Theo Japan Times, chính phủ Nhật Bản coi đây là "hành động quân sự cực kỳ nguy hiểm".
Các quan chức nước này cho biết cuộc tập trận - tới nay mới được tiết lộ, có thể dẫn đến những tình huống bất ngờ. Tokyo đã không phản đối chính phủ Trung Quốc và không công khai vụ việc vào thời điểm diễn ra, để "giữ bí mật về khả năng thu thập và phân tích thông tin tình báo" của Nhật Bản.
Một dàn khoan khí đốt mà Trung Quốc xây dựng xung quanh cái gọi là đường trung tuyến giữa các vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Ảnh: Kyodo. |
Theo các nguồn tin, nhiều máy bay tiêm kích-ném bom JH-7 của Trung Quốc đã tiếp cận hai tàu hộ tống của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản khi đang di chuyển gần một lô dầu khí đang tranh chấp.
Phía Trung Quốc gọi đây là đường trung tuyến giữa vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và Trung Quốc, và họ đang di chuyển đủ gần để các tàu Nhật Bản nằm trong tầm ngắm của các tên lửa chống hạm.
Máy bay Trung Quốc không thực hiện theo dõi tự động mục tiêu trên radar đối với các tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF). Do đó, các tàu của Nhật không thể xác định rõ mục đích của máy bay đang tiếp cận.
Các bộ phận chặn sóng của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Hàng hải và Hàng không Nhật Bản đều chặn các đường truyền từ máy bay Trung Quốc và nói rằng Bắc Kinh đang thực hiện cuộc tập trận tấn công nhắm vào các tàu MSDF.
Sau khi phân tích các đường bay của máy bay phản lực Trung Quốc và thông tin sóng phát ra từ các máy bay, chính phủ Nhật Bản kết luận rằng cuộc tập trận này nhắm vào mục tiêu các tàu nước này.
Tàu chiến Mỹ và Nhật Bản trong một đợt tập trận trên Biển Đông, điều mà Trung Quốc luôn không hài lòng. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Theo báo cáo năm 2018 của Rand Corp, Trung Quốc đã mở rộng các hoạt động hàng không và hàng hải ở biển Hoa Đông trong những năm gần đây, chẳng hạn như việc nước này tìm cách bình thường hóa sự hiện diện quân sự của mình ở đó và biện hộ rằng "các bên liên quan nên tiến hành các cuộc tập trận như vậy".
Tuy nhiên, mặc dù Tokyo ngày càng khó chịu về việc mở rộng quân sự của Bắc Kinh, mối quan hệ Trung - Nhật đã được cải thiện trong những tháng gần đây.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka vào tháng 6, hai nhà lãnh đạo đã xác nhận rằng họ sẽ làm việc cùng nhau để chào đón chuyến thăm của ông Tập tới Nhật Bản khi hoa anh đào nở.
Theo đó, Trung Quốc tỏ rõ nỗ lực để có mối quan hệ tốt hơn với Nhật Bản. Tuần trước, các cơ quan thủy hải sản tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã ra lệnh cho ngư dân tránh xa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp ở biển Hoa Đông, một động thái được xem là Bắc Kinh đang cố gắng loại bỏ mối quan hệ khó chịu với Tokyo.
Senkakus do Nhật Bản kiểm soát cũng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Dù vậy, việc tranh chấp lãnh thổ đối với các đảo vẫn là một phần "mong manh" trong quan hệ song phương Trung - Nhật.