Hoàn cảnh gia đình bà Đào Thị Ái (75 tuổi), ở thôn Nhuệ, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, Thái Bình khiến người biết đến phải rơi nước mắt. Dù bà đã ở tuổi "gần đất xa trời" nhưng chưa được phút nào thảnh thơi.
Năm 20 tuổi bà mắc phải bệnh phong và được điều trị tại Bệnh viện phong Da liễu Vân Môn - huyện Vũ Thư, Thái Bình. Sau khi chữa trị được 1 năm, bệnh tình của bà mới khỏi. Nhờ có trí thông minh, chịu khó và dễ gần gũi nên lúc ra viện bà may mắn được tuyển vào làm công tác chuyên môn y tế tại Bệnh viện phong Da liễu Vân Môn.
Thời gian này, ông Nguyễn Văn Bút (hơn bà 2 tuổi) bị bệnh phong phải lên viện Vân Môn chữa trị. Hằng ngày ông lủi thủi một mình, sống cô độc không có người thân, khuôn mặt ông lúc nào cũng toát rõ sự u buồn mang đầy tâm sự.
Cảm thông trước hoàn cảnh đó của ông, bà Ái thường qua lại trò chuyện và chăm chút ông từng thìa cháo loãng, chiếc quần áo mặc. Rồi cứ như vậy, dần dần hai người đã bén duyên.
Rời bệnh viện, bà Ái trở về làm đồng ruộng cùng chồng. Năm 1971, bà sinh người con gái đầu lòng là chị Nguyễn Thị Hợi và bốn năm sau bà sinh thêm anh Nguyễn Văn Hợp.
Bà Ái bên người con bị bệnh tâm thần. |
Anh Hợp năm nay 39 tuổi nhưng hơn 10 năm trở lại đây lại mang căn bệnh tâm thần khiến cho cuộc sống luôn đè nặng lên đầu người mẹ già. Chị Hợi lấy chồng ở xa không giúp được gì cho mẹ.
Anh Hợp khi đến tuổi trưởng thành, từ đôi bàn tay chăm chỉ lao động, anh làm mướn kiếm tiền, rồi vay nợ thêm để cố gắng xây nhà cho bố mẹ ở. Hoàn thiện ngôi nhà xong, anh cùng bạn vào tỉnh Gia Lai đào vàng với hi vọng sẽ trả được khoản nợ này.
Nhưng rồi, anh vào đó mới chỉ vỏn vẹn chưa đầy 3 tháng thì đã trở thành mất khôn. Khi anh được đưa về nhà, bệnh tình không thuyên giảm mà tái phát một nặng.
Ngôi nhà vừa cất lên, anh đổ bệnh, số tiền nợ khổng lồ đến giờ không thể trả hết. Ngày qua ngày, vợ chồng già chắt chiu được đồng nào là dốc hết vào thuốc men cho cả 3 người.
Bà Ái kể mà nước mắt lưng tròng trong nỗi xót xa: "Nó trở nên hung dữ được 5 năm nay, thường hay trốn ra ngoài để đi phá phách cây cối của dân làng. Thậm chí còn đánh cả bố mẹ nên vợ chồng tôi bảo nhau nhốt con vào cũi sắt. Cũng đã nhiều lần nó suýt thì giết người đấy. Sợ nhất là lần nó phá cũi ra trèo lên tầng 2 nhà bác Anh rồi giằng lấy cháu Linh con nhà chị Hằng ném xuống sân, may sao có giàn cây đỡ lại không giờ này chắc cả nhà tôi phải ra đê rồi…"
Anh Hợp "sống" trong cũi, bất đắc dĩ lắm người mẹ già hiền hậu này mới làm như vậy. Từng đêm ông bà vẫn thường phải thức để thay nhau dỗ dành ngon ngọt cho người con trai 39 tuổi của mình, tránh để anh la hét mỗi khi lên cơn dại, giữ được giấc ngủ bình yên cho xóm làng.
"Tủi cực lắm, không đêm nào là nó không chửi bới, la hét rồi khóc lóc. Nó luôn miệng hát hò, rồi đòi ra ngoài khiến hàng xóm láng giềng nhiều người không ngủ nổi. Lắm lúc nó tỉnh chúng tôi dỗ dành còn nghe, không thì cứ làm ầm ĩ lên như vậy", bà kể.
Tuổi cao sức yếu, vợ chồng ông bà không làm được gì để kiếm ra tiền. Giờ đây khoản chi tiêu dè xẻn cho hằng ngày, bà Ái chỉ còn biết trông cậy vào mấy sào ruộng khoán, rồi thi thoảng cô con gái sang chơi có chắt chiu gửi biếu mẹ vài chục nghìn mua thuốc thang. Được biết, ông Bút hiện ốm nằm liệt giường đã 1 tháng nay, bản thân bà cũng mắc nhiều bệnh tật, nhưng bà vẫn cố gắng để chăm lo cho chồng, cho con những bữa ăn, giấc ngủ khiến hàng xóm ai cũng phải thương xót.
Ông Đỗ Gia Doanh, Trưởng thôn Nhuệ, xã Chí Hòa cho biết: "Tình cảnh gia đình bà Ái rất cơ cực. Một mình bà hiện nuôi đứa con trai điên dại trong suốt gần 15 năm qua, giờ lại phải gồng gánh thêm cả ông Bút nữa. Địa phương rất lưu tâm đến trường hợp này và thường xuyên qua lại thăm hỏi động viên, hỗ trợ. Số tiền trợ cấp dành cho anh Hợp là 270.000 đồng/tháng nhưng không thấm vào đâu".