Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Man City có phải nhà vô địch Premier League đáng ghét?

Premier League kết thúc mùa giải thứ 30 trong lịch sử. Hai thập kỷ đầu, đội bóng hay nhất chắc chắn là Manchester United. Trong thập niên sau, đó là Manchester City.

Bình luận

Man City anh 1

Cách đây 20 năm, không ai mường tượng ra được điều này. Đúng như câu cách ngôn “mặt trời không chiếu sáng mãi vào nhà ai”. 10 năm qua, City giành 6 danh hiệu vô địch Premier League. Liverpool mới chỉ một lần lên ngôi vương bóng đá Anh sau 30 năm chờ đợi.

Leicester City cũng trở thành nhà vô địch theo cách “không thể tin nổi”. Còn Manchester United đi lùi dần xuống thành một đội bóng tầm thường, bất chấp nhiều nỗ lực lấy lại vầng hào quang.

Lý do nào yêu ghét City

Liverpool và MU luôn là hai đội bóng được mến mộ nhất ở Anh trong nhiều năm qua. Họ có hơn 200 hội CĐV ở khắp thế giới. Thậm chí, cả khi Liverpool không giành được nhiều thành công trên sân cỏ trong một thời gian dài, họ vẫn là đội được yêu mến nhất.

Trong một cuộc khảo sát của các công ty thống kê Statista và Sportfive tổ chức năm 2021 tại Vương quốc Anh, 46% người trả lời nói yêu Liverpool, đứng thứ hai là MU với 43%.

Còn Manchester City, họ có phải là nhà vô địch đáng ghét, bất chấp những thành công trên sân cỏ? Như HLV Pep Guardiola nói cách đây hai tuần ở một buổi họp báo, thì “mọi người ở nước này ủng hộ Liverpool” trong ngữ cảnh City và Liverpool đua tranh ngôi vô địch.

Hay như cách đây vài năm, Sergio Aguero chia sẻ: “Tại Anh, tất cả người hâm mộ, toàn bộ nhà báo, các kênh TV, tất cả, họ đều là CĐV của MU”.

Pep vẫn không quên được sự kiện cách đây hai năm, 9 CLB ở Premier League viết thư gửi tới Tòa án Trọng tài Thể thao Quốc tế (C.A.S.) thúc giục họ phải ra lệnh cấm "The Citizens" đấu Champions League hai mùa bóng vì có dấu hiệu vi phạm đạo luật công bằng tài chính. CAS. sau đó kết luận City không phạm luật.

Hoặc mới tháng trước, khi Man City đến Wembley đá trận bán kết FA Cup với Liverpool, khu vực khán đài được phân cho các CĐV "The Citizens" còn nhiều chỗ trống trong khi nhiều CĐV Liverpool không có vé vào sân. Người ta đặt dấu hỏi về sự nhiệt tình của người hâm mộ City, và tình yêu từ các khán giả trung lập dành cho đội bóng này.

Trang Be Soccer liệt kê các lý do khiến City bị ghét: Bài hát truyền thống, Pep Guardiola, ông chủ cũ Thaksin Shinawatra, anh em ca sĩ Gallagher… Đó toàn những lý do không thuyết phục.

Man City anh 2

Người hâm mộ Man City vui mừng với chức vô địch của đội bóng ở mùa 2021/22. Ảnh: Reuters.

Thành công phải đi liền đồng tiền

Có những lý do chính để một người chọn cổ vũ một đội bóng: Địa lý (đội bóng quê hương hoặc đội bóng nơi mình sống), di sản (nối tiếp truyền thống gia đình), cá nhân (cầu thủ hoặc HLV ưa thích có mặt trong đội), thành công (nhiều danh hiệu vô địch), cảm xúc (đội có nhiều khúc quanh lịch sử gây cảm xúc hoặc đội gợi nhớ kỷ niệm với người thân thiết của mình).

Xét trong bối cảnh của Man City, ở cùng thành phố với đội bóng có nhiều CĐV nhất thế giới (MU), nơi có mật độ những đội bóng nổi danh rất cao (Manchester chỉ cách Liverpool có 50 km - PV), để vươn lên trở thành đội bóng được yêu mến, có nhiều CĐV thật sự rất khó. Nhất là khi chính Man City lại cạnh tranh với chính các đối thủ này. Thành công của "The Citizens" đồng nghĩa với nỗi đắng cay của những người ủng hộ Liverpool và MU.

Muốn thành công, không còn cách nào khác phải được bơm rất nhiều tiền vào và sử dụng thật hiệu quả. Song, bất kỳ sự bơm tiền nào cũng khuấy động sự ganh tỵ từ các đội bóng khác. Tuy vậy, sự ganh tỵ này đang yếu dần vì ở Anh hiện tại, có nhiều đội bóng được sang tay cho các ông chủ giàu có.

Man City cũng như Chelsea, là một trong những đội bóng được bơm tiền đầu tiên, trở thành đối tượng của sự ganh tỵ. Song, khác với Chelsea lúc đầu dùng tiền để xây dựng một cỗ máy chiến thắng đầy cơ bắp dưới tay Jose Mourinho, Man City xây dựng được một lối chơi bóng quyến rũ hàng đầu châu Âu, không chỉ ở riêng mỗi nước Anh.

Từ cách đây 10 năm, Man City chú trọng rất nhiều vào công tác tiếp thị. Ví dụ, họ xây dựng trang web với 12 phiên bản ngôn ngữ khác nhau. CLB này mua đứt hoặc mua cổ phần ở hơn 10 đội bóng khắp thế giới, có cả tại những thị trường rất lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, để tạo ra một cộng đồng rộng lớn.

Man City ở vị trí không tệ trên các bảng xếp hạng yêu ghét. Trong thăm dò của Statista và Sportfive kể trên, họ ở vị trí thứ 5 nước Anh với 37%. Tính ở phạm vi toàn cầu, đội chủ sân Etihad có lượng CĐV theo dõi họ qua các nền tảng mạng xã hội lớn thứ 4 trong số các đội bóng Anh, sau MU, Chelsea, Liverpool.

Khi mới thành công, hẳn sẽ có sự ganh tỵ, dè bỉu. Nhưng khi đã thành công trong thời gian đủ dài, chứng tỏ năng lực thật sự, tình cảm tiêu cực trên sẽ chuyển thành nể phục rồi yêu mến.

Man City anh 3

Man City có chiến thắng nghẹt thở trước Aston Villa với tỷ số 3-2 ở vòng 38 Premier League tối 22/5. Ảnh: Reuters.

Đội bóng không thiếu kịch tính

Pep Guardiola nói rằng Liverpool được yêu mến là bởi lịch sử, di sản và kịch tính họ tạo ra. Lịch sử Man City không có nhiều chất bi tráng như Liverpool với thảm họa Hillsborough hay MU với vụ tai nạn máy bay ở Munich. Nhưng không phải "The Citizens" không có nhiều kịch tính và các yếu tố gây cảm xúc.

Trong từ điển Urban Dictionary (từ điển mở rộng cho netizen định nghĩa sự vật, hiện tượng, sự kiện theo tiếng lóng thành thị), có từ “Typical City”, tức “City điển hình”. Từ “Typical City” này được định nghĩa như sau: “Khi Manchester City bằng cách nào đó tự làm rối tung một tình huống có thể dễ dàng chiến thắng, khiến mọi người đều thất vọng nhưng không gây ngạc nhiên”.

Năm 1983, cần 1 điểm ở Luton tại vòng cuối để trụ hạng, nhưng họ không làm được vào phút cuối. Năm 1996, trận hòa 2-2 với Liverpool khiến họ tụt hạng bởi kém 2 đối thủ xếp trên hiệu số bàn thắng bại. Trận chung kết Champions League năm ngoái với những quyết định nhân sự khó hiểu của Pep. Hay 2 phút bù giờ điên rồ tại sân Santiago Bernabeu đầu tháng 5 này. Những lần lỗi hẹn tại đấu trường châu Âu đầy chất “kịch tính”.

Hay mới nhất, họ bị Aston Villa dẫn 0-2 ở vòng 38 Premier League tối 22/5. Nhưng sau đó, CLB này ghi 3 bàn trong 5 phút, và phần còn lại như người ta vẫn thường gọi đã là lịch sử.

Tuần trước, nếu Riyad Mahrez đá quả phạt đền thành công vào lưới West Ham ở phút 86, Man City hơn Liverpool 3 điểm cùng với hiệu số bàn thắng bại lớn, họ đã không phải quá lo lắng cho trận đấu vòng cuối gặp Aston Villa.

Nhưng Man City cũng trưởng thành từ các “kịch tính” đó. Ví dụ, trận cuối mùa giải 2011/12, khi đang thua Queens Park Rangers 1-2, Edin Dzeko và Aguero ghi 2 bàn ở phút 90+2 và 90+5 mang về cho City chiến thắng 3-2 và ngôi vô địch Premier League với hiệu số bàn thắng thua cao hơn MU.

Trong 6 danh hiệu vô địch của Man City ở 10 năm qua, có hai lần họ áp đảo đối thủ á quân trên bảng xếp hạng, hơn MU 19 điểm mùa 2017/18, và lại hơn "Quỷ đỏ" 12 điểm mùa 2020/21. Bốn lần vô địch kia, Man City giành được ở vòng cuối cùng (2012, 2014, 2019 và 2022).

Ba lần sau, nạn nhân của họ đều là Liverpool. Man City đã kiểm soát tốt cảm xúc để có chiến thắng cần thiết trong vòng cuối cùng.

Một đội với phong độ ổn định, với lối bóng đá hấp dẫn, mê hoặc và đầy trí tưởng tượng, một đội mang lại cho khán giả cả nước lẫn toàn cầu sự hồi hộp, kịch tính như vậy có đáng bị ghét?

Man City vô địch Premier League sau màn lội ngược dòng

Man City có màn lội ngược dòng ngoạn mục trước Aston Villa ở vòng 38 Premier League, khi đánh bại đối thủ với tỷ số 3-2 tối 22/5.

Chính Phong

Bạn có thể quan tâm