Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Mẹ - dù ở đâu, làm gì, cũng là một điều tuyệt diệu!

Người mẹ Việt Nam dù ở vùng miền nào, làm công việc ra sao, xuất thân và tính cách khác nhau, đều là một “đóa hồng tươi thắm” của chồng con.

Người mẹ Việt Nam dù ở vùng miền nào, làm công việc ra sao, xuất thân và tính cách khác nhau, đều là một “đóa hồng tươi thắm” của chồng con.

Bất kỳ người con nào cũng có thể thấu hiểu và biết ơn sự hy sinh thầm lặng của mẹ. Thế nhưng, đã bao giờ bạn tự hỏi, vì sự chăm sóc chu toàn bấy lâu cho gia đình, mẹ đã phải hy sinh những gì?

Rất nhiều người phụ nữ đã phải tạm gác lại những đam mê, ước vọng tuổi trẻ để làm tròn thiên chức. Phải chăng, nếu có cơ hội để vừa chăm sóc gia đình, nhưng vẫn có thời gian cho chính mình, mẹ mới thực sự là một đóa hồng trọn vẹn, muôn phần rực rỡ?

Những đặc trưng về địa lý, khí hậu, văn hóa, ẩm thực ở 3 miền Bắc - Trung - Nam đã tạo nên nhiều điểm khác biệt thú vị trong gia đình cũng như tâm lý của những người mẹ.

Nói về chuyện vun vén nhà cửa, gia đình tươm tất, sạch sẽ, khó có ai qua được những người phụ nữ Trung bộ. Với tính cách thật thà, hiền hậu, những bà mẹ ở dải đất miền Trung tâm niệm rằng hạnh phúc lớn nhất là tổ ấm luôn tràn đầy tiếng cười của chồng của con.

Trong khi đó, những bà mẹ miền Bắc lại nổi tiếng về khoản chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ, hy sinh mọi khoảnh khắc cho chồng con. Người phụ nữ Bắc bộ vốn nhẹ nhàng, kỹ tính, muốn mọi thứ trong nhà ngăn nắp, trật tự theo đúng ý mình.

Ngược lại, phụ nữ miền Nam lại năng động, nhanh nhẹn, thích được xắn tay áo lên lo toan mọi việc. Người mẹ Nam bộ chiều chuộng chồng con, khao khát được xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Dù là bà mẹ ở miền nào, xuất thân, tính cách, công việc ra sao... họ đều có một điểm chung không thể bàn cãi, đó chính là tình yêu thương gia đình vô điều kiện. Vì vậy, họ có xu hướng lui về làm hậu phương sau khi kết hôn, để chăm sóc chồng con một cách vẹn toàn. Ngay cả những người phụ nữ hiện đại thời nay cũng vui vẻ chấp nhận sự hy sinh đó, và hầu hết đều tin rằng nội trợ là “sự nghiệp” lớn nhất, thành công nhất cuộc đời của phái nữ, bất kể là ở Bắc, Trung hay Nam.

Tuấn Minh (25 tuổi, TP.HCM) kể lại kỷ niệm về một lần tham gia khóa tu tại một ngôi chùa, đúng dịp này năm ngoái. Khi sư thầy hỏi cả khán phòng: “Các bạn đã từng hỏi mẹ mình xem ước mơ lớn nhất đời mẹ là gì bao giờ chưa?”, tất cả đều cảm thấy chột dạ.

“Quả thật, mình vốn đã quen với sự chăm sóc chu đáo vô điều kiện của mẹ từ nhỏ, nghiễm nhiên cho rằng công việc nội trợ là phù hợp với mẹ nhất, chứ chưa từng muốn tìm hiểu xem trước khi lập gia đình, mẹ từng là người như thế nào, có sở thích gì hay muốn làm gì”, Tuấn Minh thú nhận.

Sau khóa tu, Minh về nhà và tìm câu trả lời từ mẹ. Hiển nhiên, mẹ anh đã đáp lại rằng “sự trưởng thành của các con là ước mơ lớn nhất của mẹ”. Song, Minh không thỏa mãn với điều đó. “Mình đã hỏi bố và được biết trước khi có mình, mẹ từng muốn trở thành một nhà ngoại giao”, Minh tiết lộ.

Sau khi tốt nghiệp đại học tại Nga, cô Phương - mẹ Tuấn Minh về nước và bắt đầu làm việc tại cơ quan chính phủ, với mong muốn có thể trở thành một nhân viên ngoại giao ở châu Âu. Tuy nhiên, sau khi trúng “tiếng sét” với bố Minh, một chàng kỹ sư sống cùng khu phố, cô dần dần từ bỏ công việc để chuyên tâm chăm sóc gia đình, con cái, làm hậu phương vững chắc cho chồng tiếp tục theo đuổi sự nghiệp.

“Bố mình thì quá bận bịu nên đã quên mất rằng mẹ cũng từng có một ước mơ. Còn mình, ngay từ khi biết nhận thức đã thấy mẹ suốt ngày tất bật bếp núc, chăm sóc nhà cửa, dạy dỗ con cái… nên hoàn toàn không hề có khái niệm về quá khứ của mẹ”, Minh bồi hồi.

Cô Phương là trường hợp điển hình cho hàng triệu người mẹ Việt Nam ở nhiều thế hệ: Chấp nhận lùi vào “hậu trường”, thực hiện thiên chức phụ nữ và gần như từ bỏ những mong muốn, sở thích cá nhân.

Đó có thể chỉ là những ước mơ giản dị, như được du lịch một vùng đất xa xôi nào đó, được học một ngành nghề nào đó, được mở một cửa hàng ăn uống, được một lần đi thi gameshow truyền hình, được mặc một bộ áo dài để chụp ảnh… cho tới những tham vọng thực sự như theo đuổi sự nghiệp lừng lẫy, có chỗ đứng trong xã hội chẳng thua kém cánh mày râu.

Nhưng thay vì trở thành nhà ngoại giao, siêu đầu bếp, họa sĩ, doanh nhân thành đạt… họ đã chọn trở thành người vợ, người mẹ, trở thành món quà hạnh phúc cho gia đình. Sự hiện diện của mẹ là một điều tuyệt diệu!

Đôi khi, chúng ta vẫn ví von điều tuyệt diệu ấy như một “đóa hồng” rực rỡ - nữ hoàng của các loài hoa. Nhưng có khi nào bạn nhận ra rằng, mẹ với những toan lo thường ngày, với toàn tâm toàn ý làm tròn thiên chức vẫn chỉ là “một nửa đóa hồng”? Nửa đóa hồng còn lại chính là phần mẹ sống cho chính mình, tỏa sáng với ước mơ, khát vọng và những mong muốn cá nhân. Bông hoa cao quý sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi một nửa dành cho trải nghiệm của chính bản thân họ.

Bởi vậy, sẽ rất tuyệt vời nếu người trẻ - những người con, cổ vũ và khích lệ mẹ bớt lo toan cho gia đình, dành nhiều thời gian hơn cho bản thân.

Không ít bạn trẻ thế hệ Y và Z hiện nay đã đặt mục tiêu phải chăm chỉ làm việc để mẹ có thể sống thoải mái và hạnh phúc hơn. Có người chăm chỉ “cày cuốc” để sửa lại căn nhà cho mẹ ở đàng hoàng hơn, mua chiếc điều hòa cho mùa hè của mẹ bớt nóng, đưa mẹ đi Nhật Bản, châu Âu du lịch một chuyến cho thỏa những mong muốn xê dịch thuở nào.

“Mẹ mình lâu nay đã muốn đến Nhật Bản du lịch để xem cảnh có đẹp như trong phim không. Mình muốn giúp mẹ thực hiện ước mơ này nên đã bắt đầu tiết kiệm tiền từ nửa năm nay, tới cuối năm chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu”, chị Hiền Hòa (24 tuổi, Hà Nội) phấn khởi khoe.

Cũng có những bạn trẻ cho rằng, việc quan trọng nhất bây giờ là giúp mẹ hiểu ra con cái đã lớn khôn, có thể tự lo cho bản thân và mẹ không cần dành quá nhiều công sức, thời gian chăm sóc nữa. Đã đến lúc mẹ được thảnh thơi và bắt đầu dành thời gian cho chính mình.

Thanh Mai (22 tuổi, Đà Nẵng) từ khi vào đại học đã tự giác làm lấy mọi việc cá nhân, phụ mẹ việc nhà, và cố gắng không bao giờ để mẹ phải phiền lòng. Tất cả hành động đó đều để chứng minh cho mẹ thấy Mai đã lớn, không phải để có thể sớm rời khỏi vòng tay gia đình, mà để mẹ có thể yên tâm đi tắm biển, cà phê cùng bạn bè, hay đi du lịch dài ngày mà không phải lo lắng con cái ở nhà ăn uống sinh hoạt thế nào.

“Mẹ không thể lấy lại thời gian thanh xuân đã mất, nhưng mình muốn khích lệ mẹ sống vui vẻ và tiếp tục những điều còn dang dở của tuổi trẻ”, Hoài Nam (30 tuổi, TP.HCM) kể về người mẹ của anh. Ở tuổi 58, thay vì bận rộn việc bếp núc, mẹ của Nam ngày ngày xách giấy và cọ để đi học vẽ tranh. “Mẹ mình luôn muốn trở thành họa sĩ, và giờ đã đến lúc để mẹ thực hiện mơ ước đó”, Nam khẳng định.

Không chỉ là những lời cảm ơn hay vài món quà vào ngày 8/3, 20/10, ngày của mẹ, người trẻ hiện đại mạnh dạn khuyến khích bậc sinh thành hãy tiếp tục những giấc mơ, những sở thích bị lãng quên. Thậm chí, họ còn nhiệt tình hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, để mẹ sớm thực hiện được ước mơ còn dang dở.

“Một nửa đóa hoa” ghi dấu ấn tình yêu thương và chăm sóc của mẹ rất đẹp, nhưng nó không tròn vẹn khi mẹ đã phải “cất tủ” quá nhiều thứ để hy sinh cho con cái. Dịp 8/3 này, những người con hãy dành tặng mẹ món quà tuyệt vời và ý nghĩa nhất, đó chính là sự quan tâm và thấu hiểu, để mẹ có thể nói về những điều mẹ muốn thực hiện, bên cạnh gia đình.

Tất bật trăm đường, đó là nghề ‘làm mẹ’

Khi phụ nữ chọn tương lai của con thay vì phát triển sự nghiệp cũng là lúc họ bắt đầu công việc mới khắc nghiệt nhưng đầy cao quý: Nghề làm mẹ.

Giang Quốc Hoàng

Đồ hoạ: An Du

Bình luận

Bạn có thể quan tâm