Quân đội Ukraine đã xem xét phần xác của chiếc máy bay Antonov AN-225 - còn được gọi là Mriya, hay “giấc mơ” trong tiếng Ukraine - hôm 2/4 tại sân bay Hostomel ở ngoại ô Kyiv - và đặt những dấu hiệu ở lối vào của sân bay để thể hiện quyền kiểm soát, AP đưa tin.
Binh sĩ Ukraine bước đi trước chiếc máy bay Antonov An-225 Mriya đã bị phá hủy tại sân bay Hostomel, Ukraine, hôm 2/4. Ảnh: Reuters. |
Các lực lượng của Kyiv đã giành lại lãnh thổ gần thủ đô khi quân đội Nga rút khỏi khu vực này như một phần của sự thay đổi rõ ràng trong chiến lược nhằm tập trung vào phía nam và phía đông Ukraine.
Moscow đã định dùng sân bay Hostomel làm bàn đạp trong cuộc tấn công vào Kyiv, cách đó hơn 20 km về phía đông nam. Và sân bay này đã rơi vào tầm kiểm soát của lực lượng Nga ngay từ những ngày đầu tiên của “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Chiếc máy bay Mriya - nặng khoảng 705 tấn và có sải cánh rộng hơn 88 m - được cho là đã bị phá hủy khi lực lương Nga tấn công và chiếm giữ sân bay Hostomel vào cuối tháng 2.
Quân đội Nga đã nắm giữ khu vực này trong nhiều tuần cho đến khi các lực lượng Ukraine tuyên bố giành lại quyền kiểm soát.
Các cuộc giao tranh quanh Kyiv đã diễn ra rất quyết liệt. Khi quân đội Nga rút khỏi các thành phố và thị trấn mà họ đã giành được trong thời gian ngắn, các lực lượng Ukraine đang quay trở lại những khu vực này và bắt đầu đánh giá những tổn thất.
Trước đó, các máy bay khác đã được di rời khỏi sân bay Hostomel khi giao tranh bắt đầu. Tuy nhiên, chiếc Mriya lúc bấy giờ đang được bảo dưỡng và không thể cất cánh, theo Ukroboronprom - công ty chuyên về các thiết bị quốc phòng của Ukraine và là hãng quản lý chiếc máy bay lớn nhất thế giới.
Ukroboronprom ước tính sẽ mất 5 năm và 3 tỷ USD để khôi phục chiếc máy bay.
Binh sĩ Ukraine bên chiếc máy bay Antonov An-225 Mriya đã bị phá hủy tại sân bay Hostomel, Ukraine, hôm 2/4. Ảnh: Reuters. |
An-225 là máy bay nặng nhất thế giới và là máy bay duy nhất có 6 động cơ phản lực cánh quạt. Máy bay này có tốc độ hành trình là 800 km/h và khả năng tải trọng là 250 tấn. An-225 cất cánh lần đầu tiên vào ngày 21/12/1998.
Vào năm 2009, nó đã được kỷ lục Guinness thế giới công nhận vì đã tải vật nặng nhất so với bất kỳ máy bay nào: Một máy phát điện nặng 188 tấn.