Ngay sau khi Hồ sơ Pandora hé lộ tên của hàng loạt nhà lãnh đạo thế giới được cho là có tài sản thiếu rõ ràng ở nước ngoài, những phản ứng ban đầu đã nổi lên ở nhiều nước.
Những tiết lộ về cách chi tiêu bí mật, xa hoa của Quốc vương Abdullah của Jordan ngay lập tức chiếm lĩnh cuộc thảo luận trên mạng xã hội ở Jordan.
"Mua bằng tiền riêng"
Một số người Jordan đã nhanh chóng lên tiếng bênh vực nhà vua trên mạng xã hội, gọi những cáo buộc trong Hồ sơ Pandora là phỉ báng nhà vua. Những người khác chế giễu ông Abdullah về các báo cáo chi tiêu xa hoa, giấu giếm, theo Washington Post.
Người Jordan đã liên kết từ “Pandora” với từ “bandoora” trong tiếng Arab có nghĩa là cà chua, và hình ảnh của loại quả này đã nhanh chóng phổ biến trên các tài khoản Twitter, Facebook và Clubhouse của người Jordan.
Ông Abdullah trước đây đã tuyên bố cà chua, đặc biệt là món cà chua hầm mộc mạc của Jordan, là món ăn yêu thích của mình. "Tôi cá rằng qalayet bandoora không còn là món ăn yêu thích của ông ấy nữa", một người dùng mạng xã hội viết.
Những người ủng hộ gia đình hoàng gia đã chia sẻ các video về nhà vua trong nhạc nền là các bài hát yêu nước. "Chúng tôi sẽ không cho phép sâu mọt và rác rưởi tàn phá đất nước này", một người Jordan đã tweet. “Chúng tôi sẽ không trả lời về ‘cà chua’ hay bất cứ thứ gì khác”.
Vua Abdullah II được cho là đã che giấu khối tài sản trị giá 100 triệu USD trong hàng thập kỷ qua. Ảnh: Reuters. |
Đại sứ quán Jordan tại Washington từ chối bình luận về những tiết lộ của Hồ sơ Pandora. Trong khi đó các luật sư của nhà vua nói với BBC rằng toàn bộ tài sản được mua bằng tiền riêng.
Ở Cộng hòa Dominica, văn phòng Tổng thống Luis Abinader công khai bênh vực cho sự “minh bạch” của ông.
Ông Luis Abinader được Hồ sơ Pandora liệt kê nằm trong số 14 nhà lãnh đạo thế giới có tài sản trong hệ thống tài chính không rõ ràng giúp họ tránh khỏi các khoản thuế.
“Thông tin do Washington Post và Elpais thu thập công nhận sự minh bạch của Tổng thống Luis Abinader khi lưu ý rằng tuyên bố tuyên thệ tài sản của ông bao gồm tất cả công ty nước ngoài được ông quản lý dưới sự ủy thác của gia đình”, phát ngôn viên Homero Figueroa đã viết trên Twitter bằng tiếng Tây Ban Nha.
(Từ trái sang) Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Vua Abdullah II của Jordan, Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis, Tổng thống Chile Sebastián Piñera. Ảnh: Washington Post. |
Tại Chile, sau khi Hồ sơ Pandora liệt kê tên Tổng thống Sebastián Piñera trong danh sách của họ, văn phòng của ông đã đưa ra một tuyên bố phủ nhận việc ông tham gia bán Minera Dominga, một dự án khai thác mỏ từng bị chỉ trích vì những ảnh hưởng đến môi trường.
“Các tình tiết nói trên liên quan đến việc bán Minera Dominga đã được văn phòng công tố và tòa án điều tra sâu vào năm 2017, và văn phòng công tố đã đề nghị chấm dứt vụ án vì không có dấu hiệu phạm tội, tuân thủ pháp luật và thiếu sự tham gia của Tổng thống Sebastián Piñera trong hoạt động nói trên”, theo tuyên bố bằng tiếng Tây Ban Nha.
“Tổng thống đã không tham gia điều hành bất kỳ công ty nào trong hơn 12 năm, trước khi nhậm chức tổng thống”.
"Phơi bày sự giàu có bất chính của giới tinh hoa"
Tại Pakistan, Thủ tướng Imran Khan cam kết điều tra “tất cả các công dân của chúng tôi được đề cập trong Hồ sơ Pandora, và nếu có bất kỳ hành vi sai trái nào được xác định, chúng tôi sẽ thực hiện hành động thích hợp".
Ông kêu gọi các thành viên trong chính phủ nước này có tên trong Hồ sơ Pandora từ chức. Ông Khan đăng trên Twitter, lặp lại các tuyên bố chống tham nhũng trong chiến dịch tranh cử của mình.
Thủ tướng Imran Khan đối mặt với những lời kêu gọi từ chức sau tiết lộ bom tấn của Hồ sơ Pandora. Ảnh: Guardian. |
Vị lãnh đạo chỉ trích “giới tinh hoa cầm quyền của thế giới đang phát triển”, những người mà ông cho rằng đang góp phần gây ra hàng nghìn cái chết liên quan đến nghèo đói.
Thủ tướng Imran Khan cho biết chính phủ của ông hoan nghênh Hồ sơ Pandora vì đã "phơi bày sự giàu có bất chính của giới tinh hoa" và cho rằng bất bình đẳng kinh tế toàn cầu nên được coi là một cuộc khủng hoảng tương tự biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, ông Ahsan Iqbal - tổng thư ký của Liên đoàn Hồi giáo Pakistan trung hữu - đã kêu gọi Thủ tướng Imran Khan từ chức vào ngày 3/10 sau vụ việc Hồ sơ Pandora, đài truyền hình Dunya News đưa tin.
Các tài liệu không cho thấy bản thân ông Khan sở hữu các công ty nước ngoài, nhưng tiết lộ chi tiết sở hữu nước ngoài của các cộng sự nổi tiếng của ông, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Shaukat Fayaz Ahmed Tarin và con trai của cựu cố vấn tài chính của Khan, Waqar Masood Khan.
Chúng cũng cho thấy các giao dịch ra nước ngoài của Arif Naqvi, một nhà tài trợ hàng đầu cho đảng của ông Khan.
Tại Cộng hòa Czech, Thủ tướng Andrej Babis cũng có tên trong hồ sơ. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng bản thân không làm gì “bất hợp pháp hoặc sai trái”.
Thủ tướng Andrej Babis ngày 3/10 nói rằng những tiết lộ của Hồ sơ Pandora về ông là một phần của nỗ lực nhằm “tác động đến cuộc bầu cử ở Czech”.
Các tài liệu được tiết lộ hôm 3/10 cho thấy vào năm 2009, ông đã mua một lâu đài trị giá 22 triệu USD gần Cannes, Pháp, sử dụng các công ty vỏ bọc che giấu danh tính của chủ sở hữu mới, theo Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ).