Không hoàn toàn đúng khi nói “đằng sau mỗi cơ ngơi lớn là một tội ác lớn”. Nhiều nghệ sĩ và nhà văn ngày nay có thể trở nên vô cùng giàu có bằng cách mang đến cho người khác niềm vui từ thưởng thức nghệ thuật.
Tuy nhiên, dường như có một sự thật đang ngày càng rõ ràng trên phạm vi toàn cầu, rằng “mỗi cơ ngơi lớn đều gây ra một tội ác lớn”. Dù là vô tình hay cố ý, những người giàu có đang góp phần lớn vào việc hủy hoại hành tinh này, theo nhận định của nhà báo George Monbiot trên tờ Guardian.
Dù là vô tình hay cố ý, những người giàu có đang góp phần lớn vào việc hủy hoại hành tinh này. Ảnh: Guardian. |
Ngừng gây tổn thương tới môi trường
Một người làm việc tại một sân bay tư nhân của Anh kể lại ông thường nhìn thấy những máy bay phản lực Global 7000, Gulfstream G650 và thậm chí cả Boeing 737 cất cánh từ đây chỉ chở duy nhất một hành khách, chủ yếu bay đến Nga và Mỹ.
Những chiếc Boeing 737 vốn được chế tạo để chở được tới 174 hành khách, mỗi lần đổ nhiên liệu tại sân bay cần tới khoảng 25.000 lít xăng. Lượng nhiên liệu này đủ cho một thị trấn nhỏ ở châu Phi sử dụng trong một năm.
Những hành khách này có lẽ chỉ đến thăm một trong những siêu dinh thự của mình, được xây dựng và duy trì với chi phí môi trường rất lớn, hoặc để đi nghỉ trên những siêu du thuyền có thể đốt tới 500 lít dầu diesel mỗi giờ, và được chế tạo và trang trí bởi nhiều vật liệu thiên nhiên quý hiếm.
Có lẽ chúng ta không nên ngạc nhiên khi biết rằng khi Google triệu tập một hội nghị những người thuộc giới siêu giàu và nổi tiếng tại khu nghỉ mát Verdura ở Sicily vào tháng 7 để thảo luận về những sự cố khí hậu, dàn khách mời đã đến đây bằng 114 máy bay phản lực tư nhân và một “hạm đội” siêu du thuyền, cũng như lái siêu xe vòng quanh đảo. Ngay cả khi có ý tốt, giới siêu giàu cũng không thể dừng việc gây tổn thương tới môi trường, dù có thể chỉ là vô tình.
Siêu du thuyền Aviva trên bờ biển Cornwall. Ảnh: Alamy. |
Một loạt nghiên cứu kết luận thu nhập là yếu tố quan trọng nhất quyết định tác động của con người tới môi trường. Không quan trọng là bạn nghĩ bạn thân thiện với môi trường như thế nào; nếu túi tiền dư dả, bạn tiêu xài. Hành vi tiêu dùng duy nhất có tác động tích cực tới môi trường là thay đổi chế độ ăn uống: những người thân thiện với môi trường có xu hướng ăn ít thịt và nhiều rau hữu cơ hơn.
Nhưng thái độ thân thiện này dường như không ảnh hưởng nhiều đến lượng nhiên liệu dùng cho phương tiện di chuyển, năng lượng dùng trong gia đình và các vật liệu khác mà bạn tiêu thụ. Tiền chinh phục tất cả.
Sự tai hại của sức mạnh chi tiêu lại trở nên nghiêm trọng hơn khi kết hợp với các tác động tâm lý của việc giàu có. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi con người càng giàu, họ càng ít có khả năng kết nối với người khác. Sự giàu có ngăn cản sự đồng cảm.
Một công bố đã chỉ ra rằng những người lái xe đắt tiền ít có khả năng dừng lại cho người khác sử dụng phần đường dành cho người đi bộ hơn những người lái xe giá rẻ. Một bài khác cho biết những người giàu có ít cảm thấy thương xót những trẻ em bị ung thư hơn so với những người nghèo.
Mặc dù góp phần lớn hơn trong việc hủy hoại hành tinh này, người giàu sẽ chịu ảnh hưởng ít nhất và sau cùng, trong khi người nghèo chịu ảnh hưởng trước và tồi tệ nhất khi thảm họa môi trường xảy đến. Hơn nữa, người càng giàu lại càng ít quan tâm đến những điều này.
Đã đến lúc chúng ta biết thế nào là đủ
Một vấn đề khác là sự giàu có giới hạn quan điểm của ngay cả những người có thiện chí nhất. Tuần này, tỷ phú Bill Gates, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, đã cho rằng việc thoái vốn khỏi lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch là lãng phí thời gian, mà nên đầu tư vào các công nghệ đột phá mới với lượng khí thải thấp hơn.
Dĩ nhiên chúng ta cần các công nghệ mới, nhưng ông đã bỏ lỡ một điểm quan trọng: trong việc tìm cách ngăn chặn biến đổi khí hậu, điều quan trọng không phải là những gì chúng ta làm, mà là những gì chúng ta ngừng làm. Không cần biết chúng ta cài đặt bao nhiêu tấm pin mặt trời nếu không đồng thời tắt các lò đốt than và khí đốt. Trừ khi các nhà máy nhiên liệu hóa thạch hiện tại dừng hoạt động và tất cả các hoạt động thăm dò, phát triển mỏ nhiên liệu hóa thạch mới đều bị hủy bỏ thì có rất ít cơ hội chúng ta ngăn chặn được hơn 1,5 độ C nóng lên toàn cầu.
Bill Gates trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi những thay đổi về mặt cấu trúc, cần có sự kết hợp giữa can thiệp chính trị và đổi mới về công nghệ, điều mà những tỷ phú ở Thung lũng Silicon ghét cay ghét đắng. Nó cũng đòi hỏi một sự thừa nhận rằng tiền không phải là cây đũa thần có thể làm cho mọi thứ chúng ta không thích đều biến mất.
Để ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu, có lẽ điều triệt để nhất bây giờ chúng ta có thể làm là hạn chế những khát vọng vật chất của bản thân. Chính phủ và nền kinh tế vận hành dựa trên giả định là mọi người luôn cố gắng trở nên giàu có hết mức có thể. Nếu chúng ta thành công, các hệ thống hỗ trợ cuộc sống hiện tại sẽ bị hủy bỏ. Nếu người nghèo sống như người giàu, và người giàu sống như tài phiệt, chúng ta sẽ phá hủy mọi thứ.
Chúng ta cần có những hành động có ý nghĩa nhằm bảo vệ thế giới sống bằng cách chống lại mong muốn tăng thu nhập và tích lũy của cải của chính mình, một mong muốn được hình thành từ khía cạnh kinh tế và xã hội hơn là chính bản thân chúng ta tự nhận thức được. Chúng ta cần hiểu một khái niệm cấp tiến nhưng cũng gây nhiều khó chịu: đủ. Dù là cá nhân hay tập thể, đã đến lúc chúng ta biết thế nào là đủ và làm thế nào để biết khi nào chúng ta đã đạt được nó.
Nhà triết học người Bỉ Ingrid Robeyns đã đặt tên cho cách tiếp cận này: chủ nghĩa giới hạn. Robeyns lập luận rằng cần phải có giới hạn trên đối với mức thu nhập và sự giàu có mà một người có thể tích lũy được. Cũng giống chuẩn nghèo mà không ai nên tụt xuống dưới mức này, chúng ta cần đặt ra một “chuẩn giàu” mà tại đó không ai nên vượt qua. Lời kêu gọi đặt trần này có lẽ là ý tưởng báng bổ nhất trong diễn ngôn đương đại.
Nhưng lập luận này hoàn toàn có căn cứ. Tài sản thặng dư cho phép một số người áp đặt quyền lực không phù hợp lên những người khác: tại nơi làm việc, trong chính trị, và trên hết là trong việc chiếm giữ, sử dụng và phá hủy thiên nhiên. Nếu ai cũng giàu, thế giới không đủ khả năng cung cấp cho con người. Chúng ta cũng không thể đủ khả năng chiều chuộng mọi ý muốn của riêng mình, điều mà văn hóa tối đa hóa của cải vẫn luôn khuyến khích.
Sự thật nghiệt ngã là người giàu có thể sống vậy chỉ vì người khác nghèo: không có đủ không gian cho mọi người theo đuổi sự xa xỉ riêng tư cùng lúc. Thay vào đó, chúng ta nên phấn đấu cho sự đủ đầy riêng tư, nhưng “xa xỉ” tập thể. Sự sống trên Trái Đất xưa nay vẫn luôn phụ thuộc vào tính đủ và sự điều độ.