Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Trung Quốc rộ trào lưu bố mẹ bịt miệng, bó đầu con để làm đẹp

Hàng loạt sản phẩm “làm đẹp cho trẻ em” ra đời từ niềng răng cho trẻ 3 tuổi, mũ đội định hình hộp sọ đến cả nẹp nắn thẳng chân do trào lưu cực đoan trên mạng xã hội.

Trao luu cuc doan Trung anh 1

Nghe lời nhiều người trên mạng xã hội nói, Li Zhenzhen tin rằng đứa con 5 tuổi của mình thở bằng miệng khi ngủ sẽ phá hủy ngoại hình của bé. Do đó, cô đã quyết định dùng băng dính dán miệng cậu bé lại trước khi ngủ để không thể thở bằng miệng, theo Sixthtone.

Mọi người xung quanh ai cũng bảo Li đang làm chuyện thừa thãi và thậm chí có thể gây nguy hiểm đến đứa nhỏ nhưng cô nhất mực không nghe.

Ám ảnh ngoại hình, bố mẹ Trung Quốc chạy theo trào lưu làm đẹp dị hợm

Cô tin răm rắp lời cư dân mạng rằng dán băng keo vào miệng sẽ giúp đứa nhỏ lớn lên trông khôi ngô, tuấn tú hơn và theo quan điểm của cô ngoại hình đẹp sẽ mang lại rất nhiều lợi thế. “Tôi chỉ đơn giản là làm hết sức có thể để đảm bảo tương lai xán lạn cho thằng bé. Đó không phải là điều mà bậc phụ huynh nào cũng mong muốn ư?”, Li chia sẻ với Sixth Tone.

Trên thực tế, ở Trung Quốc, rất nhiều bố mẹ đã dùng những cách thức cực đoan để thay đổi ngoại hình của con mình theo chuẩn mực cái đẹp truyền thống. Với họ, thành công khi trưởng thành của đứa nhỏ phần lớn phụ thuộc vào bề ngoài nên cần phải chăm chút từ nhỏ. Trào lưu quái lạ thậm chí còn được châm ngòi bởi mạng xã hội Trung Quốc.

Trao luu cuc doan Trung anh 2

Nhiều phụ huynh tin lời khuyên mạng, mua băng keo về dán miệng trẻ khi ngủ. Ảnh: Straits Times.

Trên Internet, người nổi tiếng giới thiệu hàng loạt sản phẩm cùng với lời cam kết rằng sẽ sửa chữa những khiếm khuyết ngoại hình của trẻ nhỏ từ niềng răng cho trẻ 3 tuổi, mũ đội định hình xương đầu theo mong muốn đến cả nẹp nắn thẳng chân cho bé.

Những bài đăng về các sản phẩm kỳ lạ này được đông đảo công chúng đón nhận và tin theo, làm sống dậy một thị trường “làm đẹp” cho trẻ em. Trên Xiaohongshu, một nền tảng tương tự Instagram của Trung Quốc, hàng loạt đại lý bán băng keo dán miệng trẻ em xuất hiện khắp nơi.

Song, trào lưu này khiến các chuyên gia sức khỏe gióng lên hồi chuông cảnh báo. Các bác sĩ cho biết những sản phẩm trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đứa trẻ, khiến não bộ tổn thương và thậm chí là để lại biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, những lời cảnh báo này vẫn chẳng thấm vào đâu với độ nổi tiếng của những trào lưu làm đẹp dị hợm.

Mạng xã hội thổi phồng trào lưu nguy hiểm

Theo Sixth Tone, Trung Quốc là một xã hội vốn trọng ngoại hình. Mạng xã hội lại càng làm trầm trọng thêm sự ám ảnh của người dân nước này với tiêu chuẩn cái đẹp. Các bậc phụ huynh bắt đầu đặt nặng áp lực về ngoại hình đối với con mình, cho rằng vẻ ngoài sẽ giúp chúng thành công khi lớn lên.

Với người mẹ Li Zhenzhen, ngoại hình đẹp chính là bảo hiểm cho tương lai con mình. “Trong trường hợp tệ nhất, dù không có điểm mạnh gì, nó vẫn sẽ sống tốt nếu có vẻ ngoài ưa nhìn”, cô nói.

Do đó, cô cho rằng việc con trai mình thở bằng miệng khi ngủ là một dấu hiệu đáng báo động. Li đọc thông tin trên mạng nói rằng thở bằng miệng sẽ khiến đứa trẻ mắc hội chứng phì đại adenoid (adenoid face).

Đây là một căn bệnh có thật khi trẻ bị tắc đường thở và phải hô hấp qua miệng trong một thời gian dài, làm thay đổi cấu trúc quai hàm. Biểu hiện rõ nhất của chứng bệnh này là mặt dài, răng cửa nhô cao, môi trên ngắn và mũi hếch.

Trên Xiaohongshu, người nổi tiếng liên tục thổi phồng về chứng bệnh này, khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Nhiều người nói rằng thở bằng miệng là nguyên nhân của adenoid face và bố mẹ nên dùng băng dính bịt miệng con lại để ngăn chặn.

Bài viết có nội dung như trên đã tạo ra sức ảnh hưởng khổng lồ. Gần 200 sản phẩm băng bịt miệng cho trẻ em đã được niêm yết trên kênh mua sắm của Xiaohongshu. Mỗi tháng, hơn 100.000 gói băng dính được bán ra trên Taobao.

Trao luu cuc doan Trung anh 3

Bác sĩ khuyến cáo không nên dùng băng dán nhưng Li Zhenzhen vẫn nhất quyết không nghe. Ảnh: Xiaohongshu.

Bà mẹ Li Zhenzhen chính là fan cứng của băng dính này. Ngay khi phát hiện con trai mình mở bằng miệng, cô đã đặt mua băng dính ngay lập tức và dán miệng cậu bé mỗi ngày. “Ban đầu, thằng bé bị phát ban da nên tôi đã đổi rất nhiều thương hiệu khác nhau cho đến khi không bị dị ứng”, Li nhớ lại.

Tuy nhiên, các bác sĩ nói rằng băng dán miệng không thể ngăn chặn triệu chứng của hội chứng phì đại adenoid. “Dùng băng dính mà không có khuyến cáo của bác sĩ sẽ gây ra giảm oxy máu và tổn thương não”, Qian Wei, chuyên gia tại United Family Healthcare, cho biết.

Li nói rằng cô không nghĩ băng dính sẽ có hại cho sức khỏe con mình nhưng khi chia sẻ điều này lên mạng xã hội, cô nhận được không ít bình luận nói rằng điều này rất nguy hiểm. Bác sĩ cũng nói rằng cô không nên dán miệng con mình như vậy nhưng cô vẫn khăng khăng mình làm đúng.

Phụ huynh mặc kệ bác sĩ, tin răm rắp vào lời khuyên trên Internet

Theo Sixth Tone, thị trường “làm đẹp cho trẻ em” kỳ quái ở Trung Quốc không chỉ dừng lại băng dính miệng. Họ sản xuất niềng răng cho trẻ em 3 tuổi và cho chúng đeo niềng 24/24. Nhiều bố mẹ còn dùng nẹp cố định phần bắp chân của con để chúng không bị chân cong chữ X theo lời người nổi tiếng trên mạng nói.

Trong đó, sản phẩm nổi tiếng nhất là mũ bảo hiểm thay cấu trúc xương đầu của trẻ. Người bán nói rằng nếu trẻ em mang mũ 23 giờ/ngày trong suốt 4 tháng, chúng sẽ có dáng đầu tròn và vùng trán cao đáng mơ ước.

Sản phẩm này được bán tràn lan trên các sàn online với giá từ 2.000 nhân dân tệ (287 USD) đến 20.000 nhân dân tệ (2870 USD). Năm 2021, loại mũ bảo hiểm này đã trở thành hiện tượng mạng trên Weibo, được nhiều người dùng đón nhận nồng nhiệt.

Xu, một người mẹ ở Chiết Giang, Trung Quốc, đã đặt mũ này cho đứa con 7 tháng tuổi của mình vì lo lắng dáng đầu con trai của mình không cân đối. Cô đoán nguyên nhân có thể là bé nằm trong lồng ấp khi mới chào đời và không được y tá chỉnh tư thế ngủ đúng. Vì thế, cô bắt đứa nhỏ mang mũ cả ngày. Xu còn đăng hình ảnh lên Xiaohongshu để khuyên các cha mẹ làm theo, nói rằng cảm thấy hối hận tại sao không mua mũ sớm hơn.

Với các bác sĩ như Qian Wei, việc các bậc phụ huynh tin răm rắp vào những thông tin trên mạng xã hội rất đáng lo ngại. “Thông tin trên Internet chỉ là trao đổi tin tức bình thường, không phải chỉ định y tế vì thế việc mọi người dùng mạng xã hội để xin lời khuyên về sức khỏe là rất nguy hiểm”, Qian nói.

Đồng quan điểm, giáo sư Li Ling cũng cho rằng mạng xã hội ảnh hưởng quá lớn đến bố mẹ Trung Quốc. Điều này sẽ vô tình hủy hoại sức khỏe của đứa trẻ. Đơn cử như trường hợp bịt miệng bằng băng dính khi ngủ, nếu đứa trẻ không được điều trị chứng phì đại adenoid đúng cách, nó có thể bị rối loạn giấc ngủ, thiếu oxy ngắt quãng, hệ thần kinh kém phát triển, thính lực kém và tổn thương não.

Các bác sĩ khẳng định việc ba mẹ cần làm là đưa con đến bệnh viện khám và phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nhưng nhiều người lại không chọn cách này mà lại dùng các biện pháp cực đoan như bịt miệng khi ngủ, tập cơ môi, dùng thảo dược vì tin lời khuyên trên Xiaohongshu.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Thanh niên Trung Quốc chơi game dễ kiếm người yêu hơn

Tại Trung Quốc, game online giúp cải thiện tỷ lệ kết hôn và sinh con ở giới trẻ. Nhiều cặp đôi đã phải lòng nhau và tiến tới hôn nhân nhờ chơi game chung.

Website lừa đảo cho vay tiếp tục nở rộ

Có tên miền .vn nhưng đặt máy chủ tại Trung Quốc, nhiều website mạo danh ngân hàng, tổ chức tài chính lừa đảo hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm