.
Tôi thấy việc này cũng bình thường nên đồng ý luôn. Trước khi bộ phim trình chiếu, chị cũng nhắn tin báo cho tôi, tôi thấy đây là một sự chu đáo rất đáng trân trọng.
Bài thơ Gọi là những chiêm nghiệm về mối tình đầu. |
- Khi "Ngày ấy mình đã yêu" phát sóng và trở thành bộ phim được yêu thích, bài thơ "Gọi" của anh cũng được nhiều người biết tới hơn và chia sẻ. Cảm xúc của anh thế nào khi nhiều người yêu thích bài thơ đó?
- Cũng thấy vui vui vì mình đã góp được một chút nhỏ nhỏ cho bộ phim. Làm thơ mà có thêm người “tri âm” là hạnh phúc. Nhưng người tri âm ấy lại đến từ điện ảnh là một điều bất ngờ...
Nếu thơ ca phổ biến qua kênh điện ảnh thì quá tốt, nhưng điều đó không dễ làm
- Trong bối cảnh thơ ca ngày càng ít độc giả, anh có cho rằng, sự kết hợp của thơ với các loại hình nghệ thuật, giải trí đang thịnh hành khác (như âm nhạc, điện ảnh...) sẽ giúp thơ ca trở nên phổ biến và lan tỏa nhiều hơn?
- Với âm nhạc thì tôi lạc quan, còn với điện ảnh thì theo tôi, hơi khó. Ngôn ngữ điện ảnh và thơ ca khác xa nhau quá. Từng có nhiều bài hát viết cho phần nhạc phim, sau đó trở nên phổ biến, được công chúng yêu thích như một tác phẩm âm nhạc độc lập. Nhưng với thơ thì chưa có tiền lệ.
Dường như những nhân vật nhà thơ hoặc yêu thơ trong phim và cuộc sống bị mặc định là những người lơ mơ, lập dị, bốc đồng hoặc hâm hấp, trên mây trên gió. Đó là cách nghĩ chưa thấu. Cho nên nếu thơ ca được phổ biến, lan toả qua kênh điện ảnh thì quá tốt, nhưng đây là việc không dễ làm.
Bài thơ Gọi in trong tập Mắt bò ra mắt cuối tháng 4. |
- Ngoài bài thơ "Gọi", anh còn có những tác phẩm nào sáng tác trong nguồn cảm hứng này, và có phong cách giống với "Gọi"?
- Gọi là bài thơ năm chữ, cảm xúc tự nhiên, trong sáng kèm theo những chiêm nghiệm về tình yêu, tuổi trẻ... Nguồn cảm hứng này xuất hiện trong một số sáng tác của tôi, nhưng chưa thể gọi nó là phong cách.
- Bài thơ “Gọi” in trong tập thơ “Mắt bò” ra mắt cuối tháng 4 vừa rồi. Anh có thể giới thiệu một chút về tập thơ có in bài thơ "Gọi"?
- Tập thơ Mắt bò của tôi mới xuất bản cách đây hơn một tháng, gần 70 bài, chia làm ba phần. Phần một là “Líu lo”, phần hai là “Mắt bò”, phần ba tôi đặt tên là “Gọi”. Cả ba phần đều lấy theo tên các bài thơ in trong tập.
Ở tập thơ này chủ yếu là những bài thơ tôi viết hơn chục năm trở lại đây sau khi suy nghĩ nhiều về nghề, được cân nhắc khá lâu trước khi xuất bản. Tôi cũng chỉ biết nói về mình như thế, phần còn lại, hy vọng lúc nào có thời gian bạn hãy đọc tập thơ nhé!
Hữu Việt (1963) tên thật là Trần Hữu Việt, là nhà thơ, nhà báo, từng công tác tại báo Tiền phong cuối tuần, Vietnamnet, Phó Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô, hiện là Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ báo Nhân Dân. Hữu Việt là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nhà văn Hà Nội.
Hữu Việt đã xuất bản một số đầu sách như: Phố lạc tiên (thơ), Đếm mùa (thơ), Thơ bốn người (thơ), Khúc hát trái tim (thơ dịch), Chuyện của Ana (truyện dịch), Mắt bò (thơ)…
Anh từng được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007 với tác phẩm dịch thơ của tác giả Mattie J.T Stepanek - tập Khúc hát trái tim.