Chiếc máy tính cầm tay kết nối với ChatGPT có khả năng gây gian lận trong các kỳ thi. Ảnh: ChromaLock. |
YouTuber tên "ChromaLock" vừa đăng tải một video gây tranh cãi với tiêu đề "I Made the Ultimate Cheating Device" (Tôi đã tạo ra thiết bị gian lận tối thượng). Trong video, YouTuber đã biến chiếc máy tính vẽ đồ thị Texas Instruments TI-84 thành một thiết bị có khả năng kết nối Internet và truy cập ChatGPT của OpenAI.
Thiết bị này giúp người dùng nhập các bài toán phức tạp, sau đó nhận câu trả lời trực tiếp từ ChatGPT ngay trên màn hình của máy tính. Ngay sau khi đăng tải, đoạn video đã làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng giáo dục vì khả năng gây gian lận trong các kỳ thi.
Theo Ars Technica, ChromaLock đã bắt đầu dự án này bằng cách hack cổng kết nối của máy tính TI-84. Cổng này vốn thường được sử dụng để chia sẻ các chương trình giáo dục giữa các thiết bị.
Từ đó, YouTuber đã thiết kế một bo mạch tùy chỉnh "TI-32", tích hợp vi điều khiển Seed Studio ESP32-C3 có khả năng kết nối Wi-Fi, chỉ với giá khoảng 5 USD. Đi kèm là nhiều linh kiện khác để gia o tiếp với hệ thống của máy tính.
Nhưng quá trình cũng không suôn sẻ vì ChromaLock liên tục gặp vấn đề kỹ thuật như không tương thích điện áp, lỗi tín hiệu… Sau nhiều phiên bản, cuối cùng anh đã cài đặt thành công bo mạch tùy chỉnh vào bên trong vỏ máy tính mà không để lại bất kỳ dấu vết nếu chỉ nhìn từ bên ngoài.
Để hỗ trợ cho phần cứng, ChromaLock còn phát triển phần mềm tùy chỉnh để kết hợp với TI-32, cho phép máy tính tương tác với vi điều khiển và tải các “applets” (ứng dụng nhỏ), như giao diện ChatGPT. Hệ thống này giúp học sinh nhập câu hỏi thông qua bàn phím của máy tính và nhận được câu trả lời của ChatGPT ngay trên màn hình.
Câu trả lời ChatGPT trên màn hình máy tính. Ảnh: ChromaLock. |
Tuy hữu ích trong việc trả lời các câu hỏi ngắn, nó vẫn còn hạn chế do tốc độ chậm và sự bất tiện khi nhập câu hỏi dài trên bàn phím hạn chế của máy tính.
Ngoài ra, thiết bị còn cung cấp nhiều công cụ gian lận khác như trình duyệt hình ảnh để truy cập các tài liệu hình ảnh đã chuẩn bị sẵn. Hay tính năng duyệt ứng dụng không chỉ cho phép học sinh tải về các trò chơi giải trí sau khi thi xong, mà còn có thể tải “phao” được ngụy trang dưới dạng mã nguồn.
ChromaLock cũng ấp ủ một tính năng camera sắp tới, mặc dù không tiết lộ nhiều thông tin trong bản demo hiện tại.
ChromaLock tuyên bố rằng thiết bị mới của mình có thể vượt qua các biện pháp chống gian lận thông thường. Chương trình khởi động có thể được tải về theo yêu cầu, tránh bị phát hiện nếu giáo viên kiểm tra hoặc xóa bộ nhớ máy tính trước kỳ thi.
Đặc biệt, bản hack này còn có khả năng phá “Test Mode” (Chế độ Kiểm tra) - chế độ khóa được sử dụng để ngăn chặn gian lận.
Song, việc sử dụng ChatGPT trong kỳ thi chắc chắn sẽ bị coi là vi phạm đạo đức và gian lận thi cử. Chính ChromaLock cũng thừa nhận nguy cơ người dùng sử dụng công cụ sai mục đích.
Nhưng anh khẳng định mình xem dự án này là một giải pháp sáng tạo hơn là khuyến khích gian lận. ChromaLock đã công khai bảng mạch và mã nguồn phần mềm tùy chỉnh trên GitHub.
Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri
Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.
Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một "siêu trợ lý" thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.