Năm ngày kể từ khi xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà, đến chiều 17/8, người dân ở nhiều khu vực thủ đô như phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm), phường Ô Chợ Dừa, phường Láng Hạ (quận Đống Đa)… vẫn chật vật trong cảnh thiếu nước sạch.
Ông Nguyễn Đức Biên (72 tuổi, tổ 1, phường Phú Diễn) cho biết, ngày 13/8 tổ dân phố nhận được thông báo tạm dừng cung cấp nước sạch do sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà. Đơn vị chủ quản có báo sẽ cấp nước trở lại. Tuy nhiên, năm ngày nay toàn bộ tổ dân phố không được bơm giọt nào.
Chỉ tay vào chiếc máy bơm mới mua giá 3,1 triệu đồng, ông Biên cho biết, cả khu phố có vài giếng khoan. Các hộ thay phiên nhau dùng máy bơm về bể lọc nhưng giếng khoan luôn trong tình trạng trơ đáy. Hầu hết, các hộ phải mua nước bình (loại 20 lít) với giá 18.000 đồng/bình về nấu ăn.
"Gia đình tôi có 8 người. Nguồn nước giếng khoan rất ít. Nước được ưu tiên cho hai cháu nhỏ. Ngoài nấu ăn dùng nước bình, mọi sinh hoạt như tắm, giặt đều mang ra quán cách nhà vài km", ông Biên kể.
Lo lắng về tình trạng này kéo dài, một số hộ mua nước dịch vụ với giá 800.000 đồng/2 m3. Những nhà còn lại dùng tạm giếng khoan, nước vét từ bể chờ.
Người dân tại phường Phú Diễn phải bơm nước giếng khoan để sử dụng. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Trong khi tại tổ dân phố ngõ 77 Vũ Ngọc Phan (Đống Đa), năm ngày nay nước thiếu nhưng người dân không hề nhận được bất cứ thông báo nào từ đơn vị cung cấp.
Chị Trần Thu Giang (29 tuổi) trú ngõ 25 bức xúc, nước sạch mất 5 ngày vẫn chưa được bơm trở lại. Hàng ngày, ngoài thời gian đi làm, vợ chồng chị thay phiên nhau đi xách nước giếng khoan về dự trữ tắm cho con nhỏ và mua nước bình về nấu cơm. Còn hai vợ chồng phải thay nhau sang nhà người thân ở Ba Đình tắm nhờ.
“Thiếu nước, mọi sinh hoạt trong gia đình đảo lộn, chi phí sinh hoạt cũng tăng cao. Trong năm ngày, tiền mua nước sinh hoạt lên tới 500.000 đồng", chị Giang nói.
Sau nhiều lần phản ánh, chiều 16/8, Xí nghiệp cấp nước sạch quận Đống Đa dùng xe chở nước tới. Tuy nhiên, mỗi lần xe chở được 2 m3, mỗi hộ xếp hàng chỉ được 1-2 xô (khoảng 30 lít). Nhiều người xách xô về không.
Ngoài ra, các điểm khu tập thể D2, tổ 57, phường Ô Chợ Dừa, ngõ 16 Hoàng Cầu, phường Láng Thượng (Đống Đa), ngõ 20 phường Mỹ Đình (Nam Từ Liêm)… cũng trong cảnh ngộ tương tự.
Chỉ cung cấp được 30% nhu cầu sử dụng
Chiều 17/8, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty CP nước sạch sông Đà (Vina Supco) cho biết, sau khi khắc phục sự cố vỡ đường ống nước, áp lực đo được ở điểm cuối ống tại vành đai 3 là 1,5-1,6 kg. Hiện đường ống nước sạch sông Đà chỉ cung cấp được khoảng 30% nhu cầu cho người dân Hà Nội so với ngày thường.
Ông Tốn cũng cho biết, đến tháng 10, sẽ khởi công xây dựng đường ống nước sạch sông Đà giai đoạn 2 (trên đại lộ Thăng Long) - là đoạn thường xuyên xảy ra sự cố. Dự kiến đến khoảng tháng 5/2016 sẽ hoàn thành, khi đó nguồn nước cấp cho người dân Hà Nội ổn định hơn.
Sự cố vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà là nguyên nhân khiến hàng nghìn hộ dân thủ đô khốn đốn. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nước sạch Viwaco cho hay, trước khi xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước, đơn vị do áp lực nước là 1,8 kg; đến ngày 17/8 còn khoảng 1,5-1,6 kg (giảm hơn so với bình thường).
Lý giải về nguyên nhân nhiều khu dân cư vẫn chưa có nước sạch, ông Việt cho biết, do sự cố kéo dài, nhu cầu sử dụng nước của người dân cũng tăng đột biến. Bên cạnh đó, các bể dự trữ của những hộ đầu nguồn đều dùng hết, cần phải có thời gian để chảy đầy.
Do đó, những hộ ở cuối nguồn phải mất chừng 2 ngày nữa mới có nước trở lại như bình thường. "Chúng tôi cũng khắc phục bằng cách cấp nước luân phiên, mỗi khu vực cấp vài giờ/ngày để phân phối đều cho bà con”, ông Việt nói.