Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Màu sắc nơi làm việc ảnh hưởng tới hiệu suất công việc thế nào?

Việc nhìn thấy màu đỏ khiến chúng ta trở nên cảnh giác và thận trọng hơn và tùy tình huống mà điều này là có lợi hay có hại trong công việc.

Hiển nhiên, chiều cao chỉ đại diện cho một yếu tố trong thiết kế nội thất hay không gian, như cây đàn vĩ cầm đơn lẻ giữa dàn nhạc giao hưởng rộng lớn. Trong suốt thập kỷ vừa qua, một số lượng lớn nghiên cứu đã được thực hiện, chứng minh cho ta thấy rằng rất nhiều yếu tố trong thiết kế có ảnh hưởng mạnh mẽ đến suy nghĩ của chúng ta, thế nhưng chúng ta lại không nhận thức được tác động của những yếu tố này.

Một ví dụ điển hình chính là tông màu đỏ. Theo các nghiên cứu, khi chúng ta tiếp xúc với sắc đỏ, màu mà tâm trí chúng ta tự động liên kết, hình dung tới những biển báo dừng, tín hiệu báo động và máu, não bộ chúng ta sẽ bị kích thích, tạo cảm giác nhạy cảm, bồn chồn như thể chúng ta sắp thất bại.

Van phong anh 1

Màu sắc, cách bài trí văn phòng có tác động tới hiệu suất công việc. Nguồn ảnh: Evolution Design.

Nói một cách ngắn gọn, việc nhìn thấy màu đỏ khiến chúng ta trở nên cảnh giác và thận trọng hơn, và tùy từng tình huống mà ta đánh giá điều này là có lợi hay có hại trong công việc.

Một nghiên cứu từng chỉ ra rằng các hiệu đính viên có xu hướng làm việc hiệu quả và năng suất hơn nếu họ dùng bút đỏ để rà soát và sửa lỗi văn bản. Một nghiên cứu khác, được đăng trên tạp chí Khoa Học (Science), đưa ra phát hiện như sau: mặc dù những người tiếp xúc với màu đỏ làm rất tốt các nhiệm vụ đòi hỏi độ chính xác và sự chú ý đến từng chi tiết, họ lại rất tệ trong những công việc yêu cầu sự sáng tạo, liên hệ đến các ý tưởng và tư duy tổng thể.

Bên cạnh màu sắc, âm thanh cũng là yếu tố có sức ảnh hưởng đáng ngạc nhiên đến tư duy. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2012 đã cho thấy rằng: tiếng ồn xung quanh, thứ mà nhiều người cố gắng giảm thiểu mỗi lúc tập trung, thực sự lại có thể cải thiện hiệu suất của chúng ta trong một số hoạt động nhất định.

Ví dụ, khi chúng ta bị phân tâm bởi tiếng ồn xung quanh – chẳng hạn như âm thanh trong quán cà phê – não bộ của chúng ta sẽ xử lý thông tin một cách trừu tượng hơn, và điều này có thể giúp nâng cao khả năng sáng tạo của chúng ta.

Ngược lại, môi trường yên tĩnh, không có tiếng ồn lại không có lợi cho những công việc đòi hỏi khả năng tìm ra ý tưởng mới, phương pháp mới. Sau hàng nghìn năm phát triển, tai của loài người đã tiến hóa để trở nên nhạy bén và phát hiện những kẻ săn mồi tốt hơn, do đó, một không gian hoàn toàn tĩnh lặng sẽ làm chúng ta sẽ cảm thấy không thoải mái, không yên tâm.

Trong không gian như vậy, thính giác của chúng ta sẽ hoạt động hết công suất, khiến chúng ta rơi vào trạng thái căng thẳng, tập trung cao độ, thậm chí nghe được, để ý được những âm thanh rất nhỏ. Có thể thấy, địa điểm không có âm thanh giúp tăng cường mức độ tập trung suy nghĩ, và đây là một điểm rất hay, rất hữu ích nếu được áp dụng trong bối cảnh phù hợp, ví dụ như những công việc đòi hỏi độ chính xác cao.

Trái lại, chúng ta không nên áp dụng môi trường tĩnh lặng cho những công việc có liên quan đến tư duy sáng tạo, bởi chúng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực, giảm hiệu quả công việc của chúng ta một cách tồi tệ.

Một ví dụ nữa về yếu tố tác động đến suy nghĩ của chúng ta chính là nội thất trong không gian. Vào năm 2013, một thí nghiệm đã được tiến hành chỉ ra rằng căn phòng có các ghế xếp theo hình vòng tròn sẽ dễ dàng khiến người ngồi nghĩ tới sự kết nối trong một hoặc các nhóm đồng nghiệp.

Trong khi đó, nếu bộ ghế được xếp theo góc phòng – cách xếp phổ biến đối với các phòng họp – tư duy, sự tập trung của mọi người sẽ hướng về việc thể hiện sự độc đáo, khác biệt của cá nhân. Tóm lại, cách bài trí của căn phòng sẽ truyền đạt xu hướng tương tác được mong đợi trong tập thể, và thúc đẩy chúng ta hành động theo kỳ vọng đó.

Tại sao chúng ta lại dễ bị ảnh hưởng bởi những điểm nhỏ nhặt của môi trường xung quanh như vậy? Đó là bởi vì não bộ chúng ta đã được thiết lập cơ chế để có thể tự động thích ứng với các không gian, địa điểm, và thật ra, đây là một đặc tính mang lại rất nhiều lợi ích đáng kể.

Lợi ích đó cụ thể là như thế nào? Đầu tiên, chúng ta hãy xem cơ chế tự động thích ứng này như một hệ thống kiểm soát hành trình hoạt động của bộ não. Chúng ta sẽ không cần phải dừng lại và suy nghĩ xem nên làm gì mỗi khi gặp tín hiệu đỏ cảnh báo nguy hiểm, hay bước vào một căn phòng hoàn toàn lạ lẫm nữa, não chúng ta sẽ tự đưa ra tín hiệu về cách phản ứng.

Việc phân tích môi trường xung quanh và điều chỉnh tư duy, hành động cho phù hợp chính là bản năng của não bộ, giúp chúng ta tiết kiệm, bảo toàn năng lượng trí tuệ để dành cho những vấn đề khác quan trọng hơn.

Kết luận cuối cùng rút ra được là: Tâm trí của con người hoàn toàn không hoạt động cô lập hay tách biệt với thế giới bên ngoài. Ngược lại, nó liên tục thu thập thông tin về môi trường xung quanh, tìm kiếm các manh mối, đặc điểm và sử dụng những dữ liệu này để lựa chọn cách thức phản ứng hợp lý. Hay nói cách khác, địa điểm mà chúng ta đang ở, đang xuất hiện sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của chúng ta.

Nào, bạn hãy thử nhìn một vòng xung quanh. Không gian này khiến bạn cảm thấy như thế nào?

Ron Friedman/Bách Việt Books – NXB Thanh Hoá

Bình luận

SÁCH HAY