Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Man United rơi vào cảnh hỗn độn

Thua 1-6 ngay trên sân nhà, Man United có thể đổ lỗi một phần vì chơi thiếu người do chiếc thẻ đỏ của Anthony Martial.

Phân tích

Man United anh 1

Tuy nhiên, họ không thể chối bỏ toàn phần còn lại được. Đó là một Man United với hàng thủ ngớ ngẩn, một Man United không hệ thống và không định hướng, một Man United hỗn độn.

Những người mới đến có phù hợp?

Mua sắm, đó luôn là điệp khúc, đặc biệt là của các đội bóng lớn mỗi khi họ gặp những vấn đề dai dẳng. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào cái cách Leeds đang chơi tưng bừng, Everton thăng hoa, chúng ta sẽ hiểu sự dè sẻn vẫn có thể mang lại hiệu quả. Và phong độ của họ đủ sức tạo câu hỏi thách thức cho những HLV luôn đòi hỏi phải mua bằng được ngôi sao thì mới có thể làm được việc.

Song, đó lại là câu chuyện có tính phổ quát hơn. Còn ở Man United, nhiều người vẫn cứ nhìn vào đội hình của Solskjaer để đặt ra vấn đề về chuyển nhượng. Họ cho rằng chỉ có tăng cường mới là phương thuốc hữu dụng để dập tắt căn bệnh trầm kha của Man United lúc này. Và Man United đã có những tăng cường. 3 cái tên mới tới là Cavani, Telles, Pellistri và cái tên sẽ góp mặt từ ngày 1/1/2021 là Amad Traore.

Những bổ sung đó có thực sự là biệt dược để cứu Man United hay không? Muốn trả lời câu hỏi này, chúng ta phải “điểm danh” từng cá nhân để nhận diện họ trong hệ thống của Man United. Để rồi từ đó, chúng ta đối chiếu với căn bạo bệnh của đội bóng. Thuốc nào bệnh nấy. Và khi Man United đang cần biệt dược trị bệnh, thì thuốc bổ cũng chẳng mang lại ích lợi gì quá nhiều.

Cavani đá ở vị trí trung phong và như vậy, khả năng Martial hoặc Rashford phải ngồi dự bị cho Cavani (nếu Cavani được chọn đá chính) là chuyện có thể dễ dàng nhận thấy. Chất lượng của Cavani là không cần bàn cãi nhưng tuổi tác của anh lại là vấn đề có thể khiến ta ngờ vực. Việc PSG chỉ để Cavani đá 22 trận ở mùa giải vừa rồi, gồm cả những trận vào sân từ ghế dự bị, khiến dấu hỏi về giá trị sử dụng của Cavani nên được đặt lên hàng đầu.

Với ông lão có giá trị sử dụng đáng ngờ vực như vậy, nếu được đá chính, chắc chắn sẽ khiến các cầu thủ như Martial, Rashford cảm thấy mất động lực. Tình trạng mất động lực này đã xảy ra ở giai đoạn Ibrahimovic đến Old Trafford và dẫn tới Martial mới bừng nở sự nghiệp đã phải lặng lẽ suốt thời gian dài.

Còn Pellistri thì sao? Đây là cầu thủ chơi tiền đạo cánh và có vẻ như anh là lựa chọn số 2 sau khi Man United không thuyết phục được Jadon Sancho. Mason Greenwood sẽ có đối thủ cạnh tranh vị trí đáng gờm và trường hợp Pellistri có thể sẽ là một bổ sung tích cực. Tuy nhiên, chất lượng của Pellistri thực tế thế nào vẫn chưa ai rõ. Nói chung, bổ sung này vẫn còn tỷ lệ rủi ro kha khá.

Telles là hậu vệ trái, và sự góp mặt của Telles là cần thiết, khi Shaw mới chỉ chơi tròn vai chứ chưa thực sự xuất sắc để kế thừa vị trí từng gắn với nhiều ngôi sao của Man United từ thời Ferguson. Có thể nói, trong 3 cái tên mới ra mắt Man United, bổ sung Telles là thiết thực nhất.

Song, chỗ mà Man United cần bổ sung vẫn hoàn toàn bị bỏ trống. Harry Maguire, Lindelof, Bailly đều không ai khiến CĐV Man United cảm thấy tin tưởng cả. Nhiều CĐV đã mong mỏi có ngôi sao phòng ngự được đưa về Old Trafford để tạo nền tảng tin cậy cho toàn đội nhưng đến phút chót, vị trí trung vệ vẫn y nguyên. Dường như Solskjaer không có ý định bổ sung trung vệ khi thực tế từ đầu mùa chuyển nhượng tới nay, ông không hề nhắc tới vị trí này.

Mua sắm có thể là giải pháp nhưng ở Man United lúc này, việc mua sắm của họ đang không đúng chỗ cần thiết. Nên nhớ, hàng công Man United vẫn có chất lượng tốt và chỗ lo ngại của họ là hàng thủ và vị trí tiền vệ trụ. Những vụ chuyển nhượng vừa rồi đúng theo kiểu đang đau đầu thì lại mua thuốc da liễu. Kỳ vọng Pellistri và Cavani có thể ghi nhiều bàn thắng hơn số bàn thua Man United phải nhận mỗi trận là chuyện hoang đường.

Man United anh 2

Cavani gia nhập Man United. Tiền đạo người Uruguay được cho là sự bổ sung cấp bách cho hàng công CLB. Ảnh: Getty.

Cái cần là phải có người ra đi

Man United có đội hình phình to và nó chính là trở ngại lớn cho công tác chuyển nhượng của họ bởi quỹ lương quá nặng. Họ cần giải tán bớt một cơ số mới có thể nghĩ đến chuyện tăng cường thêm. Vậy mà trong bối cảnh ấy, chỉ có đúng 2 trường hợp là Sanchez và Smalling rời khỏi Old Trafford ở phiên chợ hè mà thôi.

Những cái tên như Phil Jones, Dalot, Rojo đã bao lâu rồi không được ra sân? Có thể có những lý do như chấn thương để biện minh cho việc họ ít ra sân, nhưng thực tế không thể phủ nhận là họ không chứng minh được mình đủ chất lượng để chơi cho đội bóng vĩ đại như Man United. Nhưng trớ trêu thay, họ vẫn ngồi đó, ăn lương đều. Không động thái nào được thực hiện để đẩy họ ra đi, nhường chỗ cho những cá nhân khác xứng đáng hơn.

Và cá nhân nữa cũng rất cần ra đi chính là Ed Woodward. Không phải do cách làm việc của Woodward và cũng không thể đổ lỗi cho mình ông về chuyện chuyển nhượng rất lộn xộn ở Man United mấy năm qua. Nên nhớ, khi Woodward lên thay thế David Gill, những vụ đầu tiên ông thực hiện là vụ Van Persie, Kagawa, Wilfred Zaha. Mùa giải đó, Sir Alex Ferguson đưa Man United lên chức vô địch và bản thân HLV huyền thoại này cũng không hề chê trách gì Woodward cả.

Nhưng dù gì đi nữa, là người đứng mũi chịu sào, Woodward phải ra đi để chứng tỏ ông chịu trách nhiệm với những hỗn độn ở Man United lúc này. Nếu đội bóng chơi không tốt, người ta có thể đổ lỗi cho cầu thủ, HLV… nhưng không thể gạt bỏ vai trò của người điều hành bởi chính người điều hành tạo nên bầu không khí làm việc chung của cả tập thể. Chưa kể, người điều hành cũng có những quyết định lựa chọn riêng của mình mà có thể nó có tác động sâu sắc lên kết quả của đội bóng.

Và việc Woodward rút lui có thể sẽ tạo ra được bầu không khí mới cho Man United, khi các CĐV đã có “chốn để trút bỏ nỗi giận” và bản thân các cầu thủ, ban huấn luyện cũng được sống trong cảm giác CLB đang làm mới lại mình. Khi một tổ chức không có gì thay đổi, đôi khi phải có những cá nhân dám gánh vác chịu hy sinh để tạo ra sự thay đổi mang tinh thần tích cực. Và trường hợp Woodward ra đi ở đây không có nghĩa là ông ta phải rời Man United mà chỉ đơn thuần là lui lại nhận vị trí khác để nhường lại vị trí hiện thời cho cá nhân khác có khả năng mang lại nhiều hy vọng hơn.

Man United anh 3

HLV Solskjaer được cho là nên rời Man United. Ảnh: Getty.

Song, Woodward không phải là trường hợp duy nhất nên ra đi. Một người nữa cũng nên ra đi chính là Solskjaer. Thời điểm để Solskjaer rời ghế có lẽ cũng đang gần tới “giờ đẹp” bởi sau khi hành quân tới sân Newcastle ngày 17/10, Man United sẽ qua Paris để đá trận mở màn vòng bảng Champions League với đương kim á quân. Chỉ cần một thất bại “tan hoang”, chuyện Solskjaer được giữ lại chắc chỉ còn là cổ tích.

Vấn đề Solskjaer nên ra đi nằm ở bản chất chứ không phải ở thành tích. Man United dưới thời Solskjaer chơi thiếu định hướng, không mạch lạc, triết lý không rõ ràng và đặc biệt yếu kém ở pressing lẫn triển khai bóng từ tuyến dưới. Luân chuyển bóng của họ cũng rối rắm khi cách di chuyển của cầu thủ cho thấy Solskjaer không vạch ra được một kế hoạch đấu pháp khoa học. Ông đã biến Man United thành một Molde United thì đúng hơn, với thứ bóng đá kém chất lượng và vô hồn.

Ít ai biết trận lội ngược dòng trước PSG tại Champions League 2018/19 tại Paris hồi tháng 3/2019 không phải là do đấu pháp của Solskjaer. Trận ấy PSG chơi hay hơn, nhưng Man United hưng phấn và hiệu quả hơn. Sự hưng phấn và hiệu quả đó sau này được cầu thủ tiết lộ lại là do sự có mặt và động viên của Sir Alex ở ngay tại sân Parc des Princes. Nói thẳng, cầu thủ đã đá vì Ferguson chứ không phải vì “bài đánh” của Solsa.

Man United là đội bóng vĩ đại nên rất cần HLV có chất lượng xứng tầm, có triết lý bóng đá phù hợp với tinh thần chơi bóng quả cảm, rực lửa và giàu tính cống hiến. Solsa không mang lại được điều đó do trình độ của ông. Bản thân ông, với cách ngồi dẫn dắt trên sân như ngồi nhấm nháp điểm tâm ở một cafe bistro nào đó cũng đã cho thấy lý do vì sao Man United hiện nay thiếu thái độ quyết liệt vốn có của mình.

Nhìn chung, ở Man United lúc này, người đến thì không phải dạng cầu thủ mà Man United cần đến cấp bách, trong khi người nên phải ra đi thì vẫn ngồi ì tại chỗ tạo những lực cản lớn cho cả tập thể. Đó chính là mớ hỗn độn thực sự mà chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy ở đội bóng này nhiều thập niên qua.

Hãy nhìn vào trường hợp Juan Sebastian Veron hồi năm 2003 là chúng ta đủ hiểu. Danh tiếng và tài năng lớn nhưng khi không phù hợp với hệ thống, Ferguson sẵn sàng đẩy ra đi với cái giá chỉ bằng nửa giá mua cách đó 2 mùa. Và chỉ khi đẩy được Veron đi, Cristiano Ronaldo mới được mua về để từ đó trở thành siêu sao huyền thoại.

Khi sự quyết liệt ngoài sân cỏ đã thiếu vắng, thì chắc chắn sự quyết liệt trong sân cỏ cũng không còn. Bài học từ Ferguson vẫn luôn còn đó, nhưng dường như không ai ở Man United chịu thuộc bài và vì thế, đẩy CLB vào mớ hỗn độn đến mức đáng ngờ.

Solskjaer mỉa mai cầu thủ Tottenham Thuyền trưởng MU mỉa mai hành động ngã xuống sân của Erik Lamela khiến Anthony Martial nhận thẻ đỏ trong trận thua Tottenham 1-6 ở Ngoại hạng Anh hôm 4/10.

Martial nhận thẻ đỏ vì trả đũa đối thủ

Tiền đạo người Pháp không thể kiềm chế sau khi nhận pha cùi chỏ của Erik Lamela. Anh tát nhẹ vào mặt đối thủ và phải rời sân với tấm thẻ đỏ trực tiếp.

Tiền vệ MU thừa nhận khó khăn sau trận thua Tottenham

Phòng thay đồ của MU được cho là nơi "không hề dễ dàng" để các cầu thủ bước vào sau thất bại 1-6 trước Tottenham ở vòng 4 Premier League hôm 4/10.

Hà Quang Minh

Bạn có thể quan tâm