Những năm gần đây, ở Việt Nam xuất hiện những đợt mua bán rất lạ. Người bán không hiểu người mua mua những thứ đó để làm gì nhưng vì có thể bán được thì vẫn cứ bán. Người bán cũng không cần biết người mua làm gì với cái thứ đó.
Có thể kể ra một số ví dụ như việc thu mua móng trâu, rễ cây hồi, thậm chí thu mua cả đỉa và gần đây nhất là việc thu mua lá mãng cầu. Những loại nông sản này từ trước tới nay không ai để ý và cũng không ai nghĩ rằng, sẽ được thu mua nhiều và với một giá hời như vậy. Khi có người mua, người ta đua nhau đi tìm kiếm.
Nhiều thứ được thu mua đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái khi số lượng những sinh vật đó bị giảm đi nhanh chóng trong một thời gian ngắn. Thậm chí, người ta đổ xô đi mua với giá cao, bán được hàng trong một thời gian, sau đó tiếp tục thu mua thì giá lại bị giảm xuống nhanh chóng dẫn đến tình trạng thua lỗ và phá sản của không ít người.
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Bản thân giao dịch trên thị trường cũng như sản phẩm giao dịch trên thị trường là không bình thường. Ở góc độ những người tạo lập thị trường, họ tạo ra thị trường độc quyền mua với những sản phẩm độc và lạ".
Theo quan điểm của ông Ánh, đó là những sản phẩm kỳ quặc. Những sản phẩm này có giá trị theo giá người tạo lập thị trường và người ta làm giá trên thị trường. Nó không gắn với giá trị sử dụng cụ thể của sản phẩm. "Khi đạt mức giá nhất định, những người tạo lập thị trường sẽ hiện thực hóa lợi nhuận của mình và lập tức rút khỏi thị trường. Và khi họ rút khỏi thị trường, lập tức thị trường đó sụp đổ luôn”, ông nói.
Xung quanh vấn đề trên, chương trình Vấn đề hôm nay ngày 18/3 với sự tham gia của vị khách mời là TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế sẽ có những phân tích, bình luận sâu hơn.