Julie Bushnell, một giáo viên tại Anh nói cảm thấy “xấu hổ” và “khó chịu” khi là nạn nhân của vụ lừa đảo Bitcoin khiến cô mất hơn 12.000 USD.
Theo BBC, Bushnell bị lừa sau khi đọc bài báo giả có tiêu đề “Tesla mua 1,5 tỷ USD Bitcoin, lên kế hoạch tặng lại số Bitcoin trị giá 750 triệu USD”. Bài viết kêu gọi người đọc gửi một khoản Bitcoin đến ví điện tử, sau đó “ông Musk” sẽ gửi lại khoản tiền gấp đôi.
Bài báo giả mạo ghi rằng công ty của Elon Musk tặng 750 triệu USD. Ảnh: BBC. |
Sau khi gửi khoản Bitcoin trị giá hơn 12.000 USD nhưng không thấy phản hồi, Bushnell mới nhận ra mình bị lừa. Nữ giáo viên cho biết đây là số tiền dành dụm để đặt cọc mua nhà mới.
“Nó ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Ước gì mọi thứ quay trở lại, tôi có thể bước vào cỗ máy thời gian và không nhấp những cú chuột ấy”, Bushnell chia sẻ.
“Họ đã cướp đi phẩm giá, lòng tự trọng, giá trị bản thân và sức mạnh của tôi. Họ rút hết những thứ tốt đẹp trong cuộc sống khỏi người tôi”, Bushnell chia sẻ về tình trạng tiêu cực của cô sau khi bị lừa gửi lượng Bitcoin trị giá lớn.
Đơn tố cáo đã được Bushnell gửi lên tòa án Sussex (Anh). Nữ giáo viên cảnh báo mọi người đề cao cảnh giác, tránh rơi vào trường hợp tương tự. Hiện tại, bài báo giả mạo Elon Musk tặng Bitcoin chưa bị gỡ.
Giáo viên Julie Bushnell bị lừa sau khi đọc bài báo "Elon Musk tặng Bitcoin". Ảnh: BBC. |
Tháng 7/2020, tài khoản Twitter của nhiều người nổi tiếng như Bill Gates, Barack Obama, Joe Biden, Elon Musk… đã bị hack để đăng những đường link lừa đảo liên quan đến Bitcoin. Thông điệp kêu gọi gửi số tiền tới một ví Bitcoin, và người gửi sẽ được nhận lại gấp đôi.
Trước đó vào tháng 11/2018, một số người dùng Twitter cũng từng bị chiếm đoạt và đổi sang hình, tên giống tài khoản Elon Musk rồi đăng tweet hứa hẹn tặng Bitcoin cho cộng đồng.
Nghiên cứu từ cộng đồng tiền mã hóa Whale Alert cho biết trò lừa tặng tiền số giúp kẻ xấu chiếm đoạt hơn 18 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2021, với hơn 5.600 nạn nhân. Trong cả năm 2020, có khoảng 10.500 người bị sập bẫy bởi trò lừa này.