“Cả họ nhà tôi đang kêu ầm lên vì cho rằng tôi đi quảng cáo thuốc chữa yếu sinh lý cho nam trên YouTube. Đó là tôi nhưng không phải tôi. Tôi khẳng định video đó đã được cắt ghép dù không có sự đồng ý của tôi”, N. Thanh, người dẫn chương trình cho một đài truyền hình tại Hà Nội cho biết.
Nữ MC ảnh hưởng uy tín vì clip quảng cáo đông y
Theo chị Thanh, đoạn video quảng cáo thuốc sinh lý xuất hiện nhiều ngày qua trên YouTube gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chị. “Họ cắt đoạn dẫn của tôi từ một chương trình tư vấn sức khỏe ở đài truyền hình. Sau đó lồng ghép các thông điệp, sản phẩm khác mà không hề thông báo với tôi”, chị Thanh nói thêm.
Những chương trình truyền hình của nhà đài bị cắt ghép để quảng cáo thuốc trên YouTube. |
Hiện, phía nhà đài nơi chị Thanh làm việc đang liên hệ các bên quảng cáo gỡ bỏ hình ảnh liên quan. “Chúng tôi cũng liên hệ YouTube để gỡ video đó nhưng mọi chuyện vẫn vô vọng”, chị Thanh chia sẻ.
Tuy vậy, phía đơn vị quảng cáo tỏ ra bất hợp tác. Thậm chí, phía công ty này còn dọa chị Thanh “cứ kiện, họ sẽ đi hầu”.
“Vấn đề bảo vệ hình ảnh tại Việt Nam có vẻ không được quyết liệt, tạo điều kiện cho những đơn vị quảng cáo như vậy thách thức cả nạn nhân như tôi. Tôi cũng khá đắn đo vì nếu kiện mà không đi đến đâu họ lại càng có cơ hội được quảng bá miễn phí”, chị Thanh nói thêm.
Thuê MC chuyên nghiệp với giá 5 triệu đồng
Không riêng gì trường hợp của chị Thanh, nhiều đồng nghiệp khác của chị cũng chịu chung cảnh cắt ghép các đoạn dẫn để làm nội dung quảng cáo thuốc đông y.
“Công thức chung của các loại quảng cáo sản phẩm cần uy tín hiện nay trên YouTube là có một đoạn dẫn của MC theo phong cách truyền hình. Sau đó, nội dung về sản phẩm sẽ được lồng tiếng bởi người khác”, Quốc Danh, chuyên gia quảng cáo số tại TP.HCM cho biết.
Một "nhà đài" tự lập để quảng cáo thuốc đông y trên YouTube. |
Theo ông Danh trước đây, các bên quảng cáo thuốc sẽ thuê MC chuyên nghiệp về dẫn theo đúng phong cách truyền hình. “Sau này, khi thuê không còn ai dám lên hình nữa họ mới chuyển sang cắt ghép video”, ông Danh cho biết.
Trước đây, mỗi MC sẽ được trả khoảng 5 triệu đồng để hiện dẫn trên các video quảng cáo thuốc đông y. Nhiều trường hợp, MC bị các ekip quay phim lợi dụng.
“Có lần đến set quay tôi phát hiện là quay thuốc nên tôi đã đòi về. Tuy vậy, phía ekip cho biết đang quay cho cơ sở kinh doanh đàng hoàng và hình ảnh chỉ dùng nội bộ. Khuyên tôi nên hợp tác nếu không phải đền hợp đồng. Lúc ấy tôi cũng đồng ý. Sau đó phát hiện hình ảnh của mình được dùng để quảng cáo cho hàng loạt loại thuốc khác nhau”, Huỳnh Anh, nữ MC chuyên dẫn sự kiện tại TP.HCM chia sẻ.
Cũng theo chị Huỳnh Anh, không chỉ hình thức giống truyền hình, các “phóng sự” được quay bởi những cơ sở kinh doanh thuốc còn sử dụng khách hàng giả.
“Các quảng cáo thuốc đều sử dụng diễn viên quần chúng tự nhận là bệnh nhân để nói về chất lượng sản phẩm thôi. Nếu là bệnh nhân thật, chẳng ai lại đứng trước máy quay để tự nhận mình yếu sinh lý cả”, chị Huỳnh Anh thuật lại.
Sau hai lần “bị lừa” đi quay những nội dung quảng cáo thuốc như vậy, chị Huỳnh Anh bắt đầu cảnh giác hơn với những hợp đồng quay quảng cáo sản phẩm.
“Trong hợp đồng, tôi yêu cầu họ ghi rõ hình ảnh của tôi sẽ được sử dụng ở đâu, và sản phẩm cụ thể là gì. Tôi dính 2 lần rồi, tôi cảm thấy cứ nhận quảng cáo như vậy là đang tạo nghiệp”, chị Huỳnh Anh cho biết.
Không chỉ có hình ảnh của các MC nổi tiếng bị lợi dụng, một số cơ sở kinh doanh còn thẳng tay sử dụng các đoạn video của những buổi trao giải để quảng cáo cho doanh nghiệp.
Theo đó, video một buổi lễ trao giải doanh nhân Việt được một cơ sở đông y sử dụng để đọc lại thành tên mình. Phần phông nền cũng được chỉnh sửa thành thương hiệu khác. Tìm theo tên của sự kiện, video gốc thật chất là đang vinh danh một doanh nghiệp khác.
Chưa có quy định về video giả danh thời sự
Theo bà Đặng Thị Kim Chi, Thạc sĩ Truyền thông, có 3 dạng video ngụy trang truyền hình gồm làm giả thương hiệu nhà đài, làm giả hình thức và cắt ghép nội dung.
Cụ thể, ở loại đầu tiên, video sử dụng nội dung tự sản xuất sau đó gắn logo nhà đài. Loại thứ hai, chủ sở hữu video sẽ nhái lại hình thức của nhà đài nhưng sử dụng tên khác. Hiện một số quảng cáo thuốc đông y trên YouTube đang tự tạo các nhà đài riêng như DDTV, VCTC… Loại cuối cùng là cắt ghép một bản tin có sẵn, lồng ghép hình ảnh và thông điệp riêng.
“Những đơn vị kinh doanh các sản phẩm cần uy tín như thuốc, dịch vụ y khoa thậm chí là cờ bạc sẽ sử dụng hình thức này nhằm đánh lừa người dùng”, bà Chi nói thêm.
Bệnh nhân được phỏng vấn cũng là diễn viên quần chúng. |
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP.HCM, việc sử dụng, sao chép các đoạn video bắt đầu của các chương trình phóng sự trên truyền hình, các thiết kế mỹ thuật ứng dụng của các chương trình phóng sự trên truyền hình như phông nền đằng sau biên tập viên, phông chữ, bảng thông tin hiển thị trong quá trình phỏng vấn, logo của các kênh truyền hình đều là hành vi vi phạm tài sản trí tuệ của nhà đài, được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, Điều 28, Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đối với cá nhân là 250 triệu đồng và đối với tổ chức là 500 triệu đồng.
Tuy vậy, các video được những đơn vị quảng cáo tự đầu tư toàn bộ hình thức, logo lại chỉ được xem như các đoạn clip quảng cáo sản phẩm được thể hiện dưới dạng các tiểu phẩm, với tiêu đề, kịch bản… trông giống một phóng sự mà người dân thường thấy.
"Với hình thức này, chắc chắn các clip quảng cáo này không được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc theo quy định của pháp luật, cũng tức là không được bất kỳ cơ quan chức năng nào kiểm chứng về tính an toàn, hiệu quả của thuốc", luật sư Tuấn phân tích.
Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định”.