Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Man City cần Messi để nâng tầm thương hiệu

Man City có thể phải chi rất nhiều tiền để chiêu mộ được Lionel Messi, nhưng CLB này sẽ không chỉ thu về giá trị chuyên môn mà còn có thể tăng mức độ nhận diện trên toàn cầu.

Khái niệm “bán áo đấu trả tiền chuyển nhượng” đã tồn tại và phổ biến với người hâm mộ bóng đá trong nhiều năm. Suy nghĩ ấy vừa đúng và vừa sai.

Lionel Messi anh 1

Nó đúng ở chỗ khi CLB mua một cầu thủ nổi tiếng, ngôi sao này không chỉ mang lại lợi ích cho đội bóng trên sân cỏ. Khi Cristiano Ronaldo đến Juventus, anh nâng tầm thương hiệu của đội bóng, giúp CLB của Serie A dễ thu hút nhà tài trợ hơn.

Nhưng số tiền mà Juve thu lời từ việc bán áo đấu có tên Ronaldo sau đó chẳng thấm vào đâu so với con số 100 triệu euro phí chuyển nhượng mà họ đã trả cho Real Madrid.

Điều tương tự sẽ xảy ra nếu Lionel Messi đến Man City. Chi phí khổng lồ mà đội bóng thành Manchester bỏ ra để chiêu mộ siêu sao người Argentina sẽ không thể dễ dàng bù đắp chỉ bằng việc bán áo đấu có in tên Messi.

Miếng bánh không béo bở

Jake Cohen, luật sư chuyên ngành thể thao phân tích các CLB thường không thu lợi quá nhiều từ việc bán áo đấu của ngôi sao, như nhiều cổ động viên hay tưởng tượng.

“Tiền tài trợ hàng năm từ các hãng thể thao là khoản tiền lớn duy nhất mà các CLB bóng đá nhận được từ áo đấu”, Cohen phân tích trên Independent. “Với mỗi chiếc áo đấu bán ra, các CLB thường được chia từ 10-15% lợi nhuận, có trường hợp còn thấp hơn”.

Tại sao các CLB bóng đá không thể tự mình “làm tất ăn cả”? Câu trả lời nằm ở việc những CLB như MU hay Barca có thể hoạt động như một doanh nghiệp, nhưng không có hệ thống kinh doanh và sản xuất toàn cầu như các hãng trang phục thể thao.

Những hãng trang phục thể thao hàng đầu thế giới bán cả trăm triệu áo đấu mỗi năm. Quy mô sản xuất lớn giúp họ giảm chi phí và kiếm lời nhờ việc đó.

MU hay Man City không thể đáp ứng được điều này. Các đội bóng lớn chỉ có thể thu lợi từ những khoản tài trợ trang phục được trả cố định hàng năm. Nếu một CLB có sức hút và thương hiệu lớn, họ có thể nhận được khoản tài trợ hàng năm cao từ các đối tác.

Ngược lại, nếu MU không dự Champions League mùa 2020/21, họ bị cắt khoảng 50 triệu bảng tiền tài trợ áo đấu mỗi năm trong hợp đồng đã ký.

Các hãng trang phục thể thao cũng chỉ để lại cho CLB một khoản % lợi nhuận nhỏ cho việc bán áo đấu. Khoản lợi nhuận này nhiều CLB cũng không thể nhận hết, bởi còn phải chia cho nhiều bên liên quan như các cửa hàng phân phối hay đối tác khác,….

Bayern Munich có thể là một trường hợp đặc biệt, khi một hãng trang phục thể thao Đức cũng là đồng chủ sở hữu của CLB này. Lợi nhuận của tập đoàn nói trên cũng gần như là lợi nhuận của Bayern.

Ngoài nhà đương kim vô địch Champions League, những CLB lớn trên thế giới đều thu lợi rất ít từ tiền bán áo đấu.

Lionel Messi anh 2

Tổng thu nhập một năm Messi đang nhận tại Barcelona. Đồ họa: Minh Phúc.

Man City có thể làm gì với thương hiệu Messi?

Kaveh Solhekol, chuyên gia của Sky Sports, phân tích hợp đồng của Man City với một hãng thể thao của Đức và chỉ ra rằng nửa xanh thành Manchester chỉ được chia 7% lợi nhuận trên mỗi áo đấu được bán ra.

Giả sử Messi được Barca bán với giá 200 triệu bảng, mỗi chiếc áo đấu của siêu sao người Argentina sẽ đem về cho Man City khoảng 5 bảng. Man City sẽ cần bán khoảng 40 triệu áo đấu có in tên Messi để trả đủ tiền chuyển nhượng.

Đây là con số gần như không tưởng với mọi CLB bóng đá trên thế giới. Theo thống kê của Deloitte vào năm 2019, Barca bán trung bình khoảng 2 triệu áo đấu một năm.

Các CĐV cần nhớ rằng Barca cùng với Real và MU là 3 CLB có giá trị thương hiệu lớn nhất trên thế giới. Trong năm 2015, chỉ 3 triệu áo đấu chính hãng của MU được bán ra trên toàn thế giới.

Số tiền bán áo đấu một cầu thủ bom tấn chắc chắn không thấm vào đấu nếu so với chi phí chuyển nhượng hay lương mà các CLB phải trả.

Nếu thành công trong thương vụ Messi, Man City chắc chắn không thể thu hồi số vốn khổng lồ đã bỏ ra chỉ nhờ bán áo đấu của cầu thủ.

Henderson, chuyên gia tài chính thể thao từ trường Đại học Manchester, đánh giá thương vụ Messi ngay trong hè 2020 có thể tiêu tốn của các CLB từ 500 đến 700 triệu euro.

Mỗi năm Messi nhận 60,3 triệu euro lương cơ bản (tương đương mức 988.000 bảng/tuần), 10 triệu euro tiền bản quyền hình ảnh, 14,5 triệu euro tiền thưởng. Messi sẽ nhận khoản phí trung thành lên tới 133 triệu euro trong 5 năm hợp đồng. Tổng chi phí cho Messi nếu tính cả số tiền trung thành lên tới 111,4 triệu euro/năm.

Ở tuổi 33, Messi được cho là sẽ yêu cầu một bản hợp đồng có thời hạn ít nhất là 3 năm. Nếu Messi không thể ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do, Man City có thể phải trả cho Barca thêm cả trăm triệu euro tiền chuyển nhượng.

Tuy nhiên, việc nửa xanh thành Manchester sốt sắng trong vụ Messi không chỉ nằm ở lợi ích trước mắt về kinh tế. Thứ mà các ông chủ Man City cần ở Messi là việc nâng tầm thương hiệu của CLB, thậm chí xa hơn là nâng tầm của tập đoàn City Football Group và đất nước UAE.

Vào tháng 2, Financial Times ước tính giá trị thương hiệu của Juventus đã tăng 31,3% sau hai năm chiêu mộ Ronaldo. Tiền Juve nhận từ các nhà tài trợ tăng lên khi có Ronaldo.

Với các ông chủ người UAE của Man City, họ thậm chí không cần đến các nhà tài trợ nước ngoài. Các tập đoàn và công ty từ UAE chính là những nhà tài trợ hào phóng nhất cho Man City.

Việc Tòa án Trọng tài Thể thao Quốc tế (CAS) tuyên Man City thắng trong vụ kiện với UEFA cho thấy các hợp đồng “tài trợ ma” từ UAE có tác dụng lớn như thế nào đến tình hình tài chính của CLB này.

Truyền thông Anh tin rằng Man City đã đề nghị Messi một hợp đồng “trọn đời”. Sau khi chơi bóng tại Premier League, Messi có thể sang MLS chơi cho New York City, CLB anh em với Man City đến khi giải nghệ.

Đó là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi và cho thấy tham vọng của các ông chủ người UAE.

Cho đến tháng 7/2020, tập đoàn City Football Group với 78% vốn từ Abu Dhabi đã có cổ phần ở 9 CLB trên khắp thế giới.

City Football Group là chủ sở hữu của Manchester City, Melbourne City (đội bóng đang chơi tại giải VĐQG Australia - A.League), Montevideo City Torque (giải VĐQG Uruguay) New York City (giải MLS), Lommel S.K (Bỉ).

Họ nắm cổ phần lớn ở Mumbai City (Ấn Độ), Girona (hạng nhì Tây Ban Nha), Sichuan Jiuniu (Trung Quốc),…

Colin Savage, chuyên gia tài chính, nhận định sự có mặt của Messi sẽ đẩy nhanh hơn quá trình vươn tầm của City Football Group.

Khi Sheikh Mansour đầu tư vào Man City, ông không chỉ muốn gặt hái những danh hiệu như Premier League hay Champions League. Tỷ phú người UAE này muốn tạo ra một đế chế bóng đá có sức ảnh hưởng toàn cầu.

Messi chính là mảnh ghép có thể tạo ra tác động to lớn cho quá trình đó.

'Messi rời Barca không khác gì ngày tận thế' Người hâm mộ Barcelona bức xúc và trút giận lên ban lãnh đạo đội bóng khi được hỏi về việc Lionel Messi nộp đơn đòi ra đi.

Nửa tỷ euro để mua Messi là một canh bạc

Man City, Man Utd hay PSG là những đội bóng sẵn sàng bổ sung Messi cho đội hình, nhưng họ sẽ gặp nhiều rào cản về mặt tài chính.

Đại sứ La Liga: 'Nếu Messi ra đi, Barca vẫn là CLB lớn'

Ông Fernando Sanz cho biết những đội bóng có lịch sử như Barca và Real luôn biết cách vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hồng An

Bạn có thể quan tâm