Ngày 6/9, các trường đại học tư nhân tại Afghanistan đã mở cửa trở lại. Taliban đã giữ đúng một phần cam kết về "Taliban 2.0" bao trùm hơn với việc cho nữ giới đến trường.
Theo NDTV, những bức ảnh do hãng thông tấn Aamaj của Afghanistan đăng tải trên Twitter cho thấy trạng thái “bình thường mới” đối với sinh viên đại học Afghanistan: Những lớp học bị chia tách cả trên nghĩa đen và nghĩa bóng. NDTV chưa thể xác thực những bức ảnh này.
Những lớp học được ngăn đôi bằng tấm rèm. Ảnh: Aamaj News. |
Những lớp học bị ngăn đôi
Trước khi trường học mở cửa trở lại, cơ quan quản lý giáo dục của Taliban ngày 4/9 công bố văn bản yêu cầu phụ nữ phải mặc áo choàng abaya và khăn trùm niqab che mặt. Lớp học phải được xếp theo giới tính hoặc ít nhất được ngăn cách bằng rèm.
Phụ nữ không bị yêu cầu mặc bộ trang phục burqa che phủ hết người, nhưng khăn niqab cũng che gần hết khuôn mặt, chỉ để hở đôi mắt.
Văn bản này cũng lệnh cho sinh viên nữ chỉ được dự tiết do giảng viên nữ đứng lớp. Nếu không khả thi, “đàn ông lớn tuổi có nhân cách tốt” có thể thay thế.
“Đại học phải tuyển dụng giảng viên nữ để dạy sinh viên nữ theo học”, cơ quan quản lý giáo dục cho biết.
Theo một số quy định khác của Taliban, phụ nữ và đàn ông phải sử dụng lối ra vào khác nhau. Sinh viên nữ phải rời lớp sớm 5 phút để tránh tình trạng nam nữ lẫn lộn. Ngoài ra, các em cũng phải ở trong phòng chờ cho tới khi sinh viên nam rời khỏi tòa nhà.
Phụ nữ Afghanistan sẽ phải đối mặt với các quy định khắt khe theo luật Sharia mà Taliban diễn giải và áp dụng. Ảnh: Reuters. |
Trả lời AFP, một giáo sư đại học cho rằng “cách sắp xếp này rất khó khăn vì họ không có đủ giáo viên nữ hoặc phòng học để tách riêng nữ sinh viên… Nhưng việc Taliban cho phép nữ giới đi học là một bước tiến lớn tích cực”.
Nam giới và nữ giới cũng sẽ được ngăn cách ở bậc tiểu học và trung học. Tuy nhiên, cách làm này từ trước đã phổ biến ở khắp đất nước Afghanistan còn bảo thủ.
Tháng 8, Abdul Baqi Haqqani, quyền Bộ trưởng Giáo dục, từng nói Taliban muốn “tạo ra giáo trình Hồi giáo hợp lý, phù hợp với giá trị Hồi giáo, quốc gia, và lịch sử, đồng thời cũng có thể cạnh tranh với các nước khác”.
Taliban sẽ giữ lời hứa tới đâu?
Câu hỏi liệu phụ nữ có thể đi làm, tự do đến trường, và giao thiệp với đàn ông hay không là một trong những vấn đề bức thiết nhất kể từ khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul vào ngày 15/8.
Câu trả lời phần nào được hé lộ qua buổi họp tháng 8 của các quan chức ngành giáo dục. Trong sự kiện này, không phụ nữ nào xuất hiện tại cuộc họp giữa các bậc trưởng bối tại Kabul, mặc dù một số quan chức cấp cao Taliban cũng có mặt.
Trả lời AFP, một giảng viên đại học cho biết điều này thể hiện “sự cản trở có tính hệ thống đối với sự tham gia của phụ nữ” và là “một khoảng trống giữa cam kết và hành động của Taliban”.
Những tấm ảnh phụ nữ bị bôi đen ở Kabul. Ảnh: AFP. |
20 năm qua, tỷ lệ theo học đại học của Afghanistan đã tăng cao hơn, đặc biệt là với nữ giới. Những người này học song song với nam giới và tham gia các buổi thảo luận chuyên đề do giáo sư nam giới đứng giảng.
Sau khi chiếm quyền kiểm soát phần lớn Afghanistan, Taliban từng hứa hẹn sẽ có hành động mang tính bao trùm hơn, đặc biệt là trên lĩnh vực quyền con người và bình đẳng giới.
Tuy nhiên, Afghanistan gần đây có một số sự kiện làm dấy lên nỗi lo sợ rằng Taliban sẽ quay trở lại như giai đoạn cai trị hà khắc trong thập niên 1990.
Ngày 6/9, Taliban bị cáo buộc bắn chết một nữ cảnh sát mang thai 8 tháng tại nhà riêng của nạn nhân ở thành phố Firozkoh, thủ phủ tỉnh Ghor, theo BBC.
Ba nguồn tin nói với BBC rằng Taliban đã đánh đập và bắn chết Negar trước mặt chồng và các con của cô vào ngày 4/9. Tuy nhiên Taliban cho biết không liên quan đến cái chết này và đang điều tra vụ việc.
Lời hứa cho phép phụ nữ đi làm cũng bị hoài nghi, theo NDTV. Shabnam Dawran, một nhà báo nổi tiếng, cho biết chị bị cấm làm việc ở đài truyền hình sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, AFP đưa tin ngày 19/8.
Một số cuộc biểu tình của phụ nữ đòi quyền bình đẳng đã nổ ra trong những ngày gần đây. Cuộc biểu tình ngày 5/9 tại Kabul bị đội đặc nhiệm của Taliban bắn chỉ thiên và dùng gậy gộc giải tán.