Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Máy bay đã cất cánh, vì sao TT Trump hủy quyết định tấn công Iran?

Quyết định tối 20/6 không tấn công Iran có lẽ là quyết định quan trọng nhất cho đến nay trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Có vẻ các bình luận trên TV đã có ảnh hưởng lớn.

“Tôi chứng kiến ông ấy đắn đo một cách khổ sở”, Thượng nghị sĩ Jim Risch (đảng Cộng hòa, bang Idaho), chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Thượng viện, trực tiếp tham mưu với tổng thống ngày hôm đó, nói với New York Times.

“Với những ai đang chỉ trích ông ấy, tôi chỉ mong họ hiểu rằng họ may mắn vì không phải ra quyết định này”.

Cân nhắc ý kiến của cố vấn, và cả trên TV

Ngày 20/6, tổng thống tham vấn với các tướng lĩnh, nhà ngoại giao, nghị sĩ tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, ông cũng chú ý đến Tucker Carlson, một trong những MC ưa thích của ông trên kênh Fox News.

Trong khi nhiều cố vấn khuyên ông phải trả đũa bằng quân sự, ông Carlson nhiều ngày qua đã bình luận rằng dùng vũ lực với Iran là điên rồ. Phe “diều hâu” trong chính quyền không nghĩ về lợi ích của chính tổng thống, và nếu đánh Iran, ông Trump nên xác định hết đường tái đắc cử, ông Carlson nói trên TV.

My tan cong Iran anh 1
Ông Trump trả lời các câu hỏi của phóng viên về vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái Mỹ khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang thăm Washington ngày 20/6. Ảnh: AP.

Tối 20/6, ông Trump đã quyết định hủy cuộc tấn công khi chỉ còn nửa tiếng. Đến nay, chi tiết về quá trình ông Trump lên kế hoạch tấn công Iran để rồi hủy bỏ vẫn còn nhiều bí ẩn, ngay cả với những quan chức trực tiếp tham gia. Các quan chức chính quyền, quân đội và nghị sĩ có những lời kể mâu thuẫn. Nhà Trắng cũng không cố đưa ra lời giải thích thống nhất, từ chối bình luận về quá trình cố vấn.

Tuy nhiên, theo New York Times, điều rõ ràng hơn hết sau các diễn biến đầy bất ngờ vừa qua là Tổng thống Trump có cách ra quyết định rất khác với những người tiền nhiệm, thậm chí trước các vấn đề hệ trọng mà cương vị tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang phải đối mặt.

Gạt các cuộc họp và báo cáo sang một bên, ông Trump tin vào linh cảm hơn là các cách thức tham vấn, nghiên cứu. Ông lấy ý kiến từ những nguồn lạ, và sẵn sàng đi ngược lại đội ngũ cố vấn hùng hậu ngồi kín phòng họp.

Quân Mỹ đã “lên đạn”, 150 người sẽ chết trong vòng nửa giờ

Cho đến trước khi thức dậy ngày 20/6 và đối mặt với cuộc khủng hoảng này, ông Trump từ nhiều tuần nay đã chống lại việc dùng quân sự với Iran.

Dù bặm trợn và bốc đồng trước đám đông, ông Trump nhiều lần phản đối dùng vũ lực, vì cho rằng Mỹ đã lãng phí quá nhiều mạng sống và tiền của trong các cuộc chiến vô nghĩa ở Trung Đông.

Ông Carlson, MC của Fox News, cùng những người hoài nghi vũ lực khác lập luận rằng tấn công Iran có thể cuốn Mỹ vào chiến tranh tổng lực, và thắng lợi sẽ không dễ dàng. Như vậy cũng trái với những lời hứa tranh cử của chính tổng thống.

My tan cong Iran anh 2
Iran và Mỹ mâu thuẫn nhau về vị trí máy bay do thám bị bắn hạ. Đồ họa: New York Times.

Sáng và chiều 20/6, ông Trump đã gặp các cố vấn, bao gồm quyền Bộ trưởng Quốc phòng vừa từ chức Patrick Shanahan, Mark Esper, người sẽ thay thế ông, và tướng Joseph Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.

Đến 15h, ông Trump tiếp các lãnh đạo Quốc hội trong Phòng Tình huống để thảo luận cách đáp trả. Một số người rời cuộc họp đinh ninh rằng tổng thống sẽ dùng vũ lực.

Ông Trump được trình hơn chục lựa chọn đã được lên kế hoạch trong tháng này, sau vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh. Sau các suy tính, còn ít nhất hai lựa chọn. Các mục tiêu bao gồm thiết bị radar và tên lửa.

Các quan chức nói với New York Times rằng đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia đều đồng tình với một trong hai lựa chọn đang được trình lên ông Trump. Tuy nhiên, một số quan chức quân sự và tướng Dunford cảnh báo cuộc tấn công có thể đặt quân nhân Mỹ và đồng minh vào vòng nguy hiểm.

Ngoại trưởng Mike Pompeo tỏ ra ủng hộ một cuộc tấn công chính xác, giới hạn, nhưng cũng nói các lệnh trừng phạt đang thực sự hiệu quả, theo các quan chức biết về cuộc họp.

Đến 19h, các quan chức quân sự được thông báo chuẩn bị tấn công, và đợi lệnh giữa 21h và 22h, tức rạng sáng giờ Iran. Nhưng chỉ trong vòng một tiếng, kế hoạch bị hủy.

My tan cong Iran anh 3
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người nổi tiếng mong muốn hành động cứng rắn với Iran, là những cố vấn quan trọng đối với quyết định của ông Trump trong ngày 20/6. Ảnh: AP.

Kể lại sự việc trong cuộc phỏng vấn với NBC News, ông Trump nói ông đã hỏi các tướng lĩnh: “Bao nhiêu người sẽ chết, người Iran?” Các tướng lĩnh trả lời 150 người.

“Tôi nghĩ một lát, và tự nhủ, họ bắn rơi máy bay không người lái... còn chúng ta đang ngồi đây chuẩn bị giết 150 người trong vòng nửa giờ kể từ thời điểm tôi ra lệnh”, ông Trump nói với NBC. “Và tôi không thích như vậy, tôi không nghĩ phản ứng như thế là tương ứng”.

Câu chuyện chưa thuyết phục của ông Trump

Lời kể trên có điểm khó tin. Khi chuẩn bị tấn công, các cố vấn sẽ ước tính số thương vong. Con số đó khó chính xác, vì không thể biết có bao nhiêu người đang ở địa điểm bị không kích. Trong trường hợp này, 150 là trường hợp xấu nhất, còn không có thương vong là trường hợp tốt nhất, theo các quan chức trả lời New York Times.

Một số quan chức (không ở trong các cuộc họp) cho biết không thể có chuyện tổng thống chưa được báo cáo về ước tính thương vong ngay từ đầu. Họ cho rằng có thể tổng thống được thông báo về ước tính này, nhưng hoặc không nghe thấy, hoặc bị xao nhãng.

My tan cong Iran anh 4
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer (trái) và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Điện Capitol ngày 20/6 để họp kín về căng thẳng với Iran. Ảnh: AP.

Tướng Jack Keane, cựu phó tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, nói yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến quyết định của tổng thống: có thông tin vụ tấn công là sai lầm.

“Tổng thống nhận tin lãnh đạo Iran nổi giận với người chỉ huy đã ra lệnh bắn rơi máy bay không người lái Mỹ”, tướng Keane nói với New York Times. Trong số những người được cho là đã nổi giận là Qassim Suleimani, chỉ huy quyền lực của lực lượng tinh nhuệ Quds ở Iran.

Không rõ chỉ huy ra lệnh bắn máy bay Mỹ tự mình vượt quyền, hay được lệnh cấp trên, nhưng ông Trump vẫn lo ngại leo thang căng thẳng trong khi vụ việc không phải chủ đích của các lãnh đạo tối cao ở Iran.

Đã quyết định không tấn công, ông Trump mở TV - tất nhiên là kênh ưa thích Fox News. Khi đó chưa ai biết về kế hoạch tấn công suýt thành hiện thực, ông Carlson tiếp tục tranh luận trong show 20h rằng “chiến tranh sẽ có kết cục thất bại thảm hại cho nước Mỹ”. Đối với ông Trump, đây như là lời khen cho quyết định khó khăn của mình.

Tuy vậy, nếu ông không tắt TV đi, ông sẽ nghe thêm những lập luận hoàn toàn khác, cũng từ Fox News lúc 21h. Bạn của ông, Sean Hannity, tuyên bố “tổng thống đã cảnh báo Iran... và không còn lựa chọn nào khác là phải thả bom chết hết chúng đi”.

Có lẽ việc ông không nghe show lúc 21h là một điều tốt, ít ra là trong thời điểm trước mắt.

Truyền hình Iran công bố hình ảnh máy bay do thám Mỹ bị bắn rơi Truyền hình nhà nước Iran công bố hình ảnh những mảnh vỡ mà họ tuyên bố là của chiếc máy bay không người lái RQ-4 của quân đội Mỹ bị bắn rơi trên eo biển Hormuz hôm 20/6.

Nếu Mỹ tấn công Iran, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Một cuộc tấn công của Mỹ vào Iran, dù mang tính giới hạn như kế hoạch mà Tổng thống Trump đã hủy bỏ tối 20/6, cũng có thể bùng phát thành chiến tranh rộng lớn, theo chuyên gia.

Cuộc chiến Mỹ - Iran chỉ một chút nữa là khai hỏa

Cựu đại sứ Việt Nam tại Iran nhận định chính sách của Mỹ đối với Iran có thể nói là cứng rắn nhất từ trước tới nay nhưng chiến tranh không phải là vấn đề dễ dàng quyết định.



Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm