Apple là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất toàn cầu hiện nay. iPhone, iPad, Apple Watch, AirPods đều là những sản phẩm chiếm thị phần áp đảo trên thị trường công nghệ. Tầm vóc và mức độ nổi tiếng của Apple không có gì phải bàn cãi.
Tuy nhiên, ở phía sau, gã khổng lồ xứ Cupertino cũng có những mặt tối nhất định. Nhiều vấn đề đã xuất hiện từ lâu, cần phải được khắc phục nhưng vẫn tiếp tục tồn tại. Theo Make Use Of, dưới vẻ bề ngoài sáng bóng, có nhiều thứ đang dần mục nát bên trong Apple.
Cản trở người dùng can thiệp vào thiết bị
Từ lâu, Apple công khai việc hạn chế sửa chữa thiết bị. Họ chỉ cho phép người dùng mang iPhone đến sửa ở 2 nơi, hoặc Apple Store hoặc đại lý ủy quyền chính thức. Không giống ngành công nghiệp xe hơi, bán phụ tùng rộng rãi cho cửa hàng sửa chữa bên thứ 3, thế giới công nghệ có thể xem như khu vườn "kín cổng cao tường".
Apple từ chối bán linh kiện iPhone ra bên ngoài. Vì vậy, mỗi khi máy hỏng, cần thay thế linh kiện chính hãng, giải pháp duy nhất là mang đến Apple Store hoặc các cửa hàng ủy quyền.
Người dùng khó sửa iPhone ở bên ngoài hệ thống của Apple. Ảnh: Makeuseof. |
Chính sách này vấp phải phản ứng gay gắt từ người dùng và các doanh nghiệp khác, kéo theo hành động kiện tụng pháp lý.
Cuối cùng, Apple phải nhượng bộ. Từ năm 2021, công ty bắt đầu bán bộ dụng cụ sửa chữa và linh kiện trực tiếp cho người dùng. Tuy nhiên, để có thể tự sửa iPhone, bạn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Rõ ràng Apple không muốn bất kỳ ai can thiệp vào thiết bị do họ bán ra và chỉ miễn cưỡng đồng ý khi vấp phải sự phản đối quá lớn, cũng như sự can thiệp từ các cơ quan lập pháp.
Góc khuất tại nhà máy lắp ráp
Nhiều thương hiệu lớn, kể cả Nike hay H&M, đều từng dính đến cáo buộc bóc lột lao động tại các đơn vị gia công. Apple là một doanh nghiệp tự nhìn nhận có ý thức xã hội cao, nhưng những gì đã diễn ra tại nhà máy lắp ráp thiết bị của họ lại cho thấy điều trái ngược. Phía sau vẻ hào nhoáng được quảng bá rộng rãi là những góc khuất đáng sợ.
Vào năm 2017, Tech Insider chia sẻ câu chuyện của Dejian Zeng, một sinh viên đại học làm việc chui trong một nhà máy sản xuất iPhone ở Thượng Hải. Là một công nhân trong dây chuyền lắp ráp, anh phải làm việc 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần và nhận mức lương hàng tháng tương đương 450 USD.
Nhiều nhà máy gia công sản phẩm cho Apple có môi trường làm việc độc hại. Ảnh: Makeuseof. |
Trong thời gian làm việc tại đây, Zeng phải sống trong điều kiện đông đúc và chật chội. 8 người bị dồn chung vào một phòng ngủ và hơn 200 người dùng chung phòng tắm. Anh nhìn thấy lưới ở cầu thang, cửa sổ có rào chắn để ngăn công nhân tự tử vì quá áp lực.
Trước đó, vào năm 2010, The Guardian đưa tin về một loạt vụ tự tử tại nhà máy ở Thâm Quyến, Trung Quốc, nơi được mệnh danh là "Thành phố iPhone".
Mặc dù Apple không phải là công ty duy nhất vướng vào cáo buộc hoạt động quá mức và bóc lột sức lao động của công nhân, sự việc này cho thấy những chính sách tiến bộ của họ không mang nhiều ý nghĩa thực tế.
Mối bận tâm đến môi trường
Năm 2020, Apple gây tranh cãi với quyết định bán iPhone không kèm củ sạc và tai nghe. Trước làn sóng phản đối của người dùng, công ty giải thích rằng việc này sẽ giúp giảm thiểu rác thải điện tử.
Tuy nhiên, sau khi iPhone 12 ra mắt, tất cả điện thoại mới của Apple đều bán kèm với cáp USB-C to Lightning thay vì cáp USB-A to Lightning cũ hơn. Loại cáp mới cung cấp tốc độ sạc nhanh hơn, nhưng nó không tương thích với 2 tỷ bộ sạc iPhone đã có trên thị trường, đồng nghĩa với việc nhiều người dùng đã phải mua một bộ sạc mới.
Câu hỏi lớn xung quanh tuyên bố bảo vệ môi trường của Apple. Ảnh: Makeuseof. |
Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu quyết định của Apple có thực sự nhằm cứu vãn môi trường hay chỉ là một cách để tăng tỷ suất lợi nhuận.
Một mâu thuẫn điển hình khác cũng tồn tại từ nhiều năm qua. Trong khi muốn thể hiện ý thức bảo vệ môi trường, phần lớn thiết bị của Apple đều không thể nâng cấp, rất khó sửa. Điều này khiến cho người dùng có xu hướng loại bỏ thiết bị cũ thay vì sửa chữa chúng, góp phần gia tăng lượng rác thải điện tử trên toàn cầu.
Ưu tiên lợi nhuận hơn khách hàng
Apple từng bị chỉ trích vì ưu tiên lợi nhuận hơn khách hàng. Có thể nhiều người không biết, công ty này thu 30% đối với hầu hết giao dịch mua hàng trên App Store.
Điều đó có nghĩa là khoảng 1/3 số tiền người dùng bỏ ra sẽ không đến tay nhà phát triển ứng dụng, thay vào đó, đi thẳng vào túi của Apple. Đây là tỷ lệ hoa hồng cao hơn đa số nền tảng kinh doanh kỹ thuật số khác.
Thay vì lắng nghe người dùng, Apple tìm cách tối ưu hóa lợi nhuận. Ảnh: Makeuseof. |
Fortnite là một trong những tựa game phổ biến nhất hành tinh, có hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới. Tuy nhiên, nó hiện không có trên App Store. Từ năm 2020, Apple đã xóa Fortnite khỏi kho ứng dụng vì nhà phát triển đưa thêm phương thức thanh toán khác, nằm ngoài sự kiểm soát của họ.
Apple cũng muốn áp đặt những gì khách hàng có thể mua hay không trên hệ sinh thái của họ. Do đó, Microsoft và Google vẫn chưa thể đưa nền tảng trò chơi đám mây lên App Store vì những quy định nghiêm ngặt đối với việc mua hàng.
Hệ sinh thái bó buộc
Theo số liệu của SensorTower, người dùng iPhone ở Mỹ chi trung bình 138 USD cho các ứng dụng vào năm 2020, nhiều hơn 38% so với năm trước. Nếu là fan trung thành với hệ sinh thái của Apple, chắc hẳn người dùng đã tốn kém không ít. Trong khi đó, nếu chuyển sang Android hoặc một nền tảng khác, chi phí này sẽ giảm đi rất nhiều.
Người dùng khó thoát khỏi hệ sinh thái Apple. Ảnh: Makeuseof. |
Ngay cả phần mềm chuyên nghiệp của Apple cũng được thiết kế để khóa người dùng vào hệ sinh thái. Apple bán các chương trình như Final Cut Pro X và Logic Pro X với mức thấp hơn so với đối thủ, nhưng vì chúng chỉ tương thích với máy Mac nên bạn chỉ có quyền truy cập khi là người dùng Apple.
Trong thế giới công nghệ ngày càng phát triển nhanh chóng, các thiết bị được kết nối liền mạch hơn. Apple có hầu hết sản phẩm để tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh, một mặt mang đến trải nghiệm trơn tru cho khách hàng, nhưng mặt khác cũng khiến người dùng không thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của họ.
Văn hóa doanh nghiệp khắt khe
Mặc dù được ca ngợi là một doanh nhân và nhà sáng tạo thiên tài, Steve Jobs cũng được biết đến là một nhà quản lý cực kỳ khắt khe với một cá tính mạnh mẽ. Sau khi Jobs đã qua đời vào năm 2011, phần lớn văn hóa công ty mà ông tạo ra vẫn tiếp tục tồn tại.
Văn hóa doanh nghiệp của Apple không thân thiện như nhiều người nghĩ. Ảnh: Makeuseof. |
Vào tháng 5, Vice đăng một bản ghi nhớ nội bộ bị rò rỉ, được gửi đến các nhà quản lý Apple Store, nội dung xoay quanh cách thức ngăn cản hoạt động công đoàn trong bộ phận nhân viên.
Các nhân viên Apple cũng khó ý kiến với cấp trên về những quyết định bị nhiều người phản đối. Vào tháng 4, công ty thông báo kết thúc chính sách cho phép làm việc từ xa kéo dài 2 năm, yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng. Trong khi đó, nhiều gã khổng lồ công nghệ khác tiếp tục kéo dài thời gian làm việc từ xa, thậm chí không đưa ra thời hạn cụ thể.
Quyết định có phần độc đoán của lãnh đạo Apple khiến nhiều lập trình viên và nhân sự cấp cao đệ đơn xin thôi việc. Kế hoạch này chỉ hoãn lại khi Covid-19 tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây tại Mỹ.