Trang Space đưa tin hôm 15/12 rằng các nhà khoa học Nhật Bản vừa mở khoang chứa gửi về từ tàu vũ trụ Hayabusa 2 và tận mắt nhìn thấy mẫu vật bên trong đó.
Tàu vũ trụ Haybusa 2 được phóng lên năm 2014 với nhiệm vụ thu thập mẫu vật từ tiểu hành tinh Ryugu gần Trái Đất. Hayabusa 2 phải mất đến 4 năm để đến Ryugu vào năm 2018.
Con tàu đã neo đậu ở đây trong 1,5 năm để quan sát và thu thập vật mẫu trước khi gửi nó về Trái Đất tháng 12/2019.
Bên trong khoang chứa gửi về từ tàu Hayabusa 2. Ảnh: Space |
Mẫu vật được gửi về trong một khoang chứa hình nhộng và rơi xuống sa mạc thuộc Trung tâm Woomera Range, phía nam nước Úc. Khoang chứa sau đó được chuyển về Cơ quan Thăm dò Hàng không Vũ trụ (JAXA), Nhật Bản.
Hôm 14/12 vừa qua, các nhà khoa học đã mở khoang chứa và tuyên bố: "Chúng tôi xác nhận các hạt đen từ tiểu hành tinh Ryugu ở bên trong khoang chứa. Đây là phần bên ngoài của buồng chính và các mẫu vật nằm ở rảnh vào khoang chứa", một đại diện của JAXA viết trên Twitter.
Hợp chất bên trong khoang chứa là một lượng bụi và đất lấy từ bên dưới bề mặt của tiểu hành tinh Ryugu.
Trong nhiệm vụ trước đó, tàu Hayabusa 2 đã thu thập và gửi về những hòn đá trên bề mặt sau đó tiếp tục bắn một viên đạn đồng vào lớp vỏ của tiểu hành tinh để lấy thêm vật chất bên dưới.
Sự kết hợp này sẽ cho phép các nhà khoa học tìm hiểu môi trường khắc nghiệt của vũ trụ đã ảnh hưởng như thế nào đến bề mặt Ryugu.
Nhân viên JAXA thu nhận khoang chứa tại sa mạc Australia ngày 5/12/2019. Ảnh: Space |
Ngoài ra, các nhân viên JAXA còn đo lượng khí bên trong khoang chứa nhằm tìm hiểu về tính chất và nguồn gốc của chúng. Công việc này sẽ xác định liệu chúng có thuộc về tiểu hành tinh Ryugu hay không.
Các tiểu hành tinh là những vật thể nguyên thủy còn sót lại từ khi hệ mặt trời hình thành. Vì vậy, các nhà khoa học hy vọng việc nghiên cứu chúng sẽ giúp họ hình dung được những ngày đầu tạo nên vũ trụ. Hiện JAXA chưa công bố chính xác thời gian các nhà khoa học sẽ tiến hành phân tích mẫu vật.