Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Màn tỉ thí Nam Anh Kiệt - Lưu Cường tạo tiền lệ xấu

Những trận đấu tự phát đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Đó thật sự là tín hiệu đáng báo động.

Làng võ Việt Nam dậy sóng với trận tỉ thí giữa Lưu Cường và Nam Anh Kiệt. Người thắng, kẻ thua đã rõ. Giữa họ được cho là đã giải quyết xong hiềm khích. Nhưng trận đấu "phủi" như vậy mới là khởi đầu, và sau này nhiều khả năng trở thành xu thế trong làng võ.

Màn tỉ thí giữa Lưu Cường và Nam Anh Kiệt xuất phát từ hiềm khích cá nhân. Sau lời qua tiếng lại, họ giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm. Lúc này, người ta tự hỏi còn bao nhiêu hiềm khích trong làng võ đang chờ được giải quyết bằng những trận đấu tự phát?

Nam Anh Kiet anh 1

Nam Anh Kiệt vừa có trận đấu tự phát với Lưu Cường. Ảnh: FBNV.

Câu trả lời là rất nhiều. Và hễ không thích ai, người tập võ lại hẹn nhau để tỉ thí. Vậy ra, làng võ còn tiếp tục chứng kiến thêm nhiều phần của trận đấu kiểu Lưu Cường và Nam Anh Kiệt. Điều này đi ngược với giá trị nhân văn của võ học.

Xa hơn, trận đấu tự phát sẽ trở thành tiền lệ xấu, dẫn đến kích động bạo lực. Nhiều quan chức, võ sư đều hoàn toàn không ủng hộ cách giải quyết vấn đề của Lưu Cường và Nam Anh Kiệt. Đó chưa kể những trận đấu tự phát đã vi phạm vào luật pháp Việt Nam.

Nhìn chung, màn tỉ thí giữa Lưu Cường và Nam Anh Kiệt, dù diễn ra dưới hình thức "giao lưu võ thuật", không phù hợp với văn hóa võ thuật Việt Nam. Những trận đấu "phủi" kiểu này cần được loại bỏ, bởi không mang đến giá trị và chứa đựng nhiều rủi ro.

Hãy nhìn màn tỉ thí giữa Lưu Cường và Nam Anh Kiệt, hay Pierre Francois Flores với Đoàn Bảo Châu và Trần Lê Hoài Linh, đó toàn những trận diễn ra trong điều kiện thiếu cơ sở vật chất, bác sĩ, và mơ hồ về luật chơi. Họ dường như tự giao kèo mọi thứ.

Đó là điều rất nguy hiểm. Đặt trường hợp một pha ra đòn của cá nhân gây chấn thương nặng hoặc dẫn đến tử vong cho đối thủ, mọi chuyện sẽ không còn nằm trong tầm kiểm soát. Thậm chí, ngay cả khi được trang bị bảo hộ đầy đủ, những chấn thương nghiêm trọng luôn tiềm ẩn trong các trận đấu chuyên nghiệp.

Tháng 9/2019, người hâm mộ bàng hoàng khi thấy võ sĩ điển trai Sage Northcutt bị tổn thương nghiêm trọng vùng mặt sau khi dính đòn của Cosmo Alexandre tại ONE Championship, sân chơi võ thuật chuyên nghiệp lớn nhất châu Á. Theo võ sĩ người Mỹ, hộp sọ của anh chịu tổng cộng 8 vết nứt và phải trải qua 9 giờ phẫu thuật.

Nam Anh Kiet anh 2
Sage Northcutt từng dính chấn thương nặng, dù anh thi đấu ở sân chơi võ thuật chuyên nghiệp ONE Championship, nơi các võ sĩ được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ. Ảnh: Getty Images.

Mà ở ONE Championship, quy mô các trận đấu luôn ở mức chuyên nghiệp cao nhất. Khi thượng đài, võ sĩ đều được trang bị găng tay, đồ bảo hộ... Bên cạnh lồng bát giác, các bác sĩ luôn chực chờ để chăm sóc họ phòng trường hợp chấn thương xảy ra. Dù biết thể thao đối kháng rất nguy hiểm, nhưng BTC vẫn luôn đảm bảo yếu tố an toàn cho võ sĩ.

Trao đổi với Zing, Nam Anh Kiệt cho biết bị trật tay sau khi dính cú quét trụ của Lưu Cường. Điều đó cho thấy luôn có những rủi ro tiềm ẩn trong các trận đấu tự phát. Hay 1 năm trước, Lưu Cường từng dính chấn thương mũi khi giao lưu võ thuật với Flores. Lúc võ sĩ tán thủ nghiệp dư này bị chảy máu, cách nhân viên y tế sơ cứu rất sơ sài.

Ngay cả những kẻ khờ dại nhất cũng thấy các trận đấu tự phát chỉ đặt tính mạng người luyện võ vào tình thế nguy hiểm. Nhưng xã hội này lại rất rộng lớn. Con người cũng đa nhân cách. Hiềm khích luôn hiện diện ở mọi ngõ ngách. Vì vậy, rất khó để làng võ tránh khỏi những mâu thuẫn như Lưu Cường và Nam Anh Kiệt.

"Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị". Người luyện võ thường không bao giờ chấp nhận thua thiệt kẻ khác. Vì vậy, những màn thách đấu không phải chuyện mới xảy ra. Nhưng thay vì giải quyết vấn đề bằng cách tự tạo ra những trận đấu phủi, các võ sĩ cần cần có sự suy xét nghiêm túc hơn về khái niệm "tỉ thí".

Họ có thể xin phép cơ quan, ban ngành có chức năng để trận đấu diễn ra hợp pháp. Và tại sao những màn tỉ thí lại không được phổ biến đến người hâm mộ? Năm 2017, khi Flores tới Việt Nam với mong muốn kiểm chứng võ công của Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt, một đơn vị sẵn sàng hỗ trợ việc xin giấy phép để họ có màn tỉ thí đúng luật.

Giao lưu võ thuật hoàn toàn không có gì sai. Dân luyện võ chắc chắn cũng rất muốn có nhiều màn tỉ thí để thấy được năng lực thật sự nằm ở đâu. Người dân ở quốc gia hình chữ S cũng rất thích thú được xem thi đấu võ thuật. Nhưng tính chất của giao lưu võ thuật sẽ bị bóp méo nếu được dùng để giải quyết hiềm khích và đạp trên luật pháp.

Trong trường hợp trận tỉ thí giữa Lưu Cường và Nam Anh Kiệt, dù họ ghét nhau thật, được sự chấp thuận của cơ quan, ban ngành có chức năng, sẽ không ai có thể bàn tán gì về họ. Đằng này, những trận đấu tự phát của Lưu Cường, Nam Anh Kiệt và Flores gần đây chỉ khiến tất cả thêm phần nhức nhối, và làm xã hội hiểu sai về tính chất của võ thuật.

2 lần Lưu Cường gây xôn xao làng võ Việt Lưu Cường có 2 lần gây xôn xao làng võ Việt khi giao đấu với Flores và Nam Anh Kiệt. Ngày 19/7, anh giành chiến thắng trước Nam Anh Kiệt sau đòn đá quét trụ.

Màn tỉ thí Nam Anh Kiệt - Lưu Cường làm méo mó võ thuật Việt Nam

Thách đấu võ thuật hay tỉ thí giữa các võ sĩ đã tồn tại từ rất lâu trong làng võ Việt Nam. Nhưng gần đây, ý nghĩa của những trận tỉ thí đang bị bóp méo.

Võ sư Nam Anh Kiệt: 'Tôi nhận được bài học cay đắng nhất trong đời'

Võ sư phái Vịnh Xuân Nam Anh thừa nhận cuộc đọ sức với Lưu Cường là cơ hội để ông nhìn nhận bản thân một cách sâu sắc hơn.

Nguyên Trí

Bạn có thể quan tâm