Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Mặt tích cực và cơ hội phá vỡ bế tắc đàm phán Mỹ - Triều

Dường như điểm bất đồng trong cuộc đàm phán là tiến trình phi hạt nhân hóa và các biện pháp trừng phạt. Làm thế nào để phá vỡ sự bế tắc đó?

thuong dinh My Trieu anh 1

Mặt tích cực và cơ hội phá vỡ bế tắc đàm phán Mỹ Triều

Dường như điểm bất đồng trong cuộc đàm phán là tiến trình phi hạt nhân hóa và các biện pháp trừng phạt. Làm thế nào để phá vỡ sự bế tắc đó?

thuong dinh My Trieu anh 2

thuong dinh My Trieu anh 3

Michael MacArthur Bosack

Chuyên gia Quan hệ Chính phủ

Michael MacArthur Bosack là cố vấn đặc biệt về Quan hệ Chính phủ tại Hội đồng Yokosuka về Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương. Bosack từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Quan hệ Chính phủ tại của Không quân Mỹ tại Nhật Bản và từng là cựu quân nhân chiến đấu ở Afghanistan.

Trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, phần lớn những dự đoán đều hướng đến 4 điều: tuyên bố kết thúc chiến tranh, thành lập văn phòng đại diện ở Bình Nhưỡng (cũng có thể là Washington D.C); Triều Tiên “hy sinh” tổ hợp hạt nhân Yongbyon để đổi lấy sự dỡ bỏ cấm vận; hai bên tiếp tục hợp tác đưa binh sĩ trong chiến tranh Triều Tiên hồi hương.

Tuy vậy những gì mà chúng ta thấy sau ngày họp cuối cùng chỉ là bàn tiệc trưa trống vắng, lễ ký kết bị hủy bỏ và buổi họp báo chỉ có một nguyên thủ tham dự thay vì hai.

Hẳn là lúc này nhiều người bắt đầu suy đoán về mối nguy từ việc không có thỏa thuận được đưa ra. Một số lo lắng quan hệ ngoại giao của hai nước sẽ rơi vào bế tắc, khó có thể hóa giải được. Nhiều người lại đặt ra câu hỏi nỗ lực ngoại giao này liệu có đáng?

Tuy nhiên, không có thỏa thuận lại có mặt tích cực của nó.

Trong hai ngày tại Hà Nội, Mỹ và Triều Tiên đã có cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình một cách rõ ràng. Thay vì đẩy nhanh tiến trình đàm phán để tạo ra những thành phẩm chắp vá, hai bên cùng ngồi xuống nói chuyện với nhau ở cấp sự vụ để tìm ra những điểm đồng thuận chung. Có thể đối với một số người, đây là sự thất bại về mặt ngoại giao nhưng thực sự nó là thắng lợi trong tiến trình.

Chừng nào Triều Tiên vẫn cần đến bàn đàm phán để giảm nhẹ cấm vận, chính quyền chủ tịch Kim sẽ không làm những việc nguy hại đến vị thế của mình.

Kết quả của hội nghị hiển nhiên thu được những phản ứng trái chiều từ các nước trong khu vực.

Hàn Quốc hẳn sẽ vô cùng thất vọng. Chính quyền tổng thống Moon Jae-in luôn muốn đẩy nhanh các dự án liên Triều nhưng một mặt vẫn tuân thủ các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên. Tổng thống Moon giờ đây có rất ít sự lựa chọn, ngoài việc tiếp tục đóng vai trò điều phối viên giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ. Chúng ta có quyền hy vọng rằng nếu khả năng về một sự đột phá quan hệ giữa hai bên Mỹ - Triều càng ít, Hàn Quốc sẽ càng kiên quyết hơn trong việc thúc đẩy các quyết sách ngoại giao, thậm chí có thể đưa ra những nhượng bộ đơn phương lớn hơn cho Triều Tiên.

Mặt khác, với Nhật Bản, khi chính sách gia tăng sức ép tối đa với Triều Tiên chưa được xóa bỏ hoàn toàn, kết quả tại Hà Nội lại có thể khiến thủ tướng Shinzo Abe nở nụ cười. Chính quyền Abe vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh sự cần thiết của việc duy trì áp lực với Triều Tiên. Quyết định của Mỹ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt khi không có sự nhượng bộ thỏa đáng từ phía Triều Tiên là sự đảm bảo cho việc duy trì áp lực với Bình Nhưỡng mà chính quyền Abe hướng tới. Và nó có lẽ sẽ tiếp tục tồn tại đến khi Chủ tịch Kim Jong-un tiến hành cải cách. Tuy nhiên, đặt trong hoàn cảnh Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục lôi kéo Triều Tiên về mặt ngoại giao, Nhật Bản cũng sẽ mở đường dây đối thoại với Triều Tiên để giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung cũng như việc nước này bắt giữ công dân Nhật.

Sau mỗi cuộc gặp bế tắc sẽ luôn có một bên chủ động đứng ra, tiếp tục mời đàm phán. Nhưng điều này cần thời gian. Chúng ta phải chờ.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga đều mong chờ cấm vận được dỡ bỏ và tuyên bố chấm dứt chiến tranh được đưa ra. Hai nước đã nhiều lần kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt và thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét sửa đổi các biện pháp liên quan đến vấn đề Triều Tiên. Khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều trì hoãn hành động nhằm giải quyết khó khăn trên bán đảo Triều Tiên, điều quan trọng là phải quan sát Nga và Trung Quốc phản ứng thế nào với quyết định giữ vững lệnh trừng phạt của Mỹ

Ít nhất, các bên trong khu vực vẫn có thể mong đợi về việc giữ nguyên hiện trạng an ninh trong và xung quanh bán đảo Triều Tiên. Chừng nào Triều Tiên vẫn cần đến bàn đàm phán để giảm nhẹ cấm vận, chính quyền chủ tịch Kim sẽ không làm những việc nguy hại đến vị thế của mình.

Điều đó có nghĩa là những hành động như thử hạt nhân hay phóng tên lửa ít nhất sẽ không tái diễn. Cùng lúc, chính phủ Mỹ sẽ vẫn mở con đường ngoại giao với Triều Tiên bởi chi phí chiến tranh sẽ rất đắt đỏ. Giải quyết bằng quân đội cũng không phải con đường Mỹ và Triều Tiên chọn lựa.

Và giờ câu hỏi đặt ra là những gì sẽ chờ đợi ở phía trước?

Hai bên cần tập trung vào lợi ích cốt lõi có thể đạt được hơn là vị thế cứng nhắc và chấp nhận xây dựng, củng cố trong thời gian dài thay vì chiến thắng vang dội thông qua cuộc gặp ngoại giao.

Sau mỗi cuộc gặp bế tắc sẽ luôn có một bên chủ động đứng ra, tiếp tục mời đàm phán. Nhưng điều này cần thời gian. Chúng ta phải chờ. Thực tế, cho đến nay, cả Mỹ và Triều Tiên chưa bên nào khẳng định thỏa thuận đã hoàn tất hay thỏa thuận không thể đạt được, chỉ là chưa thể ký kết ngay bây giờ mà thôi. Tóm lại, không bên nào muốn chiến tranh vũ trang nhưng cả hai cần thời gian, gắn kết thêm về mặt ngoại giao để tìm được sự đồng thuận chung.

Dường như điểm bất đồng trong cuộc đàm phán là tiến trình phi hạt nhân hóa và các biện pháp trừng phạt. Câu hỏi được đặt ra là: làm thế nào để phá vỡ sự bế tắc đó?

Hai bên cần sáng tạo trong việc tạo dựng vị thế của mình phù hợp với lợi ích trên bàn đàm phán. Ví dụ về phía Mỹ, buộc Triều Tiên trở thành quốc gia có trách nhiệm là mục tiêu cơ bản, đương nhiên vẫn cần thêm những nhượng bộ để tháo gỡ hai điểm bất đồng trên. Còn đối với Triều Tiên, chính quyền được công nhận và phát triển kinh tế là những ưu tiên hàng đầu - nhưng gỡ bỏ cấm vận không phải là con đường duy nhất để đạt được những mục tiêu đó.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội khép lại nhưng cả hai nước vẫn còn cơ hội tái lập các cuộc đàm phán ở cấp sự vụ để tạo ra các giải pháp bền vững, lâu dài mà các hội nghị ngoại giao khó có thể đạt được.

Nếu cả Mỹ và Triều Tiên đều giữ những kênh ngoại giao mở, hy vọng chắc chắn vẫn còn.

thuong dinh My Trieu anh 4

#VOICES là chuyên mục mới của Zing.vn, quy tụ các bài quan điểm, góc nhìn sâu về chủ đề thời sự nóng. Các bài viết hướng tới sự khác biệt, văn minh, và lập luận dựa trên dữ liệu, chứng cứ.


Michael MacArthur Bosack

Illustration: Duy Nguyễn
Biên dịch: Hà Phương

Bạn có thể quan tâm