Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Man United mang hành trang nào cho trận gặp Man City?

Sau thất bại cay đắng ở Champions League, huấn luyện viên Solskjaer bước vào thử thách thực sự.

Bình luận

MU anh 1

Cùng đá ít hơn các đội đầu bảng một trận, Man Utd và Man City cần trận thắng ở derby để vươn lên tốp đầu. Và Man Utd mùa này lại chơi sân nhà không tốt, trong khi Man City thực sự được đánh giá cao hơn.

Bài học từ Champions League

Người ta sẽ còn nhắc nhiều đến thất bại của Man Utd ở Champions League mùa này. Đơn giản, đó là những thất bại biến một đội đầu bảng thành kẻ bị loại. Và song song với những nhắc lại ấy luôn là những phân tích, phê bình mà khá nhiều trong số đó rơi vào các cá nhân cầu thủ.

Câu chuyện Maguire đã được nói đến rất nhiều, với bao nhiêu tranh cãi xoay quanh cái giá mà Man Utd đưa anh về. Nó cũng nặng nề (tuy không bằng) kiểu câu chuyện Pogba, Lindelof, Bailly... Luôn có những cá nhân cụ thể nào đó để cộng đồng trút nỗi thất vọng thất bại lên đầu. Ít ai chậm lại một chút để đánh giá một cách thực sự khách quan, chứ không phải để minh oan cho một cầu thủ.

Trước khi đến với Man Utd, họ đều là những cầu thủ tốt và trụ cột ở các CLB cũ. Và để chọn mua một người, Man Utd đều phải có những tuyển trạch viên soi rất kỹ, đánh giá chi tiết, thậm chí định lượng được bằng dữ kiện. Vậy thì tại sao ở Leicester, Maguire chơi tốt như vậy lại trở nên khờ khạo ở Man Utd. Câu trả lời dễ dàng nằm trong hai chữ: hệ thống.

Đúng là khi một cầu thủ gia nhập một đội bóng mới và không thể tỏa sáng như kỳ vọng, khả năng cao là anh ta không phù hợp với hệ thống. Veron ngày xưa là điển hình ở Man Utd. Tuy nhiên, sẽ thực sự kỳ lạ khi đa số cầu thủ gia nhập Man Utd trong vài năm qua lại không thể đạt được kỳ vọng. Thế thì Man Utd có hệ thống như thế nào mà khó hòa nhập đến vậy.

Họ chẳng có một hệ thống cụ thể nào cả.

Giờ quay lại với những thất bại ở Champions League, để lấy nó làm hành trang mang tính bài học kinh nghiệm cho Man Utd khi tiếp Man City. Ở trận thất bại trước Leipzig, trong bàn thua đầu, nhiều người trách Wan-Bissaka. Nhưng trách anh ta liệu có đúng hay không? Nếu xem lại tình huống, chúng ta thấy rõ Wan-Bissaka không chọn sai vị trí. Cơ bản, anh ta không thể nào chống chọi được đối thủ lên bóng quá sắc. Theo cầu thủ ở biên thì để lỏng cầu thủ ở hành lang trong và ngược lại. Wan-Bissaka trở thành nạn nhân trong hệ thống yếu kém về pressing đến mức độ để đối thủ thừa không gian và dư nhân sự trong các lần ép sân.

153 lần để mất quyền kiểm soát bóng trước Leipzig và 123 lần để mất quyền kiểm soát bóng trước PSG không phải là một con số quá chênh lệch so với đối thủ. Tuy nhiên, ở 2 trận cầu ấy, những lần mất quyền kiểm soát bóng của Man Utd đều được thể hiện qua một diện mạo chung: đối thủ tổ chức pressing quá tốt. Trong khi đó, Man Utd có gìn ở khâu tối quan trọng trong bóng đá hiện đại này?

Hai bàn thua đầu tiên của Man Utd trước Leipzig đến từ nguyên nhân chủ yếu là Man Utd không pressing tốt. Các khối siết đội hình (compact) không được thiết lập và do đó, không phong tỏa được các đường phát triển bóng của đối thủ. Leipzig có quá nhiều phương án để triển khai một đợt tấn công khi họ cầm bóng ở phần sân Man Utd và vì thế, chỉ sau vài đường chuyền, cả tuyến phòng ngự Man Utd trở nên xộc xệch đến mức độ sau bàn thua, chính bản thân các cầu thủ Man Utd cũng phải ngỡ ngàng.

Sự bọc lót của các tiền vệ trung tâm khi hai biên dâng cao ở Man Utd thực tế là rất yếu, và cái yếu này không chỉ thể hiện ở các thất bại tại Champions League. Tính chặt chẽ (compactness) của họ không có khi cự ly đội hình của họ là không tốt. Điều đó dẫn tới việc điều phối bóng khó khăn, bởi các cầu thủ cầm bóng không có tiếp ứng tốt để giải tỏa áp lực mà đối thủ tạo lên phía mình. Định hướng vị trí của Man Utd thiếu tính khoa học và linh hoạt. Đó mới là nguyên nhân cơ bản để khiến các cầu thủ giỏi của họ bỗng dưng trở thành những chàng khờ.

Man City của Pep Guardiola cực kỳ chú trọng vào biên và hành lang trong trong các đợt triển khai tấn công. Đặc biệt, Kevin de Bruyne là cầu thủ hoạt động cực tốt ở 2 hành lang trong ấy. Đây có thể sẽ là tử huyệt của Man Utd, nếu như họ tiếp tục trình làng một hệ thống phi khoa học như đã từng trước Leipzig. Với lối chơi như Man Utd thể hiện ở đất Đức, kể cả là hậu vệ phải hàng đầu trên thế giới cũng phải để thua chứ đừng nói gì tới Wan-Bissaka.

Man City là đội bóng tổ chức pressing rất tốt, nhưng họ còn nổi tiếng hơn ở khả năng kiểm soát bóng. Với cách luân chuyển bóng nhanh và ít chạm của Man City, chắc chắn Man Utd sẽ dễ sụp đổ nếu khối siết đội hình (Compact) của họ không đủ chặt chẽ để bịt các kênh liên lạc của đội khách. Và Solsa nên nhớ Pep luôn là người nghiên cứu đối thủ rất kỹ lưỡng. Các trận thua của Man Utd ở Champions League chắc chắn đã được Pep xem đi xem lại nhiều lần để tìm ra điểm yếu nhất của chủ sân Old Trafford.

Và điểm yếu có thể được gói gọn trong mấy chữ: Man Utd là một đội bóng chưa được tổ chức tốt.

MU anh 2

HLV Solskjaer đang đối mặt nhiều dấu hỏi. Ảnh: Getty.

Tính tùy biến ở hàng tiền vệ

Từ đầu mùa giải tới nay, Solsa vẫn loay hoay trong việc tổ chức bộ khung của tuyến tiền vệ. Chơi với 3 tiền vệ trung tâm, chơi 1 tiền vệ trụ hay 2 tiền vệ trụ (double pivot); 4-3-3, 3-4-1-2, 3-4-3 hay 4-2-3-1... vẫn là cả một mớ lựa chọn mà Solsa loay hoay trong đó. Chính vì thế, hàng tiền vệ Man Utd luôn bị chỉ trích, trừ mỗi Fernandes mà thôi.

Tuy nhiên, ngay cả Fernandes cũng chưa phát huy được tối đa sức mạnh của mình. Lý do rất đơn giản. Đó là Solsa chưa thể xây dựng được một tuyến tiền vệ định hướng vị trí tốt và có tính tùy biến cao phù hợp với năng lực cầu thủ ông có trong tay.

Chúng ta nhận thấy rõ Fernandes chuyền bóng hay thế nào, dứt điểm gọn và sắc ra sao, biết lui về sâu hỗ trợ phòng ngự đầy trách nhiệm và chơi nhiệt huyết hết mức đúng tinh thần Man Utd máu lửa. Song, có phải Fernandes chỉ có mỗi chừng ấy? Thực tế, khả năng đầu tàu của Fernandes còn có thể làm được hơn thế nhưng khổ nỗi, Solsa đang “đặt hàng” anh trong một vai trò quá đơn điệu và cổ điển.

Cho dù chọn sơ đồ nào, chọn chơi 1 tiền vệ trụ hay 2 tiền vệ trụ, thì bộ khung tiền vệ cơ bản cũng chỉ là sự phân nhiệm giữa các vị trí số 6, số 8 và số 10. Bóng đá hiện đại có thể vẫn chơi với bộ ba 6-8-10 hay chơi hai số 6 một số 10 là tùy chọn của HLV, nhưng cái cơ bản nhất là tính tùy biến và khả năng định hướng vị trí mà HLV ấy vạch ra cho hàng tiền vệ của mình. Solsa chưa làm được điều đó nên hàng tiền vệ của ông chưa thể thăng hoa dù con người của Man Utd không hề dở chút nào.

Hãy nói về vị trí số 10 của Fernandes để làm ví dụ cụ thể. Fernandes trách nhiệm cao đến mức luôn sẵn sàng lui về hỗ trợ phòng ngự khi cần lẽ ra nên được tạo điều kiện để hoán đổi vị trí với cầu thủ chơi phía sau lưng mình tùy thời điểm. Tuy nhiên, Solsa mặc định không ai được phép đảo vai trò số 10 với Fernandes, dù chỉ là 1 phút. Đây chính là sự lạc hậu của Solsa so với thời đại, và sự lạc hậu ấy sẽ luông mang lại hậu quả ở mỗi trận của Man Utd.

Chúng ra hãy hình dung tình huống thế này. Man Utd mất bóng và đối thủ phản công. Fernandes lui về hỗ trợ phòng ngự. Man Utd đoạt lại bóng và bắt đầu tổ chức từ tuyến dưới. Trong tình thế ấy, Van de Beek lại đang ở vị trí gần cầu môn đối phương hơn là Fernandes.

Như vậy, người cần đảm nhận vai trò số 10 cấp kỳ lúc này phải là Van de Beek và người tạm lấp vai trò số 8 phải là Fernandes. Tuy nhiên, Man Utd thường không làm vậy. Solsa muốn đợi chờ và lệ thuộc vào Fernandes. Kết quả là đường lên bóng của Man Utd tốn thời gian hơn còn Fernandes thì bị bào mòn hơn.

Tuyên bố không đúng lúc của Raiola có thể là lý do để Solsa chơi “bàn tay sắt” và đày Pogba trên băng ghế dự bị, nhưng Van de Beek nếu không được sử dụng để tạo ra một hàng tiền vệ biết xoay theo tình thế chắc chắn sẽ là một quyết định sai lầm.

Thậm chí, nếu chưa tin tưởng (hoặc do Van de Beek chưa hoàn toàn đạt phong độ 100%), Solsa vẫn có thể sử dụng Matic hoặc Fred trong các tình thế tùy biến này, bởi khả năng chuyền bóng của hai cầu thủ này không tệ chút nào. Người duy nhất không thể sử dụng trong việc lấp vai trò này chỉ là McTominay mà thôi, bởi khả năng của McTominay chỉ gói gọn trong đánh chặn đơn thuần.

Nếu xem các đội bóng ở Premier League hôm nay, chúng ta sẽ thấy tính tùy biến rất cao. Ví dụ như ở Everton chẳng hạn, Doucoure là con người vẫn được hoán đổi tùy tình thế cấp bách như vậy. Hoặc như ở Man City, Rodri và De Bruyne cũng là những cá nhân hoán đổi vai trò rất nhuyễn. Sự hoán đổi ấy mang lại khả năng tương thích với thời điểm phát sinh tình huống và chính nhờ nó, nhiều khi bàn thắng bước ngoặt sẽ được tạo ra.

Solsa dường như vẫn bế tắc trong thứ bóng đá cũ kỹ của những thập niên cũ khi phân rõ vai trò vị trí cho từng con người cụ thể. Ông dựa quá nhiều vào niềm tin chỉ cần chơi với tinh thần Man Utd là đủ. Đúng là tinh thần rất quan trọng nhưng thể lực và cơ hội là thứ giới hạn. Fernandes thật ra chưa phải là cầu thủ chơi quá nhiều trận trong một mùa giải so với mặt bằng chung của bóng đá chuyên nghiệp đỉnh cao châu Âu nhưng anh bị bào mòn, bởi cường độ hoạt động của anh là quá mức.

Phải có người gánh đỡ cho Fernandes và chuyện phân nhiệm ai gánh cùng Fernandes là do Solsa. Thực tế, nếu khai thác Fernandes kiểu này, nguy cơ dính chấn thương là không nhỏ. Và hãy hình dung nếu Fernandes chấn thương, thì Man Utd sẽ ra sao? Fernandes đang là linh hồn của đội bóng và đừng nghĩ chỉ cầu Chúa là đủ giúp anh vượt qua được những thử thách với mật độ, cường độ cao kéo dài.

MU anh 3

MU có nên dùng Pogba cho trận derby thành Manchester sẽ là câu hỏi lớn. Ảnh: Getty.

Và hy vọng nhỏ nhoi

Nếu thất bại trước Man City, Man Utd có thể rơi vào một đợt “trầm cảm” thực sự, và nó hoàn toàn đặt Solsa vào thế phải trả giá bằng chính chiếc ghế của mình. Tuy nhiên, Solsa thực tế cũng là người có “ngôi sao may mắn” chiếu mệnh. Cứ lúc người ta nghĩ ông có thể mất ghế, thì Man Utd lại có kết quả tích cực. Song, việc ấy như một màn đánh lừa của số phận để đến lúc “vỡ” thì sẽ “vỡ” rất lớn.

Và trước Man City, Man Utd hoàn toàn có những vận may như thế để mang lại hy vọng nhỏ nhoi. Đó chính là việc Man City luôn có thói quen chơi pressing cực đoan ngay trên phần sân đối phương. Dù lối chơi ấy của họ không bạo liệt như Liverpool, nhưng nó có chung một đặc điểm: đội hình sẽ chơi cao để tạo áp lực.

Man Utd gần đây lại thường có kết quả rất tốt khi chơi đội hình thấp và phản công. Việc bị dồn ép chơi thấp lại cũng vô tình kéo các cầu thủ Man Utd chơi gần nhau hơn, do đó khả năng tương hỗ cho nhau cũng sẽ được cải thiện hơn. Nhiều người vẫn nghĩ đó là “bài” của Solsa, nhưng thực chất thì không. Nếu là bài đánh, nó sẽ được thể hiện trước mọi đối thủ. Còn đây đơn thuần chỉ là thứ tự phát bản năng tùy thuộc vào hoàn cảnh mà thôi.

Tuy nhiên, trong hy vọng nhỏ nhoi này, thứ quan trọng nhất vẫn là khả năng tận dụng cơ hội. Man Utd có các mũi phản công rất tốt như Rashford là điển hình. Cơ bản nhất, các mũi phản công ấy của họ phải biết chắt chiu. Thực tế, nếu hàng công Man Utd mà chắt chiu, họ đã không bị loại ở Champions League như vừa rồi.

Man City thực tế vẫn chưa có được hàng thủ ổn định, ưng ý đúng tiêu chuẩn mà Pep cần. Hàng thủ của họ thực chất đang trong giai đoạn hoàn thiện dần. Đây chính là điểm yếu duy nhất của ông hàng xóm mạnh mẽ mà Man Utd hoàn toàn có thể khai thác. Và nếu họ khai thác thành công, 3 điểm quý giá sẽ là cái phao cứu sinh đối với Solsa, một người mà hễ cứ cười là y như rằng “thần tài tới”.

Tuy nhiên, bóng đá không chỉ là một trận đấu. Xây dựng CLB là cả một quá trình kéo dài. Song, ở Man Utd lúc này, người hâm mộ thực sự đang rất cần những an ủi để xoa dịu đi nỗi ấm ức mà họ phải gánh chịu ở suốt một tuần vừa rồi. Cái quan trọng là nếu có một chiến thắng như thế, đằng sau nó sẽ tiếp tục là gì.

Ai cũng cần thời gian để trưởng thành và Solsa không phải là ngoại lệ. Nhưng muốn trưởng thành, người ta phải chuẩn bị cho mình hành trang thật kỹ. Trong hành trang ấy, học từ những thất bại là thứ kiến thức lớn lao nhất.

Trong thể thao, cách đứng dậy sau một thất bại còn khó khăn hơn cách duy trì một thành công. Và nếu Solsa chuẩn bị tốt hành trang để trưởng thành trong nghề, chắc chắn ông là HLV phù hợp nhất với Man Utd lúc này bởi đơn giản: ông gầy dựng tên tuổi từ đó, hiểu cảm giác của người hùng cũng như cảm giác của người dự phòng cũng từ đó.

MU anh 4

Van Persie: 'Việc tôi sang MU vẫn là chủ đề nhạy cảm ở Anh'

Cựu tiền đạo người Hà Lan khẳng định anh không quan tâm đến những lời chỉ trích, mà chỉ muốn đầu quân cho Man Utd để giành chức vô địch.

Rashford ấn định tương lai tại MU

Tiền đạo sinh năm 1997 nhấn mạnh MU có ý nghĩa với anh nhiều hơn những gì người khác có thể tưởng tượng, không chỉ bởi quãng thời gian 5 năm vừa qua.

Hà Quang Minh

Bạn có thể quan tâm