Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Marathon đàm phán năm ngày cho gói cứu trợ kỷ lục của EU

Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về quỹ kích thích kinh tế hậu Covid-19 hôm 21/7 sau nhiều ngày đàm phán rơi vào ngõ cụt.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh, viết lên Twitter “Đã chốt”. Ngay trước đó, 27 nhà lãnh đạo EU đạt được thỏa thuận tại phiên họp toàn thể lúc 5h15 sáng ngày 21/7 (giờ địa phương).

Các quan chức cho biết EU đạt được thỏa thuận sau khi ông Michel trình bày các thỏa hiệp về quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro.

EU dat thoa thuan quy phuc hoi kinh te anh 1

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chuyện trong hội nghị thượng đỉnh EU trực tiếp đầu tiên tại Brussels, Bỉ ngày 20/7 kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Reuters.

EU đã chậm chạp trong việc đưa ra phản ứng chung ban đầu với đại dịch Covid-19. Một thỏa thuận thống nhất về kinh tế sẽ chứng minh rằng EU có thể đoàn kết vượt qua khủng hoảng, Reuters cho biết.

“Đó là một hội nghị thượng đỉnh dài và đầy thách thức. Nhưng kết quả đạt được đáng để đàm phán”, Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho biết.

Trước đó, hội nghị thượng đỉnh tưởng như đi vào bế tắc khi quan điểm của nhiều lãnh đạo đối nghịch nhau. Hội nghị đã diễn ra trong hơn 4 ngày liên tiếp, gần đạt đến kỷ lục của hội nghị thượng đỉnh vào năm 2000 ở Pháp.

Sự khác biệt sâu sắc về ý thức hệ giữa 27 nhà lãnh đạo cũng khiến họ phải đàm phán xuyên đêm cho đến khi mặt trời mọc trở lại ở Brussels trong nhiều ngày. Bực bội và khó chịu, vài nhà lãnh đạo đã công kích nhau.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mất kiên nhẫn và đập tay lên bàn hôm 20/7 vì bực bội các quốc gia “tằn tiện này”, theo hai nhà ngoại giao.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng cho rằng đó là “một nhóm các quốc gia keo kiệt, tự cao” chỉ quan tâm đến lợi ích của mình.

Tranh cãi ý thức hệ

Ban đầu, các quốc gia đề xuất quỹ sẽ không được giải ngân nếu quốc gia nhận hỗ trợ không cải cách kinh tế như đã hứa hoặc chính phủ quốc gia đó không tôn trọng pháp quyền.

Trong trường hợp có lo ngại rằng quốc gia thành viên không thực hiện cải cách khi nhận tiền, bất kỳ nhà lãnh đạo EU nào cũng có thể ngừng việc giải ngân để Hội đồng châu Âu gồm 27 nhà lãnh đạo tranh luận về điều này.

Nhưng chính phủ Hungary và Ba Lan, những nước bị cáo buộc phá hoại sự độc lập của tư pháp và quyền các nhóm thiểu số, đã đe dọa sẽ phủ quyết thỏa thuận phân bố quỹ nếu điều kiện được đưa vào.

Ba Lan sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ quỹ phục hồi. Nước này và các quốc gia nợ nhiều quanh Địa Trung Hải bị đại dịch tàn phá sẽ nhận hàng chục tỷ euro tiền trợ cấp và các khoản vay rẻ.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã cáo buộc thủ tướng Hà Lan căm ghét cá nhân ông và muốn "trừng phạt" đất nước ông.

"Tôi không biết lý do khiến thủ tướng Hà Lan ghét tôi hay Hungary là gì. Nhưng ông ấy đang tấn công rất gay gắt và nói rõ rằng theo quan điểm của ông ấy, Hungary không tôn trọng luật pháp nên phải bị trừng phạt về mặt tài chính", ông Orban nói. "Quan điểm của ông ấy không thể chấp nhận được vì chưa có kết luận nào về tình trạng luật pháp ở Hungary", ông nói thêm.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dường như phủ nhận điều này. “Chúng ta không ở đây vì chúng ta sẽ đi dự sinh nhật nhau sau đó. Chúng ta ở đây vì chúng ta đang bàn chuyện làm ăn cho đất nước. Chúng ta đều vì lợi ích cả thôi”, ông Rutte cho biết.

Đàm phán xuyên đêm đến khi mặt trời mọc

Vào tối 18/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đứng dậy và bỏ ra khỏi phòng họp. Đức và Pháp đã liên tục thúc đẩy một gói trợ cấp và cho vay lớn. Hai nước này cũng liên tục yêu cầu các quốc gia thỏa hiệp.

Buổi ăn tối của các lãnh đạo hôm 19/7 đã diễn ra một cách căng thẳng khi một nhóm các quốc gia “tằn tiện” do Hà Lan dẫn đầu kiên quyết không thay đổi mức trợ cấp trong 750 tỷ euro.

EU dat thoa thuan quy phuc hoi kinh te anh 2

Từ trái sang: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh EU tại tòa nhà Hội đồng châu Âu ở Brussels hôm 19/7. Ảnh: AP.

Cuộc đàm phán hôm 19/7 tiếp tục căng thẳng khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đe dọa sẽ lại bỏ họp.

Tối 19/7, sau ba ngày đàm phán không có kết quả, ông Charles Michel đã kêu gọi các nhà lãnh đạo vượt qua khác biệt cơ bản của họ và đạt thỏa thuận về ngân sách và quỹ phục hồi.

“Tôi ước rằng chúng ta thành công trong việc đạt được thỏa thuận và truyền thông châu Âu ngày mai có thể đưa tin rằng EU đã thành công trong một nhiệm vụ bất khả thi”, ông Michel nói.

Đến hôm 20/7, không khí đã dịu lại và các lãnh đạo bắt đầu thỏa thuận về gói kích cầu hậu Covid-19, kèm với nó là gói ngân sách chung EU 2021-2027 trị giá khoảng 1,1 nghìn tỷ euro.

Ông Michel đã đề xuất giảm mức trợ cấp trong gói 750 tỷ euro từ 500 tỷ euro ban đầu xuống còn 390 tỷ euro. Phần còn lại là các khoản vay phải hoàn trả.

Tổng thống Macron đập bàn trong bữa ăn tối của lãnh đạo EU

Mệt mỏi và ảm đạm, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 20/7 bước vào ngày thứ tư tranh luận về khoản ngân sách trị giá 2,1 nghìn tỷ USD để phục hồi sau đại dịch.

Sau 4 tháng 'ngoại giao Zoom', lãnh đạo 27 nước lần đầu gặp trực tiếp

Sau nhiều tháng họp trực tuyến, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ gặp mặt nhau hôm 17/7 cho hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi Covid-19 khiến mọi thứ ngừng lại.

Như Trần

Bạn có thể quan tâm