Thời gian gần đây, máy ảnh compact bắt đầu xuất hiện trở lại trên thị trường và chiếm được cảm tình của giới trẻ. Những tấm ảnh mờ nhòe đến từ những chiếc máy ảnh hàng chục năm tuổi khiến người trẻ thích thú, sau khi đã quá nhàm chán với những chiếc smartphone hiện đại, camera độ phân giải cao.
Sức hút của những tấm ảnh vỡ nét, mờ nhòe
Theo New York Times, ngày càng nhiều người trẻ tìm lại những chiếc máy ảnh Pentax và Olympus cũ của bố mẹ để chụp lại những khoảnh khắc đời thường của mình. Anthony Tabarez (18 tuổi), sinh viên Đại học California State đã mang theo chiếc Olympus FE-230, độ phân giải 7,1 MP từ năm 2007 của mình đến lễ hội cuối năm ở trường.
Chàng trai cho biết những máy ảnh compact đời cũ này đã làm mưa làm gió từ khi anh còn học cấp 3 và thường xuyên xuất hiện trong lớp hay các cuộc hội họp, vui chơi của học sinh. “Chúng tôi đã quá chán smartphone. Việc có thiết bị chỉ chuyên để chụp ảnh vui hơn nhiều”, Tabarez nói.
Hashtag về máy ảnh compact thu về hàng trăm triệu lượt xem trên TikTok. Ảnh: Mashable. |
Những chiếc camera này thậm chí còn ra đời trước họ và vốn được xem là đã lỗi thời và vô dụng. Nhưng giờ đây, chúng đã sống lại trong trào lưu của giới trẻ nhờ các video TikTok. Mọi người chia sẻ niềm yêu thích với những chiếc máy ảnh hoài cổ trên TikTok và chia sẻ những tấm ảnh mờ nhòe trên Instagram. Hashtag #digitalcamera trên TikTok đã có hơn 184 triệu lượt xem và vẫn trên đà tăng.
Những người nổi tiếng như Kylie Jenner, Bella Hadid và Charli D’Amelio cũng góp phần hồi sinh những máy ảnh kiểu cổ bằng cách chia sẻ những tấm ảnh vỡ nét, cháy sáng trên trang cá nhân.
Theo New York Times, Gen Z vốn sinh ra và trưởng thành trong thời đại smartphone bùng nổ. Họ có thể chụp ảnh, tra bản đồ hoặc làm mọi thứ chỉ trong vài cú nhấp. Tuy nhiên, xu hướng gần đây của họ lại là tìm cách thoát ly khỏi điện thoại thông minh. Một báo cáo của Pew Research Center năm ngoái đã chỉ ra 36% trẻ vị thành niên Mỹ cho rằng họ dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội.
Điều này khiến họ dần tìm đến những chiếc máy ảnh PNS (point-and-shoot) cũ như Canon Powershot hay Kodak EasyShare và mang theo chúng đến các dịp tụ họp thay vì smartphone.
Trào lưu hoài cổ lan đến giới công nghệ
Trong những năm gần đây, xu hướng hoài cổ, tìm về phong cách Y2K (Year 2000) từ cuối những năm 90 đến 2000 đã lan rộng trong giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Trào lưu này lan truyền trên TikTok bắt đầu từ những phong cách thời trang xưa cũ như mốt quần cạp thấp, tracksuit thể thao… Khi đó, những tấm ảnh mờ ảo của máy ảnh compact càng không thể thiếu trong các cuộc vui.
Nếu so sánh với smartphone hiện đại, camera của những chiếc máy ảnh này có độ phân giải thấp hơn, thu về ít chi tiết hơn, khẩu độ nhỏ hơn, ít ánh sáng đi qua ống kính hơn. Điều này khiến tấm ảnh khi cho ra có chất lượng thấp hơn. Nhưng giữa một dàn ảnh chụp từ smartphone, những tấm ảnh mờ nhòe của máy ảnh cũ lại trở nên nổi bật và được yêu thích hơn hẳn.
“Mọi người nhận ra rằng rời khỏi smartphone cũng có thú vui riêng. Những tấm ảnh cho ra sẽ hoàn toàn khác với trước đây”, nhiếp ảnh gia Mark Hunter (37 tuổi) chia sẻ. Những ngày đầu chụp cảnh thành phố về đêm vào những năm 2000, anh đã sử dụng chiếc máy compact cũ kỹ của mình. Trong những tấm ảnh đó, hàng loạt người nổi tiếng như Taylor Swift, Kim Kardashian cũng xuất hiện.
Taylor Swift chụp ảnh bằng máy compact trong tiệc sinh nhật Katy Perry năm 2009. Ảnh: Mark Hunter. |
Niềm vui từ những máy ảnh compact
Nhưng cái khó của những người chơi máy ảnh compact cũ là các dòng sản phẩm này đều đã ngừng sản xuất. Vì thế, họ phải tìm đến những cửa hiệu đồ cũ hoặc hàng qua tay trên các sàn thương mại điện tử để tạo ra những tấm ảnh có chất lượng hệt như ngày xưa.
Trên eBay, từ khóa tìm kiếm “máy ảnh kỹ thuật số” giai đoạn 2021-2022 đã tăng 10%, đặc biệt là những tìm kiếm về một thương hiệu cụ thể. Đơn cử như lượt tìm kiếm từ khóa “Nikon COOLPIX” đã tăng 90%.
Zounia Rabotson (22 tuổi) là một người mẫu và thường xuyên chia sẻ những tấm ảnh nhiễu hạt, cháy sáng trên tài khoản Instagram của mình. “Tôi thấy chúng ta đã quá phụ thuộc vào công nghệ. Trở lại quá khứ là một ý tưởng rất hay ho”, cô nói. Trên TikTok, một trong những video nổi bật nhất của cô là làm về việc mọi người đang dần yêu thích máy ảnh compact trở lại.
Zounia Rabotson thường chụp ảnh bằng chiếc Canon PowerShot SX230 HS sản xuất từ năm 2011. Ảnh: New York Times. |
Rudra Sondhi (18 tuổi), sinh viên Đại học McMaster thành phố Hamilton, Canada, cho biết anh đã mượn máy ảnh compact của bà nội và tìm thấy niềm vui ở thiết bị này hơn là smartphone. “Mỗi khi nhìn ảnh từ máy compact, tôi luôn nhớ đến kỷ niệm gắn liền với chúng. Trong khi đó, nếu lướt thư viện ảnh trên điện thoại, tôi gần như không nhớ và thấy chúng cũng chẳng có gì đặc biệt”, Sondhi chia sẻ.
Sadie Grey Strosser (22 tuổi) cũng là một người chơi máy ảnh compact. Cô bắt đầu sử dụng chiếc Canon Powershot cũ của bố mẹ từ lúc giãn cách trong đại dịch Covid-19 và đăng tải những tấm ảnh mình chụp lên Instagram. “Tôi cảm thấy rất tự do khi sử dụng một chiếc máy ảnh riêng, không kết nối với điện thoại”, cô gái nói. Năm ngoái, khi máy ảnh của Canon bị hỏng, Strosser đã rất buồn. “Nhưng nếu iPhone hư thì tôi cũng chẳng quan tâm”, cô nói.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.