Sau Hồ sơ Panama và Paradise, thế giới mờ ám của ngành tài chính offshore (hay còn gọi là công ty ngoại biên - loại công ty đăng ký, hoạt động tại nước ngoài) một lần nữa đã bị phanh phui nhờ nỗ lực của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ).
Với tên gọi Hồ sơ Pandora, cuộc điều tra mới nhất của ICIJ đã làm sáng tỏ hàng nghìn công ty offshore được một số người giàu có và quyền lực bậc nhất thế giới dựng lên để che giấu của cải.
Tuy việc sử dụng công ty offshore vẫn có một số mục đích chính đáng, cuộc điều tra lần này là lời nhắc nhở rằng giới quyền lực của thế giới không tuân theo những luật lệ giống với người dân thường, The Age nhận định.
Quy mô vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora. Đồ họa: BBC. |
Tìm tới hệ thống tài chính offshore vì sự riêng tư
Theo Washington Post, trong hệ thống tài chính offshore, công dân ở một nước có thể trả tiền cho nhà cung cấp dịch vụ tài chính để lập ra các công ty hay chủ thể pháp lý ở nước khác (còn gọi là hải ngoại).
Những chủ thể này có thể giữ hộ tài sản cho khách hàng, như du thuyền, máy bay, biệt thự, tiền mặt và thậm chí cả cổ phần.
Đa số người dân sẽ phải chịu sự ràng buộc của quy định pháp luật tại quốc gia nơi mình sinh sống. Nhưng hệ thống tài chính offshore cho phép người giàu tận dụng quy định pháp luật của các nước khác, dù những người này không sống ở đó.
Tuy có nhiều hình thức khác nhau như quỹ ủy thác, công ty holding và công ty bình phong, những chủ thể như trên đa số đều hoạt động theo cùng một nguyên lý: Chúng thường được tổ chức sao cho danh tính người thụ hưởng, nguồn gốc tài sản, và chính cả sự tồn tại của tài sản ấy được che đậy.
Chẳng hạn, hình thức quỹ ủy thác thường gồm ba bên: Bên lập ủy thác, bên nhận ủy thác và bên thụ hưởng. Bên lập ủy thác sẽ chuyển tài sản có giá trị cho bên nhận ủy thác, bên nhận ủy thác sau đó sẽ quản lý tài sản ấy để phục vụ lợi ích của bên thụ hưởng.
Quốc vương Abdullah II của Jordan được cho là đã che giấu khối tài sản trị giá 100 triệu USD trong hàng thập kỷ qua. Ảnh: Reuters. |
Ví dụ, một người ông giàu có có thể lập quỹ ủy thác cho cháu. Người quản lý quỹ ủy thác này sẽ trợ cấp cho người cháu một khoản tiền mỗi tháng, thay vì chuyển toàn bộ số tiền thừa kế trong một lần.
Nhưng không phải quỹ ủy thác nào cũng đơn giản như vậy. Mỗi bên tham gia vào quan hệ ủy thác có thể là cá nhân, tổ chức hoặc công ty. Tài sản trong quỹ có thể là tiền mặt, bất động sản, cổ phần hoặc tác phẩm nghệ thuật… Mỗi quỹ cũng có thể có quy tắc hoạt động khác nhau.
Chính sự linh hoạt ấy tạo điều kiện cho hành vi lạm dụng. Tại một số bang Mỹ, luật sư và các công ty ủy thác, với sự hậu thuẫn từ các nhà lập pháp có thái độ thân thiện với lĩnh vực này, đã lập nên những quỹ ủy thác tinh vi để che chắn tài sản khỏi cơ quan thuế, chủ nợ và điều tra viên.
Theo Washington Post, thứ mà hệ thống tài chính offshore cung cấp cho các khách hàng tiềm năng là sự riêng tư. Thông qua các công ty tài chính offshore, giới nhà giàu sẽ có trong tay phương pháp giữ tiền kín đáo hơn so với những tổ chức tài chính trong nước.
Lý do một người lập tài khoản hoặc công ty offshore ở thiên đường thuế hiếm khi được nêu ra trong tài liệu của Hồ sơ Pandora. Ngay cả trong văn bản nội bộ, một số công ty offshore cũng không đề cập đầy đủ danh tính chủ tài sản mà chỉ dùng tên viết tắt hoặc cụm “người thụ hưởng”.
(Từ trái sang) Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Vua Abdullah II của Jordan, Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis, Tổng thống Chile Sebastián Piñera là những lãnh đạo có tên trong Hồ sơ Pandora. Ảnh: Washington Post. |
Không phi pháp nhưng dễ bị lạm dụng
Các nhà cung cấp dịch vụ tài chính offshore thường được thành lập phù hợp với quy định pháp luật nước sở tại. Nhưng một số khách hàng đã sử dụng dịch vụ của những nhà cung cấp này một cách phi pháp, theo Washington Post.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc danh sách thiên đường thuế thường soạn thảo những điều luật đem lại nhiều lợi ích cho công dân nước khác lập tài khoản tại đây, như sự riêng tư và mức thuế thấp hoặc bằng không.
Một người có tài khoản ở nước ngoài vẫn có thể bị nhà chức trách trong nước yêu cầu nộp thuế. Tuy nhiên, nhà chức trách trong nước thường khó có thể phát hiện người này có tài khoản ở nước ngoài hay không hoặc tài khoản ấy có hoạt động trái phép hay không. Nguyên nhân nằm ở sự thiếu hợp tác của chính phủ sở tại.
Tài liệu bị rò rỉ trong Hồ sơ Pandora nhắc rất nhiều tới việc các cơ quan điều tra khắp thế giới từng gửi đi yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản ở nước ngoài, nhưng một số yêu cầu phải mất nhiều năm mới được trả lời.
Các chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp tài chính offshore cần có thêm quy định giám sát, theo Washington Post.
Biển hiệu của hãng luật Mossack Fonseca, tâm điểm vụ rò rỉ dữ liệu khổng lồ Hồ sơ Panama vào năm 2016. Ảnh: Reuters. |
Nguyên nhân là hệ thống tài chính offshore có thể bòn rút tiền từ ngân khố quốc gia, khoét sâu thêm sự chênh lệch của cải, bảo vệ những người bị cáo buộc có hành vi sai trái trong khi tước đoạt cơ hội được bồi thường của nạn nhân.
Theo Washington Post, các nghiên cứu ước tính rằng giới siêu giàu của thế giới sở hữu phần lớn số tài sản trị giá hơn 1.000 tỷ USD trong tay các công ty offshore. Hơn 130 người trong danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes cũng xuất hiện trong Hồ sơ Pandora.
Trong số những tỷ phú này, một số người sở hữu tài sản bị nghi ngờ nguồn gốc. Một số tỷ phú bị khởi tố về tội trộm cắp tiền bạc hoặc tài nguyên thiên nhiên, trong khi số khác bị áp lệnh trừng phạt quốc tế vì có dính líu tới hoạt động tham nhũng chính trị.
Hợp tác xuyên biên giới
Theo The Age, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã dành ra hàng chục năm để dập tắt tình trạng trốn thuế. Nhưng dòng người nước ngoài đổ xô tới các đảo quốc nhỏ phần nào đã tạo ra thái độ phản kháng trước sức ép của nhà chức trách.
Thông qua việc miễn thuế hoặc giảm thuế xuống gần con số không, chính quyền những nơi có nền kinh tế phụ thuộc du lịch có thể biến nơi ấy trở thành thỏi nam châm thu hút người giàu có và nổi tiếng. Những người này sau đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và tạo thêm việc làm.
Vì việc này, các thiên đường thuế có thể sẽ có thái độ không bằng lòng trước yêu cầu ban hành quy định giám sát nghiêm ngặt hơn trên phạm vi toàn thế giới. Một số chính phủ thậm chí còn thẳng thừng từ chối tham gia các hiệp ước đa phương về chia sẻ thông tin.
Đáp trả, nhà chức trách quốc tế đã có động thái kết liên minh và dùng công nghệ để điều tra và triệt phá các đường dây trốn thuế quốc tế, thông qua kết hợp sử dụng nhân lực và phân tích dữ liệu nhằm tăng cường hợp tác xuyên biên giới.
Một ví dụ cho việc này là J5, nhóm hợp tác giữa Australia, Mỹ, Anh, Hà Lan và Canada được thành lập vào năm 2018. Năm 2020, J5 bắt đầu điều tra Ngân hàng châu Âu Thái Bình Dương - thực thể có trụ sở tại Puerto Rico, vùng lãnh thổ của Mỹ từng bị chỉ trích vì quy định tài chính lỏng lẻo.