Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trùm Trung Quốc điều hành đường dây ma túy khi ngồi tù ở Philippines

Các quan chức Philippines cho biết hoạt động buôn bán ma túy do các ông trùm Trung Quốc điều hành diễn ra suốt nhiều năm dù các cá nhân này bị giam giữ tại nhà tù an ninh tối đa.

Nhiều quan chức cấp cao, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Philippines Menardo Guevarra, xác nhận các ông trùm ma túy Trung Quốc vẫn đang điều hành nhiều đường dây buôn bán chất kích thích trên khắp lãnh thổ Philippines, dù đang bị giam với án chung thân tại các cơ sở giam giữ an ninh tối đa.

"Chúng tôi phát hiện bất chấp bị giam giữ sâu bên trong nhà tù New Bilibid (cơ sở giam giữ an ninh tối đa của Philippines), các cá nhân Trung Quốc tiếp tục điều hành từ xa hoạt động buôn bán ma túy", Benjamin Magalong, cựu chỉ huy tình báo của Cảnh sát Quốc gia Philippines, trả lời tại cuộc điều trần trước Thượng viện Philippines trong khuôn khổ cuộc điều tra về hành vi phạm tội trong hệ thống nhà tù nước này.

Điều hành đường dây ma túy từ trong tù

Theo lời của ông Magalong, các cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy "mọi con đường" thực tế đều dẫn tới nhà tù. Ông Magalong trước đây cũng có thời gian là giám đốc Cơ quan chấp pháp về ma túy tại thủ đô Manila.

Nhiều ông trùm Trung Quốc bị bắt giữ trong cuộc chiến chống ma túy mạnh tay của Tổng thống Rodrigo Duterte suốt 3 năm qua. Trong khi số lượng chính xác các ông trùm không được chính phủ công bố, Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson, cựu giám đốc Cơ quan Cảnh sát quốc gia, cho biết phần lớn các ông trùm "có số má", tù nhân trong trại giam New Bilibid, là công dân Trung Quốc.

Trum ma tuy Trung Quoc dieu hanh tu trong tu anh 1
Các công dân Trung Quốc bị kết án ma túy được áp giải tại nhà tù New Bilibid, Ảnh: SCMP.

Thượng nghị sĩ đối lập Leila De Lima hiện đối mặt phiên tòa xét xử với cáo buộc bà này có liên quan tới đường dây ma túy tại nhà tù New Bilibid. Megalong cho biết ông từng có thời gian báo cáo trực tiếp tới De Lima năm 2014, khi bà này là đương kim Bộ trưởng Tư pháp.

Theo Megalong, ông từng chuẩn bị cho De Lima "một kế hoạch hoạt động tình báo đặc biệt" nhằm trấn áp và chấm dứt hoàn toàn hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp xuất phát từ nhà tù New Bilibid. Megalong sau đó bất ngờ bị loại khỏi chiến dịch chính thức, được miêu tả là thu giữ nhiều hàng buôn lậu nhưng không có tài liệu ghi chép về hoạt động buôn bán ma túy.

De Lima, người từng là thành viên Ủy ban Tư pháp và các quyền con người, không được mời tới phiên điều trần, cũng như không đưa ra phản ứng đối với cáo buộc nhắm vào mình. Bà này bị giam giữ tại trụ sở Cảnh sát Quốc gia từ năm 2017.

Cảnh sát buôn lậu ma túy

Nói về sự dính líu của cảnh sát đối với hoạt động buôn bán ma túy, Megalong tiết lộ các sĩ quan cảnh sát "tái chế" ma túy đá nguyên chất thu được từ các vụ truy quét, dàn dựng các vụ truy quét khác sử dụng thiết bị sản xuất ma túy đã thu giữ được từ các vụ bắt giữ trước đó, đồng thời thỏa thuận trả tự do cho các tay trùm ma túy bị bắt với giá gần 1 triệu USD mỗi người.

Sau phiên điều trận tại Thượng viện, các thượng nghị sĩ đã tổ chức họp kín với Megalong. Tại đây, cựu chỉ huy tình báo của Cảnh sát Quốc gia Philippines sẽ tiết lộ tên các sĩ quan cảnh sát bị cáo buộc có hành vi sai phạm.

Magalong là nhân vật nhận được thiện cảm từ các thượng nghị sĩ, kể từ khi ông dẫn đầu đội điều tra về sự kiện Mamasapano năm 2015, khi 44 thành viên lực lượng cảnh sát đặc biệt thiệt mạng trong nỗ lực bắt giữ kẻ chế tạo bom Zulkifli Abdhir người Malaysia.

Trum ma tuy Trung Quoc dieu hanh tu trong tu anh 2
Cảnh sát Philippines trong một chiến dịch truy quét ma túy. Ảnh: AP.

Megalong giải thích hoạt động tái chế ma túy đá đã bắt đầu từ nhiều năm trước, khi cảnh sát cần ma túy để tiến hành các chiến dịch nhằm bẫy các ông trùm nhưng không có đủ tiền để mua ma túy. Hoạt động này "từ từ biến tướng thành hoạt động kinh doanh ma túy, họ tái chế và bán chúng".

"Trước đây, nếu họ thu được 10kg ma túy tinh thể, họ sẽ tái chế 1kg. Nhưng nay, mọi chuyện đã khác. Họ sẽ chỉ công bố một số lượng nhỏ thu giữ và che giấu lượng lớn còn lại", ông Megalong cáo buộc.

Khi điều hành các chiến dịch truy quét ma túy ở Manila, Megalong đã phát hiện nhà chức trách không khai báo toàn bộ thiết bị sản xuất ma túy bắt giữ được trong các chiến dịch. "Họ sẽ giấu một số thiết bị ở địa điểm khác, sau đó truy quét chính địa điểm đó".

"Một phần trong các chiến dịch đó là bắt giữ các tay trùm buôn bán ma túy người Trung Quốc và ma túy của họ. Sau đó, cảnh sát sẽ thả những tên này ra đổi lấy tiền, và bắt giữ một người Trung Quốc khác thay thế cho những tên trùm thực sự đã được trả tự do", Megalong tiết lộ.

Mua bán quyết định giảm án

Vitaliano Aguirre, cựu bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Duterte từ năm 2016-2018, xác nhận các hoạt động buôn bán ma túy tại nhà tù New Bilibid  trong thời gian mình nắm quyền. Để đối phó, Aguirre đã lắp đặt hệ thống làm nghẽn mạng điện thoại di động tại các buồn giam để ngăn tù nhân sử dụng thiết bị liên lạc.

Thế nhưng, các máy làm nghẽn mạng chỉ có hiệu quả trong 4 tháng, bất chấp nhà chức trách đã sử dụng nhân lực từ lực lượng đặc biệt để canh gác các tù nhân.

"Tôi ấn tượng là tình hình không còn tệ hại như trước, nhưng có nhiều hoạt động vẫn đang tiếp diễn", Bộ trưởng Guevarra, người kế nhiệm ông Aguirre, cho biết.

Trum ma tuy Trung Quoc dieu hanh tu trong tu anh 3
Tù nhân tại nhà tù New Bilibid. Ảnh: SCMP.

Phát hiện về hoạt động buôn bán ma túy tại nhà tù New Bilibid được công bố trong bối cảnh Cơ quan Cải chính Philippines đang bị điều tra, sau vụ bê bối thực thi pháp luật lỏng lẻo, cho phép thả tù nhân có hành vi cải tạo tốt trước thời hạn. Việc này dẫn tới phát hiện 1.914 tù nhân phạm các tội danh bị coi là cực kỳ nghiêm trọng như giết người, cưỡng hiếp, buôn bán ma túy, được trả tự do.

Tổng thống Duterte đã ra tối hậu thư yêu cầu những tù nhân này phải trở về nhà tù trước 12 giờ trưa 20/9. Tuy nhiên, ông Duterte không nêu rõ hậu quả nếu các tù nhân không trở về cơ sở giam giữ đúng thời hạn.

Cơ quan cảnh sát Philippines cho biết 579 tù nhân đã ra đầu thú tính tới ngày 19/9. Trong số này, 26 người bị kết tội buôn bán ma túy, 160 người phạm tội giết người, và 162 người bị kết tội hiếp dâm.

Trong ngày 19/9, các thượng nghị sĩ Philippines xác nhận quyết định giảm án do cải tạo tốt có thể được mua bán bởi các quan chức. Vợ của một phạm nhân thừa nhận đã trả 1.000 USD cho hai quan chức Cơ quan Cải chính để giúp đưa chồng mình, một phạm nhân tại nhà tù New Bilibid, được trả tự do trước thời hạn.

TT Duterte nói 'ra lệnh ám sát 1 chính trị gia', văn phòng đính chính

Người phát ngôn của tổng thống Philippines cho biết ông Duterte đã nói nhầm khi sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, gây hiểu lầm rằng ông ra lệnh ám sát một chính trị gia.

Philippines mạnh tay chống tội phạm rồi thả hàng nghìn tù nhân

Việc tha tù trước thời hạn hàng trăm tù nhân phạm tội nghiêm trọng khiến Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị chỉ trích để kẻ xấu nhởn nhơ ngoài nhà tù.




Duy Anh

Theo SCMP

Bạn có thể quan tâm