Đầu tháng 3, tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố thành lập Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh (Green and Smart Mobility - GSM) với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Chủ tịch Vingroup trực tiếp đứng ra nắm 95% tỷ lệ cổ phần.
Đây là doanh nghiệp có nền tảng ban đầu chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ôtô, xe máy điện cho các hãng vận chuyển như taxi, xe ôm công nghệ. Trong tương lai dự kiến mở rộng dịch vụ tới người dùng cuối.
Bên cạnh đó, GSM cũng triển khai dịch vụ taxi thuần điện trong tháng tới tại Hà Nội với mục tiêu phủ sóng tối thiểu 5 thành phố lớn trong năm nay.
Toàn bộ phương tiện do GSM cung cấp và sử dụng là ôtô và xe máy điện VinFast, với quy mô đầu tư là 10.000 ôtô, 100.000 xe máy.
Thị trường còn sơ khai
Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu Mordor Intelligence, thị trường taxi tại Việt Nam có quy mô 440 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 790 triệu USD vào năm 2026. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2021-2026 lên tới 10,25%.
Hiện thị trường là miếng bánh cho hơn 200 hãng taxi với những ông lớn dẫn đầu thị phần tiêu biểu như Vinasun hay Mai Linh. Tuy nhiên, không thương hiệu nào trong con số trên là taxi thuần điện.
Do vậy nếu đi vào hoạt động, GSM sẽ trở thành hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam.
Trên thực tế, khái niệm xe điện đã được một số hãng taxi để ý từ lâu, điển hình như trường hợp của Mai Linh. Cụ thể tháng 3/2016, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hồ Huy (công ty mẹ của tập đoàn Mai Linh) gửi văn bản lên Chính phủ cùng hàng loạt cơ quan quản lý xin hỗ trợ chính sách đầu tư taxi điện, dần thay thế phương tiện vận tải hành khách truyền thống chạy xăng dầu, bao gồm giảm/miễn một số sắc thuế liên quan dòng xe mới, gói hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi và quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng.
Một số hãng taxi đã bổ sung thêm xe điện vào danh sách phương tiện vận tải. Ảnh: Lado. |
Công ty Hồ Huy và tập đoàn Mai Linh tuyên bố kế hoạch đầu tư 10.000 taxi điện cho khu vực miền Nam và 10.000 xe ở khu vực phía Bắc. Các dòng xe do hãng Renault và Nissan sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Trước đó vào tháng 12/2015, đại diện tập đoàn Mai Linh và nhà phân phối chính hãng Renault tại thị trường Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về dự án nhập khẩu 10.000-20.000 ôtô điện phục vụ vận chuyển taxi đến năm 2020.
Tháng 4/2016, Mai Linh và Renault S.A.A ký thỏa thuận mua bán nhập khẩu nguyên chiếc 100 xe điện. Song từ đó đến nay có rất ít thông tin liên quan đến số phận số taxi điện này hay kế hoạch đặt ra ban đầu của Mai Linh.
Tuy nhiên kể từ thời điểm VinFast chuyển trọng tâm sản xuất sang xe điện, mảng vận chuyển bằng phương tiện mới một lần nữa được nhen nhóm trở lại. Sự phát triển của xe điện trong vài năm gần đây cũng thúc đẩy nhu cầu đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp vận tải.
Giữa tháng 6 năm ngoái, Công ty TNHH Đồng Thủy, đơn vị sở hữu Lado Taxi, thông báo nhập 50 chiếc VF e34 để phục vụ dịch vụ taxi tại Lâm Đồng. Hay Ahamove hồi cuối năm 2022 cũng triển khai dịch vụ AhaRide tại Đà Nẵng (vận chuyển hành khách bằng xe điện 2 bánh) thông qua thỏa thuận hợp tác với VinFast. Công ty này đặt mục tiêu đạt 10.000 xe điện vào năm 2025.
Theo Mordor Intelligence, đại dịch Covid-19 đã cản trở sự phát triển của thị trường taxi Việt Nam do các biện pháp cấm đi lại và đóng cửa biên giới. Tình trạng này khiến nhu cầu sử dụng phương tiện đi lại suy giảm mạnh và ảnh hưởng đến ngành du lịch.
Khi quá trình mở cửa bắt đầu khôi phục các hoạt động kinh tế, thị trường taxi dự kiến tăng trưởng danh nghĩa trong giai đoạn dự báo. Người dùng có xu hướng thích phương tiện dịch vụ hơn bất kỳ hình thức giao thông nào khác nhằm duy trì vệ sinh và tránh xa xã hội.
Giá cước taxi giảm và việc đặt xe dễ dàng thông qua các ứng dụng di động cũng là yếu tố chính thúc đẩy dịch vụ taxi. Hơn nữa, việc đặt xe qua điện thoại và gọi xe trên các tuyến phố vẫn tồn tại như một nguồn cung chủ yếu của các hãng taxi phổ biến như Mai Linh, Vinasun, Vinataxi, TaxiGroup, Hoàng Long.
Cuộc đua nước rút
Trái ngược Việt Nam, mô hình taxi điện đã được phổ cập trên nhiều quốc gia trên thế giới, gần nhất là Trung Quốc. Cách đây 6 năm, Bắc Kinh tuyên bố siết mô hình taxi chạy bằng nhiên liệu hóa thạch để chuyển đổi thành xe điện.
Hiện tại, Bắc Kinh cùng nhiều thành phố khác của Trung Quốc sở hữu hàng nghìn taxi điện. Tài xế cũng không phải lo lắng tình trạng lãng phí thời gian tại các trạm sạc nhờ hàng loạt trạm đổi pin lắp đặt quanh các thành phố.
Trước nhu cầu về xe điện và mối lo ngại ô nhiễm do xe cộ gây ra ngày càng tăng, các chính phủ đều đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng dành cho xe điện và sáng kiến thúc đẩy nhu cầu về xe điện. Chi phí vận hành và bảo trì thấp hơn so với các phương tiện sử dụng nhiên liệu thông thường được xem là yếu tố có khả năng nâng cao nhu cầu trên thị trường.
Các đội xe taxi ở Bắc Kinh và Thẩm Quyến đang hướng tới mục tiêu 100% sử dụng xe điện. Ảnh: Reuters. |
Nhiều hãng xe khác nhau trên thế giới đang cố gắng chuyển sang taxi điện, chẳng hạn như Ola Cabs - doanh nghiệp điều hành thương hiệu taxi lớn nhất ở Ấn Độ - đã bắt đầu vận hành thử nghiệm taxi điện ở thành phố Nagpur để đánh giá tính khả thi vào năm 2019.
Để nâng cao nhu cầu sử dụng, các chính phủ cũng liên tục tăng chi tiêu ngân sách cho cơ sở hạ tầng nhằm cung cấp đủ số lượng trạm sạc và lợi ích tài chính khác cho người dùng cuối.
Đơn cử ở Na Uy, nơi có tỷ lệ sử dụng xe điện cao và danh sách khách mua xe kéo dài, đang tăng cường cơ sở hạ tầng cho taxi điện như biến Oslo thành thành phố đầu tiên có hệ thống sạc không dây cho taxi điện.
Giới chức Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy xe điện. Ảnh: New York Times. |
Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, cũng đầu tư 1,42 tỷ USD vào năm 2020 để mở rộng mạng lưới sạc thêm 50%. Tính đến năm 2019, Trung Quốc đã có hơn 1,2 triệu điểm sạc và với khoản đầu tư này, tổng cộng 600.000 điểm sạc sẽ được thành lập mới.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến là thị trường taxi điện lớn nhất. Đây là khu vực có các nền kinh tế lớn như Ấn Độ và Trung Quốc với dân số rất đông, nhu cầu về dịch vụ taxi trong khu vực tăng chóng mặt cùng tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh.
Vào năm 2019, thành phố Thâm Quyến đạt một cột mốc 99% trong số 21.689 xe taxi hoạt động trong thành phố là xe điện. Bộ Giao thông Hàn Quốc cho biết trong 7 tháng đầu năm 2022 đã có 20.296 ôtô mới đăng ký chạy taxi. Trong đó 7.394 chiếc là ôtô điện, chiếm 36,4% và tăng hơn 7 lần con số 1.029 chiếc ghi nhận cả năm 2019. Tương tự, chính phủ Ấn Độ cũng đang thúc đẩy các hãng xe như Ola, Uber… mở rộng đội xe điện và chuyển đổi 40% phương tiện sang điện vào cuối năm 2026.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...