"Mọi chuyện chỉ là cơn ác mộng... đúng không?"
Người thanh niên trẻ cứ ngồi đầu giường lẩm bẩm câu hỏi đó. Không ai trả lời anh... Mới 1 tuần trước, gia đình nghèo của cặp vợ chồng Trần Văn May (25 tuổi) và Ngọc Thị Tỉnh (23 tuổi) ngụ tại Nhữ Khê, Yên Sơn, Tuyên Quang còn đầy ắp tiếng cười thì giờ đây, cả gia đình anh May đau đớn khi tai họa bất ngờ ập tới cướp đi hạnh phúc của tổ ấm gia đình mình. Mắt của May – người đàn ông còn rất trẻ quầng thâm, căng cứng. Tiếng khóc bé Huy – gần 1 tuần tuổi cứ ngằn ngặt, khàn uất vì khát sữa mẹ.
Trong viện Bạch Mai mấy ngày nay, các y bác sĩ, người nhà bệnh nhân cứ mỗi khi nhắc đến câu chuyện của gia đình anh Trần Văn May là ai nấy lại mủi lòng. Người thì thương cho bà mẹ trẻ bạc phận, người thì thương cho cháu bé vừa mới sinh ra đã phải chịu cảnh mồ côi mẹ, thương cho người bố còn rất trẻ, run run, lóng ngóng mỗi khi bế con.
Trong niềm tiếc thương, gương mặt thất thần, anh Trần Văn May kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của gia đình mình. Anh và chị Tỉnh lấy nhau từ tháng 10/2013. Anh chị quen nhau từ rất lâu rồi nhưng mãi sau này mới chính thức yêu nhau. Yêu nhau được nửa năm, anh chị quyết định đi tới hôn nhân. Anh bảo: "Cô ấy là người giàu tình cảm, khéo léo, biết chăm sóc, vun vén cho gia đình".
Anh chị đều xuất thân từ những gia đình nghèo, làm nông, khốn khó. Tuy nhà nghèo nhưng cả hai luôn yêu thương nhau và cùng tự nhủ rằng sẽ cố gắng làm lụng để sau này gia đình được đầy đủ sung túc. Sau vài tháng, tin chị Tỉnh có bầu khiến cả gia đình ai nấy đều vui mừng.
Nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang" khi chị Tỉnh mang thai đến tháng thứ 9, vào một ngày, chị thấy bụng mình đau kèm ho dữ dội. Những đợt ho ra máu liên tục khiến linh tính người mẹ cho biết sức khỏe của mình đang có vấn đề.
Nhìn ông bố trẻ lóng ngóng, vụng về ôm con thơ, ai ai cũng ái ngại, thương cảm. |
Trong đêm tối, chuyến xe từ bệnh viện Tuyên Quang chở thẳng gia đình chị Tỉnh lên tuyến trên là bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Bác Minh – mẹ chồng chị Tỉnh cho biết: “Cả quãng đường đi, con dâu tôi ho ra máu liên tục, các y tá phải luôn tay bóp bóng để cháu dễ thở hơn”.
Ngày 4/7, 23h30 đến viện, chị Tỉnh được chuyển thẳng vào phòng cấp cứu trong tình trạng mất máu dữ dội, mệt lả, ngạt trắng. Tại đây, bác sĩ phát hiện ra nguyên nhân chị ho ra máu như thế này là do chị bị giãn phế quản, tổn thương phổi nặng. Khi trao đổi với anh May, hóa ra chị Tỉnh bị bệnh này đã 4 năm ròng.
Anh May bảo: “Tôi biết Tỉnh bị ho ra máu từ hơn 4 năm trước, cũng bảo em đi khám nhưng em cứ cười xòa bảo: "Ôi bệnh em bé xíu bằng con kiến à, anh đừng lo". Nhưng tôi không đồng ý, ép em đi khám bằng được. Sau lần chữa trị đó, em cũng đỡ đi nhiều. Thế nhưng không ngờ trước khi bé Huy ra đời, căn bệnh này lại tái phát”.
Hai vợ chồng yêu thương nhau, dẫu biết cuộc sống đâu chỉ gói gọn trong miếng cơm, manh áo. Sức khỏe của vợ anh, anh rất để ý. Có lần, đang làm việc, nghe người thân gọi báo tin vợ lên cơn ho ra máu, là anh ném cái bay, tất tả, quáng quàng đạp xe về đưa vợ vượt 30 km đi bệnh viện. Cứ vậy, chút tiền dôi ra những tháng nhiều việc cũng chẳng thấm tháp gì.
Xót xa cảnh "gà trống nuôi con"
Anh May nhớ lại: "Khi bác sĩ bước ra khỏi phòng mổ tôi đã vui mừng mà chạy đến để được nghe điều hạnh phúc, nhưng thật đau buồn thay khi bác sĩ bảo vợ tôi đã qua đời và chỉ cứu được cháu bé. Bác sĩ bảo 4h15 khi bé Huy cất tiếng khóc chào đời thì vợ tôi khoảng 5h tắt thở, cô ấy đã ra đi thật sự trước mọi sự cố gắng của các y bác sĩ tại đây”.
Trong suy nghĩ của người đàn ông trẻ này, dường như đó chỉ là một cơn ác mộng. Chỉ khi vào nhìn thi thể vợ, anh mới biết “cô ấy đã mãi bỏ tôi mà đi”.
Nếu ngày nào không xin được sữa mẹ, anh May lại cho con ăn sữa bột. |
Anh bảo: “Cái cảnh con trai tôi sinh ra khóc thét lên vì không được bú sữa mẹ, còn người vợ thì nằm lại đó mãi, nằm im bất động mặc kệ tiếng khóc của cha con tôi... hằn in trong đầu tôi, khiến mấy ngày nay, chưa lúc nào tôi quên được".
Tuy đủ tháng nhưng bé Huy ra đời trong tình trạng thiếu oxy nên bé phải nằm điều trị trong bệnh viện chưa biết đến bao giờ mới được xuất viện.
Bác Minh – mẹ anh May cho biết: “Tôi chừng này tuổi, tôi biết cái cảnh gà trống nuôi con sẽ cực như thế nào. Không ai ngờ con mình lại rơi vào hoàn cảnh này. Tôi nhìn con mình mà thương lắm. Cháu mình là cháu đầu lòng, sinh ra trong tình trạng thiếu ôxy nên khá khó chăm. Hàng ngày, cứ khi nào có điều kiện tôi lại ôm cháu đi bú sữa mẹ nhờ ở khắp trong viện. Hôm nào không xin được, cháu phải ăn bằng sữa bột".
Tại bệnh viện, nhìn người bố trẻ lóng ngóng, lúng túng, ngượng nghịu pha sữa cho con rồi tay run rẩy, lo lắng bế con trên tay, hát những câu hát ru quen thuộc khiến tâm trạng ai cũng đều nặng trĩu. Thấy hoàn cảnh anh khó khăn, những người cùng phòng bệnh thường xuyên sang bế con giúp anh rồi chỉ anh làm các công việc của một người mẹ chăm con thơ.
Tương lai trước mắt khiến anh thực sự lo lắng nhưng anh bảo: "Em sẽ cố gắng nuôi con thật tốt để nhà em an lòng". |
Chị Cẩm – người cùng quê với anh nói, gia đình anh thuộc hộ rất nghèo của Tuyên Quang. Căn nhà anh tuềnh toàng chắp vá từng mảnh tôn cũ, vải bạt và ván gỗ chằng chịt khắp nơi. Nay hoàn cảnh ra như thế này, bà con trong chòm xóm ai cũng thương tiếc.
Nhà anh May ở quê nhưng lại không có ruộng vườn, anh phải long đong chống chèo gia đình với nghề phụ hồ, nghề làm ruộng thuê mướn bữa có bữa không. Yên ổn thì cả nhà cơm cháo qua ngày, nhưng những lúc như thế này, nuôi con một mình sẽ vượt ra ngoài khả năng của anh.
Suốt cả tuần nay trong viện Bạch Mai, hết bà nội đến bố bế bé Huy đi xin sữa mẹ khắp trong bệnh viện. Bà cho biết: “Trước đây, bố nó thường đi khắp nơi tìm việc, ai thuê gì thì làm nấy. Một ngày nó chỉ kiếm được vài chục nghìn không đủ tiền mua sữa cho đứa con chứ nói gì đến nuôi cả gia đình. Cuộc sống ngày càng túng quẩn cộng thêm khoản nợ ngân hàng hơn 20 triệu (là tiền cấp cứu cho vợ, tiền sinh con) nữa... biết lấy đâu ra...".