Tại một số tỉnh phía Nam và Tây Nguyên như: Cần Thơ, Đắk Lắk, thương lái Trung Quốc đang thu mua nông sản “lạ” như: cau non, tiêu lép… với giá rất cao. Hoạt động mua bán này mang lại lợi ích trước mắt cho một bộ phận người dân. Song, việc thương lái Trung Quốc mua nông sản “lạ” cũng gây nhiễu loạn thị trường, có thể dẫn tới phá vỡ quy hoạch trồng trọt.
Thấy lợi là làm
Ông Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cần Thơ cho biết, việc thu mua cau non để bán cho thương lái Trung Quốc hiện vẫn diễn ra.“Giá cau non thu mua cao hơn nhiều so với cau đến kỳ thu hoạch. Chúng tôi chỉ biết tập quán của người Trung Quốc vẫn ăn trầu, nên có mua cau về ăn. Còn họ mua thêm nhiều cau non để làm gì nữa thì không biết”, ông Phạm Văn Quỳnh nói.
Được biết, giá cau non tại các nhà vườn đang được thu mua với giá 20.000-35.000 đồng/kg. Đem ra điểm tập kết bán, giá nâng lên mức 40.000- 45.000 đồng/kg. Do nhu cầu phía thu mua lớn, chỉ vùng trồng nhiều cau (huyện Phong Điền) không đủ, nên người dân đi sang cả các địa phương khác để gom về bán.
Thu gom cau non bán cho thương lái Trung Quốc. |
Theo ước tính sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, trên địa bàn huyện Phong Điền hiện có khoảng 12.000 cây cau đang có quả, chủ yếu trồng ở ven đường và một số nhà dân. Ông Phạm Văn Quỳnh cho biết: “Nếu không bán cho thương lái Trung Quốc thì người dân cũng bỏ đi, không bán được cho ai. Tuy nhiên, chưa có hiện tượng người dân ồ ạt chặt cây trồng khác để trồng cau tại địa phương. Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền bà con cảnh giác, cẩn trọng khi làm ăn với thương lái Trung Quốc”.
Thương lái “cao chạy xa bay”
Tại huyện Chư Quynh (tỉnh Đắk Lắk), 1 tháng trở lại đây, thương lái người Trung Quốc đi cùng người Việt đến thu mua tiêu lép với giá 190.000 đồng/kg, cao gần bằng tiêu loại 1. Tiêu bụi, núm tiêu cũng được thu mua với giá 15.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường từ 3.000 - 10.000 đồng/kg. Thấy có lợi, nhiều đại lý nông sản tại một số huyện đã thu mua hàng chục tấn tiêu lép, núm tiêu chờ thương lái Trung Quốc đến nhập. Tuy nhiên, thương lái Trung Quốc đã không trở lại.
Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, có sự không bình thường trong hoạt động mua bán này. Thứ nhất là giá tiêu được đẩy lên rất cao. Thứ hai là tiêu non, tiêu lép cũng được thu mua với giá cao. Sau khi các đại lý thu gom thì thương lái không quay trở lại, gây nhiễu loạn thị trường.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho hay, cơ quan này đã có cảnh báo đến bà con để tránh thiệt hại, đặc biệt với những đại lý người Việt đứng ra “ôm hàng”. Các lực lượng chức năng ở địa phương cũng đã tăng cường kiểm soát thị trường, theo dõi các đối tượng mua tiêu để có biện pháp xử lý kịp thời.
Cẩn thận khi làm ăn với thương lái Trung Quốc.
Đây không phải lần đầu tiên diễn ra tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua nông sản “lạ”, mà dường như năm nào cũng có. Khi thì thu mua đỉa, khi thì thu mua lá vải thiều, lá sắn… với động cơ rất khó hiểu. Ngay tại Cần Thơ, thương lái Trung Quốc cũng từng thu mua lá cây bình bát với giá cao bất thường. Hoạt động mua bán này mang lại lợi ích trước mắt cho một bộ phận người dân. Song, việc thương lái Trung Quốc mua nông sản “lạ” cũng gây nhiễu loạn thị trường, có thể dẫn tới phá vỡ quy hoạch trồng trọt.
Theo đại diện của Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), các địa phương nên tổng hợp danh sách thương lái Trung Quốc thường xuyên thu mua nông, lâm, thủy sản, để vừa có đầu mối thông tin, vừa thống nhất được giá cả, phương thức giao nhận hàng… Các vùng có nông sản xuất sang Trung Quốc nên kết hợp với địa phương gần biên giới tổ chức xúc tiến thương mại, lập danh sách thương lái Trung Quốc ở khu vực biên giới, để tiện giao thương, giảm thiệt hại.
Trên thực tế, do thông tin kịp thời cộng với kinh nghiệm của các địa phương nên thiệt hại trong những “giao dịch lạ” với thương lái Trung Quốc đã giảm. Các địa phương cũng ngăn chặn được tình trạng người dân ồ ạt chặt cây trồng hiện tại, thay thế bằng cây phía nhập khẩu cần.
Tuy nhiên, để tuyên truyền đến người dân tránh vì lợi trước mắt mà chuốc lấy thiệt hại về sau, các bộ, ngành liên quan vẫn cần tìm hiểu đầy đủ động cơ, mục đích của thương lái Trung Quốc, nhằm đảm bảo ổn định của thị trường trong nước.