Cha kể ngày ấy
Đêm nghe gió đi hoang miền đất trống
Bầu trời lạc giọng chim di
Khói chiều lẹm cay mắt người già, con trẻ
Dân bản xót củ nâu chín giữa đất cằn.
***
Cha cặm cụi lên đồi thắp những ngọn nến xanh
Bàn chân gai rừng xước đỏ
Ngày con đi học xa
Lặng nhìn dáng người khắc khổ
Tấm áo bộ đội bạc sờn nắng mưa
Cha mỉm cười dặn
Đừng buồn nhé
Tình yêu cho con núi vẫn để dành!
***
Cha vực dậy cánh rừng sau năm tháng ngủ quên
Nương chè mởn xanh mềm tay người hái
Ao cá nghiêng soi nắng vàng trở lại
Khuya ngẫu hứng trà thơm bên bếp lửa hồng.
***
Con trở về đứng giữa mênh mông
Nghe đổi thay nhí nhách dưới chân mình rất lạ.
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Bài thơ của Phùng Thị Hương Ly như lời thầm thì trên đọt lá non, kể về nguồn sống đã hồi sinh trên miền đồi hoang vắng. Người ta thường dễ nhận ra màu xanh và hoa trái, nhưng ít ai dừng lại để lắng nghe nhựa chuyển trong cành hay nhịp sinh sôi nơi lòng đất tối. Tứ thơ của bài Màu xanh trở về bắt đầu từ nơi ít người để ý ấy.
Những đổi thay mang dáng hình hy vọng đâu phải tự nhiên mà có. Mạch sống dưới hoang tàn kia nếu có thể làm xanh lại lá cành ấy là bởi bàn chân người xước máu rừng gai, những cặm cụi bạc nắng sờn mưa vực lại nương đồi.
Nụ cười của cha, tình yêu của núi, những ân cần của đất và người mang màu xanh trở lại. Như tay người mềm bên nương xanh, như làn ao nghiêng sắc nắng vàng, như hương trà bên bếp ấm, như những đợi chờ mênh mông, bài thơ thầm chảy vào ta dưỡng chất của tình yêu thương và hy vọng.