Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Máy hủy tài liệu khổng lồ khiến Thủ tướng Abe lại gặp sóng gió

Phe đối lập và truyền thông cáo buộc chính quyền Thủ tướng Abe cố tình che giấu sai phạm bằng cách tiêu hủy tài liệu nhờ một thiết bị có thể xử lý hơn nửa tấn giấy trong một giờ.

Danh sách khách mời cho một bữa tiệc dùng ngân sách nhà nước gây tranh cãi ? Bị băm nhỏ.

Danh sách khách đến văn phòng thủ tướng? Bị băm nhỏ.

Các ghi chép về sự nguy hiểm mà Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản gặp phải khi làm nhiệm vụ ở Sudan và Iraq? Ban đầu được cho là đã bị băm nhỏ, dù sau đó chúng đã được khôi phục.

Những tài liệu quan trọng liên quan đến vụ bê bối học đường đe dọa hạ bệ chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe? Một số bị làm giả, một số bị băm nhỏ.

Cách tiếp cận bí mật của chính quyền Abe đối với các tài liệu của chính phủ - và một máy hủy tài liệu quy mô công nghiệp có thể xử lý 1.000 trang tài liệu chính thức một lần - đang là chủ đề thống trị các mặt báo ở Nhật Bản trong tuần này, trong khi phe đối lập và truyền thông lên tiếng chỉ trích.

Hủy 800 trang tài liệu trong 30 giây

Ông Abe đã trở thành thủ tướng phục vụ lâu năm nhất Nhật Bản vào tuần trước, nhưng tỷ lệ ủng hộ ông đang giảm do cáo buộc rằng ông đã lợi dụng một bữa tiệc dùng ngân sách nhà nước được tổ chức vào mùa hoa anh đào hàng năm để mời hàng trăm người ủng hộ và bạn bè thân thiết của ông.

Hôm 25/11, một nhóm các chính trị gia đối lập đã tìm cách vào bên trong Văn phòng Nội các để có thể tận mắt nhìn thấy một máy hủy tài liệu khổng lồ, nhưng bất thành. Thiết bị này, được cho là một máy NSC-7510 Mark III của hãng sản xuất văn phòng phẩm Nakabayashi, đã trở thành biểu tượng cho sự che đậy của chính phủ ở Nhật Bản.

may huy tai lieu cua ong abe anh 1
Máy hủy tài liệu trong Văn phòng Nội các Nhật Bản. Ảnh: Twitter/@miyamototooru.

Họ đã quay lại vào hôm sau để dùng thử thiết bị và phát hiện ra rằng nó có thể hủy một danh sách khách mời dày 800 trang chỉ trong hơn 30 giây. Trên trang web của mình, Nakabayashi tự hào rằng máy hủy tài liệu này có thể xử lý 550 kg giấy trong một giờ.

Các quan chức cho biết mỗi bộ phận của Văn phòng Nội các đều có các máy hủy tài liệu nhỏ hơn.

"Người ta tự hỏi có bao nhiêu trang tài liệu chính thức được đưa vào những cỗ máy đó mỗi ngày ở Kasumigaseki, nơi đặt trụ sở của hầu hết cơ quan chính phủ Nhật Bản", báo Asahi Shimbun nói trong một bài bình luận trên trang nhất.

"Bất cứ khi nào một vụ bê bối xuất hiện, lý do mà các quan chức đưa ra là tất cả tài liệu liên quan đều đã bị hủy, hoặc không thể tìm thấy. Có lẽ đây là điều họ phải nói để tồn tại trong chính quyền Abe".

Các chính trị gia đối lập lập luận rằng danh sách khách mời cho một bữa tiệc thường niên do thủ tướng tổ chức, để ngắm hoa anh đào tại Công viên Shinjuku Gyoen ở Tokyo hồi tháng 4, là quá mức cho phép với tổng cộng 15.000 người được mời, tiêu tốn 55 triệu yen (500.000 USD). Trong đó, các thành viên của đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền được tặng vé.

Họ cáo buộc rằng thành viên của các nhóm tội phạm có tổ chức đã được mời - cũng như một doanh nhân có công ty cũ bị tố cáo lừa gạt người già thông qua một kế hoạch đầu tư - cùng các chính trị gia, nhà ngoại giao, người nổi tiếng và các nhân vật của công chúng khác tề tựu dưới những tán cây nở rộ hoa. Họ cũng quan ngại về một buổi tiếp tân được tổ chức tại một khách sạn ở Tokyo vào đêm trước ngày diễn ra bữa tiệc ngoài trời.

may huy tai lieu cua ong abe anh 2
Thủ tướng Shinzo Abe dự tiệc ngắm hoa anh đào hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Vào ngày 9/5, thành viên đảng Cộng sản Nhật Bản Toru Miyamoto yêu cầu công bố danh sách khách mời của bữa tiệc, nhưng chỉ nhận được hồi đáp rằng danh sách này đã bị hủy để bảo vệ quyền riêng tư của những người được mời.

Giờ đây, tin cho hay tài liệu 800 trang này đã bị hủy vào ngày 9/5, cùng ngày ông Miyamoto đưa ra yêu cầu, trong khi phiên bản lưu trên máy tính đã bị xóa trước hôm đó.

Chính phủ khẳng định đây hoàn toàn là sự trùng hợp: Máy hủy tài liệu phải được đặt trước nếu muốn sử dụng và đơn giản là không thể sử dụng ngay và luôn.

"Nếu chúng tôi có thể xác nhận khách bao gồm những người không đủ tiêu chuẩn, có khả năng hành động đó có thể là bất hợp pháp. Trong trường hợp đó, danh sách này là một phần của bằng chứng", nghị sĩ Takahiro Kuroiwa thuộc đảng Dân chủ lập hiến Nhật Bản, thành viên của một nhóm nghị sĩ đối lập đang điều tra vấn đề này, cho hay.

Che giấu sự thật?

Tại Mỹ, Đạo luật Hồ sơ Tổng thống quy định rằng tất cả giấy tờ mà tổng thống chạm vào phải được lưu giữ làm hồ sơ lịch sử và gửi đến Cục Lưu trữ Quốc gia. Song có một vấn đề khác ở Washington: Tổng thống Trump lâu nay có thói quen xé giấy tờ và vứt chúng vào thùng rác, theo Politico. Cũng vì thế, có một nhóm người được giao nhiệm vụ ghép các mảnh đã bị xé lại với nhau.

Nhật Bản từ lâu đã bị tụt hậu so với các nền dân chủ phương Tây khác như Mỹ về tự do thông tin, nhưng nước này thực tế đã thông qua một luật liên quan đến quyền tiếp cận thông tin mà các cơ quan hành chính nắm giữ vào năm 1999.

Tuy nhiên, phe chỉ trích nói chính quyền Abe đã phá vỡ các quy tắc đó một cách có hệ thống và đẩy lùi các điều khoản trong luật này kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2012.

"Dường như đây là mô thức lặp đi lặp lại về việc giả mạo và phá hủy tài liệu để che giấu những sự thật không tiện nói ra", Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia, Tokyo, bình luận.

"Ngoài ra, họ dường như đã thay đổi các quy tắc theo hướng khác và cũng cố gắng tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm khi không đưa ra được hồ sơ công khai", ông nói. "Vì vậy, đây là sự kết hợp giữa việc phá vỡ quy tắc và việc thay đổi quy tắc".

may huy tai lieu cua ong abe anh 3
Thủ tướng Abe trả lời câu hỏi chất vấn của các nghị sĩ đối lập tại quốc hội hôm 6/11. Ảnh: Reuters.

Giáo sư Nakano cho biết đây một phần là kết quả của sự kiểm soát mang tính cá nhân của chính phủ và bộ máy quan liêu mà ông Abe có thể áp đặt sau hơn bảy năm nắm quyền. Song đó cũng là một đặc điểm trong tính cách của vị thủ tướng, và điều này ngày trở nên rõ ràng hơn khi ông nắm quyền lâu hơn, ông Nakano nói.

"Đây là dấu hiệu cho thấy sự ngạo mạn của thủ tướng", nghị sĩ Kuroiwa nói.

Mặc dù luật pháp Nhật Bản quy định rằng, về nguyên tắc, các tài liệu của chính phủ nên được lưu giữ ít nhất một năm, luật cho phép các quan chức tùy ý tiêu hủy chúng trước ngày đó nếu thấy phù hợp. Đây là một trong những vấn đề đối với phe đối lập, ông Kuroiwa nói.

Đầu tháng này, ông Abe đột ngột tuyên bố rằng tiệc ngắm hoa anh đào sẽ không được tổ chức vào năm tới trong khi chờ xem xét. Song thông báo đó dường như không giúp ông lấy lại được niềm tin của công chúng.

TT Abe vượt bão bê bối, trở thành thủ tướng nắm quyền lâu nhất lịch sử

Ông Shinzo Abe ngày 20/11 chính thức trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất lịch sử Nhật Bản, đứng vững ở chính trường với khả năng vượt qua mọi bê bối.

Thủ tướng Nhật hủy tiệc ngắm hoa anh đào vì bị chỉ trích hoang phí

Trong nỗ lực ngăn chặn bê bối bùng nổ về các bữa tiệc ngắm hoa xa xỉ, thủ tướng Nhật Bản đã hủy lễ hội ngắm hoa anh đào thường niên do những người đóng thuế tài trợ vào năm tới.

Đông Phong

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm