Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mật ngọt vải thiều trên đất Tây Nguyên

Trong khi hàng nghìn nhà vườn phía Bắc lo đến mất ăn, mất ngủ về đầu ra mùa vải, trên Tây Nguyên, những vườn quả này đã được tư thương các tỉnh phía Nam lên chốt giá xong.

Mật ngọt trên đất nóng

Trường Xuân (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) là một xã nghèo, thưa dân, nằm bên quốc lộ 14, từng gắn liền với hàng loạt vụ án tranh chấp đất đai, phá rừng, chém giết kinh hoàng vì đá đỏ, saphia. Vậy mà bây giờ, nhiều người tìm đến Trường Xuân chỉ để nếm hương vị vải thiều chín sớm.

Là dân buôn bán ở vùng Nhà Bè ngoại thành Sài Gòn, vào tuổi xế chiều, ông Nguyễn Văn Nuôi bỗng hứng thú tìm hiểu về lợi nhuận đáng kể từ những giống vải nghịch mùa. Để lại cơ ngơi cho các con, ông bà lên Đắk Nông, đến thôn 2 xã Trường Xuân mua đất trồng vải.

Ông Nuôi kể: Năm 2004, tôi trồng 180 gốc vải. Bông nó trổ trắng cành, mà trái hổng đậu. Tầm sư học đạo nhiều nơi, tôi mới biết cách điều khiển cho cây ra hoa đậu trái đúng quy trình. Năm rồi tôi thu được 17 tấn trái. Năm nay khoảng chục ngày nữa thương lái lên mua chở về Sài Gòn, chớ quanh vùng ai ăn cho hết?!

Ông Quốc hướng dẫn người thu mua cách cắt vải.

Ông Quốc hướng dẫn người thu mua cách cắt vải.

Để được công nhận là người thông thạo kỹ thuật thâm canh vải nhất tỉnh Đắk Nông như bây giờ, anh Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1980 ở thôn Nam Xuân, xã Nam Đà huyện Krông Nô cũng thất bại lắm phen. Vườn của anh hiện có hơn 400 cây vải 11 tuổi, mỗi vụ hái trên dưới 28 tấn trái, được thương lái mua bao trọn vườn giá 33.000 đồng/kg. Cộng thêm bán cây giống, gia đình anh thu nhập bạc tỷ.

Ở Lâm Đồng, ông Nguyễn Đình Đãi là một trong những người đầu tiên đưa giống vải thiều từ quê cũ Việt Yên- Bắc Giang vào trồng thử nghiệm ở thôn Tân Tiến, xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông. Từ 3 cây vải đợt đầu mà ông trồng xen trong vườn cà phê mới tới năm thứ ba đã ra hoa, kết quả, trái to, cùi dày, chín sớm rất được giá. Ông chiết cành nhân giống bạt ngàn. Đầu tháng 5/2015, vườn vải ông Đãi chín rộ, được người ta mua nguyên vườn đóng thùng đưa đi. 

Gần nhà ông Đãi, vườn vải của anh Dương Doãn Thắng cách quốc lộ 27 khoảng 2 km, chín muộn hơn khoảng chục ngày. Anh Thắng khoe cây vải ông Đãi tặng “kỷ niệm làng xóm”, dù anh chỉ trồng kiểu “hoang dã” cũng đã cho 30 kg quả, ra chợ bán 35.000 đồng/kg, họ sang tay cho khách 50.000 đồng/kg. Sang năm anh sẽ có gần 100 cây cho thu hoạch.

Ở Đắk Lắk, diện tích trồng vải lan rộng dần ra nhiều huyện, từ Ma Đrắk đến Ea Kar, Krông Pắk, Krông Năng, Krông Buk, Krông Ana, Ea Hleo… Chín sớm hơn cả, vườn vải của ông Nguyễn Duy Tiên xã Ea Kly huyện Krông Pắk được thương lái mua hết từ đầu tháng 5 để phục vụ đại gia và du khách xứ biển Vũng Tàu. Ông Vũ Trọng Luyến ở phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ năm nay có 3 ha vải chín giữa tháng 5, dự kiến tổng thu không dưới 2 tỷ đồng.

Ông Quốc tỉ mỉ nghiên cứu quả vải.

Ông Quốc tỉ mỉ nghiên cứu quả vải.

Chín sớm, quả to tròn tươi đẹp, vị ngọt thanh, thoảng tí chua giòn thơm ngon, tất cả các vườn vải tháng 5 trên Tây Nguyên đều được thương lái lùng tận nơi mua hết. Thâm canh đúng kỹ thuật, dăm bảy mùa sau đợt trái bói đầu tiên, nhiều vườn vải đạt sản lượng tới 16-18 tấn/ha, lãi ròng 300-400 triệu đồng/vụ. Trong câu chuyện về nghề trồng vải chín sớm, không ít chủ vườn sung túc nhắc đến “thầy Quốc” đầy vẻ trân trọng, biết ơn.

“Nhà vải học” của Tây Nguyên

Thu nhập từ cây vải của ông Quốc kém xa nhiều chủ vườn vải khác, những người mà ông đã tận tâm truyền nghề. Dù chỉ có 3 ha vải thực nghiệm vụ này thôi, nhưng ước thu khoảng 50 tấn quả, giá 35.000 đồng/kg trọn vườn.

Bởi, theo như ông tâm sự, toàn bộ niềm vui sống của đời ông bây giờ chỉ là truyền bá rộng rãi nghề trồng vải chín sớm cho nông dân Tây Nguyên.

Cựu binh Phạm Thế Quốc tâm sự: Suốt 10 năm nằm rừng ngủ núi vùng Quảng Tín, tức tỉnh Đắk Nông bây giờ, lứa bộ đội tiểu đoàn Ba Đình (D602) của tôi hầu hết là sinh viên các trường đại học Hà Nội, đã nhận được biết bao sự cưu mang, giúp đỡ của các buôn làng đồng bào dân tộc bản địa. Vùng đất thấm đẫm tình người này không thể nghèo mãi như thế được.

Nhưng trả nợ cho những đồng đội đã để lại máu xương nơi đây bằng cách nào? Ký ức về những cây vải rừng trĩu quả, trái vừa nhỏ vừa chua đã ám ảnh những người may mắn trở về sau chiến tranh. Cho tới lúc họ chọn ông làm đầu mối nghiên cứu nghề trồng những giống vải quý chín sớm. Đại diện nhóm cựu binh D602 đã trở lại Tây Nguyên, trả nợ ân tình. 

Khi còn là cán bộ nhà đất Hà Nội, ông Phạm Thế Quốc đã tranh thủ xin gặp, tham vấn các chuyên gia trồng trọt, rồi tận dụng ngày nghỉ lặn lội khắp các tỉnh có trồng vải phía Bắc, nghiên cứu hàng chục giống vải khác nhau. Tập hợp những cây giống phù hợp, ông long đong xe đò đem vào tặng nông dân Tây Nguyên trồng thử.

Về hưu, các chuyến đi của ông vào Tây Nguyên ngày càng dài, dày hơn. Tới giờ thì năm nào ông cũng xa nhà, xa vợ tới 9 tháng, để vào Tây Nguyên “truyền đạo vải”, in và phát tập tài liệu do ông tự soạn, hướng dẫn cách điều khiển vải ra hoa, đậu quả theo ý muốn, mà nhiều chủ vườn coi như cẩm nang không thể thiếu.

Ông Quốc tỉ mỉ nghiên cứu quả vải.

Vải chín sớm ở Đắk Lắk.

Trong căn nhà tuềnh toàng giữa khu vườn vải 3 ha bạt ngàn những chùm quả sắp chín, vừa tiếp tôi, ông vừa bày lên chiếc bàn nhỏ hàng chục loại thiết bị để cân, đong, đo, đếm nhằm nghiên cứu kích cỡ, chất lượng quả vải theo từng tuần tuổi, trông rất ngộ nghĩnh, lạ mắt. Nhìn cái cách ông chăm chú cân từng quả vải, vỏ vải, hạt vải tỉ mỉ như nhà giả kim thuật cân vàng; rồi nghiền thịt quả vải cho nhuyễn, chắt nước để đo độ đường, nhằm chốt lại quy trình chăm sóc vải, chọn giống vải tối ưu nhất cho từng tiểu vùng khí hậu khác nhau… Tôi bật cười, hỏi tấm bằng cử nhân kinh tế mà ông đã học, làm gì có kiểu nghiên cứu này ?

Ông nghiêm túc bảo: Mình được giáo sư Trần Thế Tục truyền dạy từ khi thầy ấy còn là Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả. Sau đó thầy trò lại đi cùng nhiều giáo sư tiến sĩ chuyên ngành Giống, Bảo vệ thực vật, ra vào Tây Nguyên suốt hàng chục năm. Các nhà khoa học cần người làm thực tế. Và mình chính là cây cầu ấy, để chuyển các thành tựu nghiên cứu theo cách dễ hiểu nhất đến nông dân.

Để có đất tạo nên mảnh vườn thực nghiệm này, từ năm 2004, giáo sư Trần Thế Tục và cử nhân kinh tế Phạm Thế Quốc đại diện cho nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về cây vải, ký hợp đồng với Lâm trường Krông Pắk, thỏa thuận phía Lâm trường bố trí cho 3 ha đất liền khoảnh, đủ nguồn nước tưới, gần đường giao thông, để ông Quốc xây dựng vườn thực nghiệm, làm nơi tổ chức các lớp tập huấn miễn phí, tạo nghề trồng vải chín sớm trên Tây Nguyên. 

Ông chỉ cho tôi thấy trên mảng tường vách bếp có gắn nhiều thiết bị đo nhiệt độ, ẩm độ, mà ông thường xuyên theo dõi, ghi chép và hướng dẫn cách căn cứ vào các chỉ số mà điều chỉnh lượng nước tưới, phân bón, kích thích tố với trợ lý đắc lực, là anh Nguyễn Trọng Hải. Mấy năm hợp tác với thầy Quốc, tổ chức chăm vườn, học nghề, chia đôi hoa lợi trên 3 ha vải này sau khi đã đóng các khoản thuế, phí, lợi tức cho Lâm trường Krông Pắk, anh Hải vốn là nông dân thuần túy hoàn toàn tự tin “lên đời”, thành trợ giảng. 

Trong khi hơn 200.000 tấn vải tươi các tỉnh phía Bắc đang chờ cơ hội được chọn lọc để xuất khẩu sang Mỹ và Australia từ vụ vải tháng 6/2015, thì dăm nghìn tấn vải chín sớm trong tháng 5 trên Tây Nguyên đã được thị trường nội địa phía Nam săn đón hết vèo.

Tôi hỏi ông Quốc: Thà ít mà quý, chẳng tốt hơn là phát triển đại trà, rồi lại được mùa rớt giá, như nhiều loại nông sản khác sao? Ông Quốc nhìn xa xăm: Vải Chiềng Mai - Thái Lan chỉ chín sớm hơn vải Trung Quốc có nửa tháng, chục năm trước đã đủ khuynh đảo cả thị trường vải tươi Đài Loan, Hồng Kông. Vải Tây Nguyên còn chín sớm hơn vải Chiềng Mai, tại sao các sở ngành liên quan lại không đề ra một kế hoạch hành động, để Tây Nguyên cũng sẽ mạnh giàu như thế?

Tính đến cuối 2014, riêng tỉnh Đắk Lắk đã có 252 ha vải, trong đó 160 ha đã cho thu hoạch. Nhiều nhất ở Ea Kar 132 ha, Krông Năng 46 ha, rồi đến các huyện Buôn Đôn, Krông Pắk, Krông Buk, Ma Đrắk, Krông Ana, Cư Kuin… Vải Đắk Lắk chín sớm hơn vải miền Bắc khoảng 1 tháng, đến nay tỉnh vẫn không quy hoạch vùng trồng, vì quỹ đất không còn, và ngại phức tạp ở nhiệt độ phân hóa mầm hoa, chăm sóc không đúng cách sẽ không đậu quả!

Ông Trịnh Tiến Bộ - Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT Đắk Lắk

Lãnh đạo tỉnh đi bán vải

Nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã nhận được sự sẻ chia của lãnh đạo các sở, ngành và thương giới TP HCM, nơi chiếm 50% thị trường vải cả nước, mỗi năm tiêu thụ 60.000 tấn vải.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/mat-ngot-vai-thieu-tren-dat-tay-nguyen-862572.tpo

Theo Hoàng Thiên Nga/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm