Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Màn thoát hiểm của Man United và Chelsea

Tại vòng 3 Premier League 2020/21, Man United và Chelsea đều thoát hiểm nhờ bàn thắng được ghi ở những phút đá bù.

Bình luận

MU anh 1

Lượt thứ 3 Premier League 2020/21 đã có những trận đầy kịch tính ở ngày thi đấu thứ nhất mà trọng tâm là 2 ông lớn Man United và Chelsea. Hai trận cầu ấy, dù có tỷ số khác nhau, nhưng lại chung một điểm nhấn kịch bản.

Đó là bàn thắng ở phút chót. Song, tuy chung một kịch bản, 2 đội bóng lại thể hiện dấu hiệu khác nhau rõ ràng.

Man United có mãi may mắn?

Trận cầu gặp Brighton sẽ đi vào lịch sử của VAR khi trọng tài đã nổi hồi còi kết thúc trận đấu, nhưng vẫn thay đổi quyết định để tham khảo VAR và trao cho Man United cơ hội có 3 điểm. Chiểu theo luật của FIFA, trọng tài Chris Kavanagh đã không làm sai. Luật quy định rõ ràng rằng “Việc sử dụng VAR để xem lại tình huống không bị giới hạn thời gian, vì sự chính xác quan trọng hơn tốc độ”.

Sự chính xác quan trọng hơn là điều nghiễm nhiên ở thời đại bóng đá công nghiệp này. Một bàn thắng không nhỏ nhoi chút nào nếu như nó là thứ quyết định thứ hạng cuối mùa, đặc biệt là thứ hạng tham dự các cúp châu Âu. Mất một bàn thắng, nhiều khi kéo theo CLB bị tước đi cả chục triệu bảng Anh ở mùa giải kế tiếp. Bởi thế, sự chính xác là để lập lại sự “công bằng thị trường” cho những nhà đầu tư bóng đá.

MU anh 2

Chỉ có may mắn mới giúp MU thắng Brighton 3-2. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, sự chính xác đúng luật kể trên lại sai cái lệ của bóng đá cả trăm năm nay. Suốt cả hơn một thế kỷ qua, khán giả quen với việc khi hồi còi chấm dứt trận đấu cất lên, điều đó có nghĩa là khép lại kịch bản, không chỉnh sửa, không thay đổi. Tuy nhiên, rõ ràng là trọng tài Kavanagh đã phá cái lệ ấy. Cơ bản, câu chuyện “giới hạn thời gian” trong luật của FIFA về VAR vẫn còn lỏng lẻo và mơ hồ.

Chắc chắn, sẽ phải có những điều chỉnh chi tiết hơn để cái “không giới hạn thời gian” này được rút gọn lại ở trong phạm vi ngày thi đấu hoặc bao nhiêu tiếng đồng hồ sau khi nổi còi chấm dứt trận đấu. Còn để chung chung như vậy, các đội bóng hoàn toàn có thể khiếu nại lại về các kết quả từ thời World Cup 2018,

Tuy nhiên, đó là chuyện của FIFA. Điều đáng quan tâm hơn là chuyện của Man United. Trong kịch bản hồi sinh của họ trước Brighton, dấu hiệu mà họ để lại là gì?

Thứ nhất, vẫn phải nhắc tới hàng thủ. Tuyến phòng thủ của Man United đứt gãy, không có sự liên lạc ăn ý nào giữa bộ tứ vệ đã đành, nó còn không có cả sự kết nối với hàng tiền vệ. Tuy nhiên, người đáng trách nhất trong hàng thủ ấy phải là Maguire với các nhược điểm cố hữu: chậm chạp, xoay xở vụng về, tranh chấp tay đôi yếu và chuyền bóng thiếu chính xác.

Trung vệ hiện đại được định nghĩa khác so với thời kỳ cách đây 20 năm. Những phẩm chất phòng ngự được coi là nghiễm nhiên phải có, và một trung vệ nếu chỉ có các phẩm chất phòng ngự tốt, thì cũng chỉ đủ được coi là ở hạng trung bình khá. Đòi hỏi của trung vệ bây giờ còn phải là khả năng chuyền bóng ở mọi cự ly. Và Maguire, trước Brighton, đã không có những đường chuyền tốt để Man United có thể tổ chức lối chơi ngay từ phần sân nhà (build from back).

Thứ hai, hàng tiền vệ tiếp tục là thảm họa. Paul Pogba chơi vô hồn, không xứng đáng là một trong những tiền vệ đắt giá nhất của Man United. Hệ thống “hai số 6 + một số 10” trong sơ đồ 4-2-3-1 của Solskjaer không phát huy được khi Pogba không chơi tốt như một số 6 khi cần thiết, không bổ trợ cho Matic kịp thời và để cho đối thủ có nhiều không gian ở khu vực khoảng 30 m trước mặt thành De Gea.

Trong hỗ trợ phòng ngự, hàng tiền vệ đã kém, trong tổ chức hàng tiền vệ ấy cũng vô duyên khi không làm tròn nhiệm vụ luân chuyển, điều phối bóng. Fred vào sân cũng không khá hơn. Và trong trận Bruno Fernandes không có phong độ tốt nhất, Man United trở nên vô dụng hoàn toàn.

Vấn đề của Solskjaer còn là nhân tố dự phòng để thay đổi chiến thuật khi gặp khó khăn. Việc ông đưa Van de Beek, Bailly vào thay Martial và Greenwood để xoay chuyển sang chơi 3-4-2-1 đã gần như không phát huy tác dụng. Dù Man United cuối cùng thắng trận, điểm nhấn áp lực họ tạo lên đối thủ sau khi thay người là không rõ rệt chút nào. Nói thẳng, họ thắng bằng vận may, một thứ họ bị “gán” cho suốt bao lâu nay.

Vận may không ở lại mãi bao giờ. Nếu ở Man United không có những biến chuyển tích cực ở mỗi con người, từ HLV trưởng cho tới cầu thủ, tương lai của họ sẽ đầy rủi ro và bất trắc. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại thực sự và nếu diễn tiến mùa giải của họ cứ tiếp tục như thế này, lúc “đếm số trận còn lại” cho Solskjaer chắc cũng chẳng còn bao xa.

MU anh 3

Chelsea giữ lại một điểm dù bị dẫn trước 3 bàn. Ảnh: Getty.

Chelsea sẽ sớm định hình

Nếu xem Chelsea chơi bóng trước West Brom và bịt bảng tỷ số lại, không ai dám nghĩ West Brom lại là đội đang dẫn trước Chelsea tới 3-0 ở hiệp một. Mọi chỉ số của Chelsea đều hơn hẳn đối thủ. Tuy nhiên, tại sao họ vẫn bị dẫn trước? Câu trả lời đơn giản: sai lầm cá nhân và sai lầm hệ thống.

Sai lầm cá nhân nổi bật nhất là Thiago Silva, tân đội trưởng. Tuy nhiên, sai lầm này không nên bị lấy ra để bôi xoá toàn bộ những gì mà cầu thủ Brazil thể hiện. Nhìn tác phong, chúng ta có thể tin tưởng Silva sẽ là một trong những trung vệ đáng xem nhất ở Premier League mùa này.

Cú hụt chân của Silva cho thấy điểm yếu cố hữu của cầu thủ này: căng thẳng, hồi hồi ở những trận cầu quan trọng của sự nghiệp. Trận ra mắt Chelsea trong vai đội trưởng mới rõ ràng là bước ngoặt với Silva. Và dấu hiệu của hồi hộp, căng thẳng đã thể hiện trong lỗi ngớ ngẩn dẫn đến bàn thua thứ 2 trước West Brom.

Hồi còn khoác áo PSG, ở trận mà Barca lội ngược dòng lịch sử trước PSG tại Nou Camp trong khuôn khổ Champions League, vào trận Silva đã trượt chân ngã lúng túng và vô duyên. Ngay lúc ấy, nhiều khán giả đã hình dung ra kịch bản không hay ho gì cho PSG. Kết quả, PSG bị loại vì thua 1-6 sau khi dẫn tỷ số có lợi 4-0 ở lượt đi trên sân nhà.

Silva luôn vậy, bị xao nhãng ở những trận cầu quyết định dẫn tới động tác lóng ngóng nào đó có thể có hại cho đội bóng ở cả trận. Thông thường, anh là trung vệ đáng được xem và đẳng cấp thế giới. Điều Lampard cần là cải thiện tâm lý chiến đấu cho tân thủ quân, bởi đó sẽ là viên gạch nền tảng cho hành trình của Chelsea ở mùa giải này.

Sai lầm cá nhân thứ hai thuộc về Alonso. Cú đánh đầu chuyền bóng của Alonso lẽ ra nên được thực hiện hướng lên trên, thay vì hướng sang ngang vào trung tâm để dẫn tới mất bóng và khiến Chelsea thua bàn đầu tiên. Tuy nhiên, ở bàn thua này, không chỉ có lỗi sai lầm cá nhân Alonso mà còn có lỗi lớn hơn: sai lầm hệ thống.

Lampard đã lựa chọn mạo hiểm ngay từ đầu khi sử dụng Alonso và Reece James chơi như hai wingback. Việc họ dâng cao đã khiến hàng thủ Chelsea luôn hở lưng và chính Callum Robinson đã khai thác cực tốt khoảng trống sau lưng James ở bàn mở tỷ số. Lối chơi này của Lampard thể hiện sự ngây thơ chiến thuật và khi nó được thực hiện bởi các cầu thủ trẻ đang “máu” thể hiện mình, Chelsea rơi vào các cạm bẫy họ từng gặp ở mùa giải trước.

Tuy nhiên, may mắn cho Chelsea, Lampard đủ độ tỉnh và lạnh để điều chỉnh và các điều chỉnh của ông cho thấy ông sẽ còn tiến xa trong nghiệp huấn luyện. Nếu so sánh, ở điểm này, Lampard hơn Solskjaer hẳn một bậc rõ rệt.

Rút Kovacic để Kante toàn tâm đá trụ, đúng vị trí sở trường, với yêu cầu Kante phải có những lúc lui về chơi như trung vệ khi cần đã giúp Chelsea thủ vững ở hiệp 2. Tuy nhiên, quyết định quan trọng hơn cả của Lampard chính là việc đưa Azpilicueta và Giroud vào sân. Thay đổi này cho thấy Lampard tinh tế và linh hoạt. Đó mới là thay đổi quyết định thực sự.

Với Azpilicueta, Lampard để Chelsea chơi cơ bản với hàng thủ 3 người (back three) trong sơ đồ 3-4-3. Tuy nhiên, khi Kante lùi sâu chơi bên cạnh Christensen, họ lại là hàng thủ 4 người với Azpilicueta và James trấn giữ hai biên. Trong khi đó, ở tuyến tấn công, với vai trò làm tường xuất sắc, Giroud đã tạo ra nhiều cơ hội uy hiếp khung thành cho đồng đội. Nếu không dùng Giroud, Chelsea sẽ không thể có một điểm rời sân Hawthorns.

Ở điểm này, Lampard cho thấy anh học hỏi được nhiều từ ông thầy cũ Mourinho. Linh hoạt chiến thuật theo tình thế trên sân là thứ không phải HLV nào cũng có thể thể hiện tốt. Và khi West Brom chỉ chăm chăm với tâm lý giữ bằng được 3 điểm lúc chỉ còn dẫn 3-2 và thời gian gần hết, sự tăng tốc của Chelsea báo hiệu khả năng thành công của họ.

Mourinho thường xuyên thích tăng tốc khi đối thủ căng thẳng như vậy mà trận đỉnh điểm của ông là ở lượt về Champions League 2003/04 khi Porto hành quân tới Old Trafford. Lampard chắc chắn thừa hưởng điều này sau nhiều năm chinh chiến cùng Mourinho. Và ở Hawthorns, ông đã làm tốt dù cho một điểm không phải là kết quả thỏa mãn người hâm mộ Chelsea.

Dấu hiệu của Chelsea lạc quan hơn của Man United khi họ trở lại sau khi bị dẫn 3 bàn, và bằng những dấu ấn chiến thuật. Chelsea sẽ khác Man United ở chỗ họ không phải chờ vào vận may. Thứ họ chờ đợi là việc định hình tập thể với nhiều nhân tố mới. Và nếu cứ chơi như thế này, thời điểm bùng nổ của họ có thể sẽ bắt đầu từ tháng 11 năm nay.

HLV Solskjaer: 'MU chỉ xứng đáng có một điểm trước Brighton' Sau trận thắng Brighton ở vòng 3 Premier League, huấn luyện viên Ole Solskjaer thừa nhận Manchester United không xứng đáng có 3 điểm.

Lý do MU được hưởng penalty sau tiếng còi kết thúc trận đấu

Theo quy định của Hiệp hội Bóng đá Quốc tế (IFAB), trọng tài không sai khi cho Man United hưởng penalty ở trận đấu tại Premier League tối 26/9 (giờ Hà Nội).

Hà Quang Minh

Bạn có thể quan tâm