Lạnh người vì hủ tục
Ngôi làng của đồng bào Bana nằm lọt thỏm giữa bốn bề là rừng núi thuộc xã Ayun (huyện Chư Sê, Gia Lai) - nơi được biết đến với tập tục lạ lùng chôn sống con theo mẹ đã chết khiến những ai nghe kể đều lạnh người.
Ông Phạm Hoàng Long (SN 1950, trú thôn Tung Ke, xã Ayun), người đã cứu sống 1 cháu bé thoát khỏi tục lệ, cho biết: "Tục lệ này của người Bana có từ lâu, trước khi gia đình ông chuyển đến đây sinh sống thì nó đã có rồi".
Ông Long cho biết trong buôn, đứa trẻ nào chẳng may mẹ bị qua đời mà vẫn còn bú thì sẽ bị xử tội chết, bằng cách để đói khát, sau đó mang đi chôn cùng với người mẹ.
Theo ông Long lý giải, sở dĩ có tập tục này vì người Bana quan niệm nếu không để cháu bé theo mẹ thì hồn người chết sẽ không siêu thoát. Hồn ma ấy đeo bám đứa trẻ và bắt nó đi theo.
Hơn nữa, đứa bé còn nhỏ mà không có bàn tay mẹ chăm sóc của mẹ sẽ gây ra phiền toái cho cha, anh chị em trong gia đình. Vì vậy, đứa trẻ phải chết theo mẹ càng sớm càng tốt. Lúc ấy, linh hồn người mẹ sẽ được siêu thoát, người sống cũng khỏi bận lòng.
Bé Phước được ông Long cứu thoát khỏi hủ tục của người Bana. |
Người Bana ở đây quan niệm những đứa trẻ không cha sinh ra là điềm gở, mang xui xẻo đến cho chính bản thân người mẹ và người dân trong làng. Hơn nữa, nếu người mẹ cố tình nuôi đứa con không cha này thì sẽ không có người đàn ông nào dám lấy cô làm vợ nữa.
"Trước đây, điều kiện sinh nở còn hạn chế nên có nhiều trường hợp tự sinh ở nhà, người mẹ vì thế khó sinh hoặc bị băng huyết mà chết. Sau đó, con của họ cũng bị người thân buộc chết theo mẹ. Còn người không chồng mà sinh con cũng phải tự đào hố rồi đưa con xuống chôn. Khi cán bộ địa phương phát hiện thì đã quá muộn", ông Long kể.
Giành giật sự sống cho trẻ nhỏ
Những năm gần đây ở xã A Yun có 3 cháu nhỏ đối diện với cái chết đã được ông Long và các cán bộ xã cứu sống. Bà Trần Thị Hường, vợ ông Long, cho biết vào năm 2005 bà cùng chồng và 2 cán bộ xã cứu được em Đinh Hoàng Phước (SN 2005) là con của chị Đinh Sang ở làng Tung Ke. Chị Sang là người đã có chồng, nhưng anh này đã qua đời. Sau đó chị có thai với người đàn ông khác, sinh ra cháu Phước.
Theo lệ làng, đứa trẻ này sẽ bị xử tội chết. Những người họ hàng thân thích biết tin chị sinh đã kéo đến vây quanh để tạo áp lực buộc chị phải giết chết cháu bé. Trước áp lực của người thân, khi cháu bé vừa từ bụng mẹ ló đầu ra, chị Sang dùng 2 đùi của mình kẹp chặt đầu Phước để cháu không kịp cất tiếng khóc chào đời.
Biết tin, ông Long cùng vợ và 2 cán bộ xã có mặt, lao vào can ngăn để người mẹ trẻ không làm điều tội lỗi. Một người trong số họ đã dùng hết sức kéo 2 chân chị Sang ra để đứa trẻ không bị ngạt.
"Lúc cháu bé vừa sinh ra, tôi vội chộp lấy chạy về trạm xá xã, phía sau là anh em họ hàng chị Sang rượt theo đòi cướp lại để giết chết. Bọn họ còn đánh tôi bầm cả lưng", bà Hường nhớ lại. Phước được vợ chồng ông Long nhận làm con nuôi và cho cháu ăn học đàng hoàng.
Bé Thương được nuôi dưỡng trong tình yêu thương của chị Huỳnh. |
Ít lâu sau, ở làng bên cũng có trường hợp tương tự. Cháu bé bị họ hàng lên kế hoạch "xử tử", nhưng vợ chồng ông Long đứng ra thuyết phục xin gia đình giao lại bé cho chính quyền xã.
Vì thương cháu nhỏ nên ông Long đưa về nhà nuôi, sau đó có cặp vợ chồng hiếm muộn đến xin. Vợ chồng ông cùng chính quyền xã đã đồng ý giao đứa bé cho 2 người này.
Trường hợp gần nhất xảy ra cách đây 2 năm, chị Đinh Nai Huỳnh (chủ tịch Hội phụ nữ xã) đã cứu sống một bé gái từ tay cha đẻ và gia đình của họ. Sự việc diễn ra khi một thai phụ lên nương làm rẫy thì bị trúng gió nằm bất động dưới đất. Lúc này, chị Huỳnh áp mặt vào bụng thì thấy em bé đạp dữ dội.
Ngay lập tức, chị đưa thai phụ ra trạm y tế xã cấp cứu, mổ bắt con. Chị nói dối là mẹ cháu vẫn còn sống để tránh việc người nhà thai phụ bắt cháu phải chết theo mẹ. Sau đó, chị xin về nuôi và đặt tên là Đinh Nai Thương. Sở dĩ chị đặt tên Thương là vì muốn mọi người yêu thương cháu nhiều hơn.
Tuy là người Bana nhưng chị Huỳnh ra sức đấu tranh nhằm xóa bỏ hủ tục, để những đứa trẻ khi sinh ra thoát cái chết oan uổng. Đã từng chứng kiến nhiều cái chết đau lòng nên chị quyết tâm phải xóa bằng được hủ tục này thông qua các bài tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ việc làm của mình là vô lương tâm và vi phạm pháp luật.