Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mặt khác của manga lậu

Trong khi vi phạm bản quyền đã khiến ngành công nghiệp manga thiệt hại lớn, thì một ý kiến bất ngờ cho rằng vấn đề này cũng có mặt tích cực, theo Screen Rant.

Từ những người sáng tạo nội dung cho đến biên tập viên và nhà xuất bản, tất cả đều hiểu rõ những thiệt hại mà vi phạm bản quyền mang lại cho ngành manga.

Nhưng mới đây, một chuyên gia từ một ấn phẩm manga lớn lại cho rằng vấn đề vi phạm bản quyền không phải là hoàn toàn xấu, thậm chí có thể tạo ra lợi ích tích cực cho sự tồn tại lâu dài của ngành.

Akira Kanai là tổng biên tập của tuần sau manga nổi tiếng Weekly Afternoon, thuộc nhà xuất bản lớn Kodansha. Và trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Đức Manga Passion, ông đã nói về những lợi ích tiềm tàng của nạn vi phạm bản quyền.

Khi được hỏi về quá trình toàn cầu hóa của manga, ông Kanai cho rằng sự lan tỏa của manga trên toàn thế giới là rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển liên tục của ngành công nghiệp này. Và rằng ông không hoàn toàn ủng hộ việc vi phạm bản quyền, nhưng ông chỉ ra rằng hiện tượng này phần nào có tác động tích cực trong việc truyền bá manga.

manga lau anh 1

Ông Akira Kanai (phải) trò chuyện về sự phát triển của manga. Ảnh: Manga Passion.

Ông Kanai cho hay: “Rất tốt nếu độc giả không chỉ đọc những bản sao lậu bất hợp pháp và chịu trả một ít tiền để mua chúng. Nhưng nếu họ không có tiền, trong khi ngoài kia có rất nhiều ấn bản lậu, thì tôi nghĩ việc đọc lậu cũng tạm ổn lúc này… Điều quan trọng trước hết là họ đã đọc manga”.

Mặt khác của "đọc chùa" manga

Diễn giải đầy đủ suy nghĩ của mình, ông Kanai chỉ ra rằng trong khi Nhật Bản hiện vẫn là thị trường manga lớn nhất thế giới, thì một điều rất cần chú ý là dân số Nhật Bản đang giảm, đặc biệt là số lượng người trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng trẻ em và thanh thiếu niên háo hức đọc manga trong tương lai cũng giảm.

Theo Bloomberg, ngành công nghiệp manga Nhật Bản hiện trị giá tới 14 tỷ USD với rất nhiều nhân vật có giá trị thương mại cao như Dragon Ball, Pokemon,… Tuy nhiên, dù lớn như vậy thì thị trường manga Nhật cũng đang thu hẹp dần theo từng năm. Do đó, cách duy nhất để manga có thể tiếp tục tồn tại là thu hút những người trẻ tuổi ở nước ngoài, ông Kanai nhận định.

Trong khi chiến lược mở rộng ra quốc tế có thể diễn ra theo kênh chính thức là các hoạt động phân phối nội dung bài bản và hợp pháp thông qua hệ thống nhà phân phối được cấp phép tại các quốc gia khác. Thì ngoài ra, sự lan toả của manga cũng có thể diễn ra một cách tự nhiên, chẳng hạn như thông qua các hoạt động in, bán truyện lậu.

Chắc chắn là không ít người hâm mộ manga cuồng nhiệt có trải nghiệm đầu tiên với thế giới truyện tranh này thông qua một số ấn bản lậu của những bộ manga lớn như Naruto, One Piece hay Bleach. Không dung túng cho hành vi này, nhưng ông Kanai cho rằng các ấn bản lậu phần nào giúp đưa manga tới nhiều độc giả hơn.

manga lau anh 2

One Piece hiện là một trong những bộ truyện có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới manga. Ảnh: Wacky Tee.

Cách tiếp cận khác?

Cần lưu ý rằng những bình luận của ông Kanai được đưa ra trong bối cảnh ngành công nghiệp manga đang triển khai nhiều biện pháp đối phó đối với nạn vi phạm bản quyền. Là một tổng biên tập, ông hiểu rõ những nỗ lực này.

Ví dụ, tại Kodansha, nhà xuất bản đang tìm cách bảo đảm an toàn cho quá trình phát hành manga, chẳng hạn yêu cầu mọi lệnh tải xuống manga phải được trung tâm dữ liệu của riêng Kodansha cho phép hoặc từ các máy chủ đối tác đã được xác minh, làm mờ nội dung để phân biệt phiên bản chính thức và không chính thức, hoặc tiến hành khởi kiện, đề nghị truy tố những kẻ vi phạm bản quyền.

Như vậy, có thể hiểu rằng, dù biết rõ các biện pháp bảo vệ trên, cách nhìn nhận của ông Kanai dường như cũng mở ra một cách tiếp cận mới.

Theo ông Kanai, manga đang rất cần phát triển lượng người tiêu dùng mới và hiện tượng vi phạm bản quyền lúc này có thể đóng vai trò là một kênh phân phối manga miễn phí một cách tạm thời.

Mặc dù mỗi ấn bản manga bị in lậu đều khiến người sáng tạo nội dung và nhà xuất bản mất lợi nhuận, các ấn bản này trên thực tế cũng là một cách tiết kiệm được chi phí quảng bá hay phân phối.

Theo ông Kanai, cái lợi lớn nhất từ các ấn bản lậu đó là chúng được đưa đến tay những người có thể không có cơ hội hoặc chưa từng nghĩ tới tiếp cận thế giới manga. Và sau khi họ được trải nghiệm thế giới truyện tranh này, họ được bồi đắp niềm đam mê và có thể sẽ từ bỏ việc đọc các cuốn truyện lậu để tìm tới các ấn bản chính thức.

Trong khi các ấn bản lậu có nội dung kém chất lượng, có thể thiếu trang, sai nội dung,… thì các ấn bản gốc mang lại trải nghiệm tuyệt vời hơn hẳn. Chưa kể, các nhà phân phối manga cũng đều cung cấp nhiều quyền lợi hơn cho những người hâm mộ đăng ký dịch vụ chính thức.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Thất thoát doanh thu 'khủng' vì vấn nạn đọc 'chùa' manga toàn cầu

Chỉ riêng lượng đọc miễn phí mỗi tháng trên 10 trang web vi phạm bản quyền dịch tiếng Anh hàng đầu đã có doanh thu lên tới 800 triệu USD.

Chiến lược AI của Nhật Bản phản bội giới nghệ sĩ anime?

Các nhà sáng tạo đã mang lại cho Nhật Bản ảnh hưởng to lớn trên toàn cầu, với manga, anime và nhiều sản phẩm xuất khẩu văn hóa khác. Tuy nhiên, họ đang bị đe dọa từ chiến lược AI của Tokyo.

Minh Hoa

Bạn có thể quan tâm