Một người dùng Twitter gọi chiến dịch này là "lố bịch", nói rằng việc người trẻ tránh uống rượu nên được coi là một điều tốt. Nhiều người khác đồng thuận với ý kiến này, theo Bloomberg.
Nhiều người cho rằng chiến dịch này dường như trái ngược với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, theo đó khuyên chỉ nên uống rượu ở mức vừa phải.
Khách hàng tại một quán bar ở quận Shinjuku, Tokyo. Ảnh: Bloomberg. |
Trong khi đó, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết mặc dù không tham gia vào chiến dịch, họ hiểu rằng tinh thần của chương trình này phù hợp với quan điểm của bộ rằng người dân nên “uống rượu một cách có trách nhiệm”.
Trước đó, Cơ quan Thuế Quốc gia Nhật Bản (NTA) phát động cuộc thi "Sake Viva!" (tạm dịch: Rượu sake muôn năm!) nhằm yêu cầu nhóm 20-39 tuổi đưa ra các đề xuất để người dân quay lại với đồ uống có cồn.
Cuộc thi đã thu hút sự chú ý trên Twitter sau khi được phương tiện truyền thông đưa tin.
Các nhà sản xuất bia ở nước này đã phải chật vật ngăn chặn sự sụt giảm doanh số bán đồ uống có cồn do người tiêu dùng đã quan tâm hơn đến sức khỏe, xã hội đang già hóa và thị hiếu của giới trẻ thay đổi.
Doanh số từ đồ uống có cồn tại các nhà hàng và quán bar giảm mạnh trong đại dịch Covid-19. Điều này khiến nhà sản xuất phải quảng cáo các loại đồ uống có nồng độ cồn thấp hơn, trong khi lạm phát leo thang đang bóp nghẹt lợi nhuận.
Nhật Bản thu được khoảng 8 tỷ USD tiền thuế từ việc bán rượu trong năm tài chính 2020, tương đương khoảng 2% tổng thu thuế, giảm 13% so với năm 2016, theo dữ liệu của cơ quan thuế.
NTA khẳng định chiến dịch trên nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp rượu vào thời điểm mà nhiều vấn đề, từ Covid-19 đến suy giảm dân số, khiến người trẻ ít uống rượu hơn. Cơ quan này khẳng định chương trình "không khuyến khích mọi người uống rượu quá mức”.